Thật khó để có thể tường minh được những hoạt động sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc ở nước Pháp những năm 1911-1920. Trong bài viết này, tác giả đề cập tới hai sự kiện liên quan đến Người ở nước Pháp vào tháng 9/1911 và 9/1919, qua đó góp thêm nguồn tư liệu để hiểu hơn về khát vọng, ý chí và bản lĩnh Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm đường cứu nước
Tháng 9/1911, Nguyễn Tất Thành viết đơn xin vào học trường Thuộc địa
Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Nguyễn Văn Ba, làm phụ bếp trên tàu của Pháp Latouche - Tréville rời bến cảng Sài Gòn bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Đến 6/7/1911, tàu cập cảng Mácxây, Người đã đến nước Pháp. Song, thật thú vị vì sau đó không lâu, vào tháng 9/1911, Nguyễn Tất Thành đã viết hai bức thư gửi cho Armand Fallières (Tổng thống Pháp) và Bộ trưởng Bộ Nước Pháp ở Hải ngoại (còn gọi là Bộ Thuộc địa) Albert Lebrun với cùng một nội dung là đề xuất xin được vào học ở trường Thuộc địa[1]. Bức thư gửi Armand Fallières có nội dung:
“Marseille, ngày 15 tháng 9 năm 1911.
Thưa ngài Tổng thống của nền Cộng hoà.
Tôi rất vinh hạnh được cầu xin sự bao dung cao quý của ngài cho tôi ân huệ được theo các khoá học của trường Thuộc địa với tư cách học viên nội trú. Tôi hiện đang là nhân viên của Công ty Chargeurs réunis, tàu Latouche – Tréville để tự nuôi sống bản thân. Tôi hoàn toàn không có nguồn thu nhập nào khác và rất mong muốn được học tập. Tôi muốn trở thành người có ích cho nước Pháp trong những gì có liên quan đến những đồng bào của tôi và đồng thời có thể giúp họ tranh thủ được những lợi ích của giáo dục. Tôi đến từ tỉnh Nghệ An, xứ An Nam.
Trong khi chờ đợi hồi âm của Ngài mà tôi hy vọng sẽ là có thể được chấp thuận, xin Ngài Tổng thống chấp nhận trước hết lòng biết ơn chân thành của tôi.
Nguyễn Tất Thành, sinh tại Vinh năm 1892, con trai của ông Nguyễn Sinh Huy (Phó bảng).
Đang học tiếng Pháp
chữ quốc ngữ
chữ Trung Quốc”[2].
Đơn xin học Trường Thuộc địa của Nguyễn Tất Thành (Ảnh tư liệu)
Bức thư góp thêm minh chứng xác nhận việc Nguyễn Tất Thành có mặt tại Pháp và trực tiếp đề xuất nguyện vọng với người có quyền quyết định tối cao của nước Pháp. Nguyễn Tất Thành chứng kiến rõ cảnh thực dân Pháp thống trị đất nước, quyết chí ra đi tìm con đường đánh đổ ách thống trị đó, giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào… vậy tại sao ngay khi mới đặt chân tới nước Pháp, lại không ngần ngại bày tỏ mong muốn được học tập, cộng tác với Pháp? Xét từ mục đích, hoàn cảnh Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi, đến cuộc sống thực tại đang khó khăn mọi mặt, tôi đồng tình với nhà sử học Pháp, Alain Ruscio khi cho rằng có thể hành động này của Nguyễn Tất Thành chính là “sự tính toán khôn khéo của một người tranh đấu, đã sáng suốt chống lại hệ thống, nhưng che giấu những mục tiêu đích thực của mình”[3]. Bởi, không loại trừ khả năng Nguyễn Tất Thành dùng việc này như một phép thử để hiểu rõ hơn về thái độ của Pháp, hành động bắn một mũi tên nhưng trúng nhiều đích: nếu được chấp nhận thì đó là cơ hội để Nguyễn Tất Thành có được sự hợp pháp về chính trị, ổn định hơn về kinh tế trên đất Pháp, có cơ hội được hiểu biết hơn về văn minh Pháp, về chủ nghĩa thực dân Pháp, về thế giới tư bản… còn nếu không được chấp nhận thì cũng giúp Nguyễn Tất Thành hiểu rõ hơn bản chất “khai sáng” của thực dân Pháp... từ đó có định hướng rõ hơn cho những hoạt động và con đường tiếp theo sẽ phải đi như thế nào để đạt được mục đích.
Điều này hoàn toàn bác bỏ những lập luận cho rằng: Vì không được chấp nhận vào học tại Trường Thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc trở nên bất mãn và bắt đầu quay ra hoạt động chống lại Nhà nước Cộng hòa Pháp.
Bản Yêu sách của Nhân dân An Nam ký tên Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị hòa bình Versailles, ngày 18/6/1919 (Ảnh tư liệu)
Nguyễn Ái Quốc gặp Albert Sarraut tháng 9/1919
Ngày 6/9/1919[4], tại phòng khách của Bộ thuộc địa Pháp diễn ra cuộc gặp giữa Albert Sarraut[5] và Nguyễn Ái Quốc. Cuộc gặp được mô tả trong cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện của tác giả T.L như sau:
Trong phòng khách của Bộ thuộc địa, một bầy người Pháp “tai to mặt lớn” đang nhô nhô chờ đến lượt mình được “quan thượng” gọi vào. Nhưng Bác không phải chờ, vừa đến thì liền có ông già mang xiềng bằng bạc (người truyền đạt ở các cơ quan cấp cao) mời vào ngay.
Một gian phòng rộng rãi và lộng lẫy, trưng bày đầy những đồ xưa vật quý mang từ các thuộc địa về. Quan thượng thư, đầu sói như quả bưởi, một mắt mang kính trắng “uy phong lẫm lẫm” ngồi chẫm choẹ bên một cái bàn rất rộng và chất đầy giấy tờ. Thấy Bác vào, ông ta đứng dậy bắt tay và mời ngồi một cách lễ độ giả dối.
Hai người ngồi đối mặt nhau.
Một người thì đại biểu của chế độ đế quốc thực dân Pháp đang áp bức bóc lột Việt Nam.
Một người là tượng trưng của nhân dân Việt Nam đang bị Pháp đô hộ một cách tàn nhẫn.
Y thì nắm trong tay cả quyền bính kinh tế, chính trị, quân sự, cảnh sát, toà án, trại giam… ở các thuộc địa Pháp. Bác là một trong 50 triệu người thuộc địa đang bị bọn thực dân Pháp bắt làm nô lệ.
Y có quyền bắt Bác giải về Việt Nam gán cho tội tuyên truyền cộng sản, rồi đưa lên máy chem. (Triều đình Việt Nam đã vâng lệnh Pháp mà xử án Bác vắng mặt).
Bác thì chỉ dựa vào lực lượng của chính nghĩa và cảm tình của giai cấp công nhân Pháp, nhất là công nhân Pari.
Hai giai cấp, hai chế độ ngồi đối mặt nhau. Thế nhưng Bác cảm thấy ông ta sợ Bác, vì sợ cách mạng; và đoán biết rằng ông ta cũng cảm thấy Bác không sợ ông ta, vì cách mạng không sợ cái chế độ do ông ta đại biểu.
Thượng thư thuộc địa mắt thì nhìn Bác chằm chằm, tay thì vẽ trên bàn, miệng thì nói như phun ra lửa. Y nói đại ý như sau:
“Hiện nay có những kẻ ngông cuồng hoạt động ở Pháp. Họ liên lạc với bọn Bônsơvích ở Nga. Từ Nga, họ liên lạc với Quảng Đông. Và từ Quảng Đông họ liên lạc với Việt Nam. Chính phủ Pháp biết rõ hết những dây liên lạc đó! Họ âm mưu phá rối trật tự trị an ở Đông Dương và chống đối lại Nhà nước bảo hộ. Nước mẹ Đại Pháp rất khoan hồng, nhưng sẽ không tha thứ những kẻ gây rối loạn… Nước mẹ Đại Pháp đủ sức để bẻ gẫy họ, như thế này…”.
Nói đến đó, y vẻ mặt hầm hầm, hai tay nắm lại và làm như đang bẻ những vật gì rất cứng rắn – những người cách mạng Việt Nam.
Bác cứ giữ thái độ ung dung, cứ mỉm cười, để mặc y nói. Cái mỉm cười trước những lời đe doạ làm cho thượng thư thuộc địa càng bực, càng sợ. Khi ông ta tạm dứt lời, Bác hỏi: “Ngài nói xong rồi chứ?”.
Là một nhà chính trị cáo già, ông ta đổi giọng và nói một cách ôn tồn:
“Tôi rất thích những thanh niên có chí khí như ông. Có chí khí là tốt, nhưng phải “thức thời” mới ngoan. Ồ này! Khi nào ông có cần gì tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ ông. Từ nay, chúng ta đã quen biết nhau, ông không nên khách sáo…”.
Bác nói: “Cảm ơn ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập… Kính ngài ở lại, tôi xin phép về”.
Trên đường về, ngồi trong xe điện dưới hầm (mêtơrô), Bác cười trong bụng: “Con cáo già thuộc địa đã đoán trúng ý định của mình!”[6]
Ngày hôm sau, 7/9/1919, Nguyễn Ái Quốc viết ngay một bức thư gửi Albert Sarraut, tiếp tục bày tỏ, khẳng định quan điểm kiên quyết đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhân dân.
Thái độ ung dung, hiên ngang, không run sợ khi đối diện Albert Sarraut, cho thấy một con người đầy chí khí, một quyết tâm theo đuổi đến cùng để thực hiện mục tiêu của mình và hơn thế nữa là một niềm tin chắc chắn vào con đường Người đang đi và sẽ đi, vào khát vọng chính đáng không chỉ của Người mà của cả dân tộc Việt Nam, của nhân dân thuộc địa thế giới, niềm tin vào sức mạnh, ý chí quật cường chống áp bức của con người Việt Nam, mà trước hết là Nguyễn Ái Quốc tin vào chính bản thân Người, vào lý tưởng mà Người đang theo đuổi.
Nam Trang
[1] Thành lập và hoạt động trong những năm 1885 - 1927 tại Pháp với tên gọi đầu tiên là Trường Campuchia, mục đích để đào tạo người Pháp và những người dân thuộc địa thành những nhân viên trung gian để duy trì hệ thống cai trị của thực dân Pháp. Người dân thuộc địa để được vào trường học trước hết phải là con các quan lại cấp cao và phải trung thành với sự nghiệp của Pháp. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 5 người Đông Dương được gửi vào trường học. Đến năm 1927, trường dừng đào tạo những người dân thuộc địa. Xem: Alain Ruscio (2020), Hồ Chí Minh – Những bài viết và những cuộc tranh đấu, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.29
[2] Xem: Alain Ruscio: Hồ Chí Minh - Những bài viết và những cuộc tranh đấu, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.30
[3] Alain Ruscio: Hồ Chí Minh – Những bài viết và những cuộc tranh đấu, Sđd, tr.31.
[4]Alain Ruscio: Hồ Chí Minh – Những bài viết và những cuộc tranh đấu, Sđd, tr. 60
[5] Albert Sarraut là Toàn quyền Đông Dương từ tháng 11/1911 đến tháng 12/1913 và làm Toàn quyền Đông Dương lần thứ hai từ tháng 11/1916 đến tháng 5/1919; hai lần làm Bộ trưởng Bộ Thuộc địa: lần thứ nhất từ tháng 1/1920 đến tháng 3/1924; lần thứ hai từ tháng 6/1932 đến tháng 9/1933.
[6] T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Nxb. Trẻ, Hà Nội, 1999, tr.14-16.