Ngày 11-6-1963, tại ngã tư Phan Đình Phùng- Lê Văn Duyệt, nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu- Cách mạng tháng Tám, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo miền Nam Việt Nam. Ngọn lửa Thích Quảng Đức đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật nói riêng và của nhân dân miền Nam nói chung, đấu tranh chống chế độ tay sai gia đình trị, góp phần đưa đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Bức ảnh của nhà báo Malcolm Browne, Hãng Thông tấn AP, chụp Hòa thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu sáng 11-6-1963. Ảnh tư liệu.
Nhắc đến lịch sử đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật tại miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954- 1975 không thể quên một tấm gương đã xả thân đấu tranh vì đạo pháp và dân tộc – Hòa thượng Thích Quảng Đức.
Hòa thượng Thích Quảng Đức tên thật là Lâm Văn Tức, sinh năm 1897 tại Hội Khánh, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Trong cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật tại miền Nam chống chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963, ông đã trở thành tấm gương sáng chói về tinh thần đấu tranh chống ách áp bức của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật tử và đồng bào miền Nam.
Miền Nam Việt Nam trong những năm 1954- 1963, Ngô Đình Diệm từ khi lên nắm quyền đã thực hiện chính sách phân biệt đối xử đối với các tôn giáo, o ép Phật giáo. Do vậy, phong trào đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật đã âm ỷ từ lâu, chỉ chờ cơ hội là bùng lên.
Cơ hội đó đã đến. Ngày 7-5-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm tại Huế ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo nhân dịp Lễ Phật đản năm 1963, đồng thời cấm phát thanh bài diễn văn đọc trong buổi lễ. Quần chúng biểu tình phản đối. Chính quyền miền Nam thẳng tay đàn áp, tạo nên một Lễ Phật đản đẫm máu ở Huế. Cuộc khủng hoảng Phật giáo bắt đầu và từ đó đến giữa tháng 6-1963 ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, thắng lợi của phong trào chưa được bao nhiêu mà sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm đã gây ra bao thảm cảnh cho tăng, ni, Phật tử và đồng bào miền Nam. Cảnh tượng các tăng ni Phật tử bị bắn giết, bị xe cán trên đường phố. Nào là cảnh tượng tăng ni Phật tử đầy ắp các bệnh viện Sài Gòn, Huế, thương tích đầy mình, kêu rên thảm thiết. Rồi người bị thủ tiêu, lớp bị đẩy ra mặt trận cầm súng chống lại nhân dân.
Hòa thượng Thích Quảng Đức đã chứng kiến tất cả những điều đó. Là một những con tâm huyết với Phật giáo và dân tộc, lòng ông quặn đau. Trước chính sách đàn áp điên cuồng của chính quyền Ngô Đình Diệm, ông thấy cần phải gióng lên tiếng chuông thức tỉnh lương tri đồng bào trong nước và dư luận quốc tế và ngăn chặn bàn tay đàn áp của chính quyền miền Nam.
Trong các hình thức đấu tranh bất bạo động của Phật giáo, tự thiêu là hình thức cao nhất. Và hình ảnh bi hùng của ngọn đuốc Hòa thượng Thích Quảng Đức đã đi vào lịch sử đấu tranh hào hùng của nhân dân Việt Nam và gây chấn động dư luận thế giới. Ngày 11-6-1963, ông tự thiêu tại Sài Gòn phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông Trần Bạch Đằng viết: “Đây là thời kỳ cái tinh túy của đạo Phật được phát huy, được luân lý dân tộc chấp nhận. Đó là hình ảnh Thích Quảng Đức tự thiêu, một kỳ công không bao giờ có được, là hun đúc của lịch sử, là tinh hoa của Phật giáo Việt Nam tầm cỡ thế giới”. Hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi trong ngọn lửa rực hồng tại Ngã tư Phan Đình Phùng- Lê Văn Duyệt (Sài Gòn) mãi đi vào lòng nhân dân Việt Nam và được đăng tải trên hầu hết báo chí lớn trên toàn thế giới.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức lễ truy điệu Hòa thượng Thích Quảng Đức, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đọc điếu văn, các vị đại diện các tôn giáo trong Mặt trận ra tuyên bố chung, cực lực lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tôn giáo và kêu gọi lương tri loài người hành động ngăn chặn tối ác của chính quyền Sài Gòn.
Tại miền Bắc, các tầng lớp nhân dân tổ chức hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình lên án chính quyền Sài Gòn đàn áp Phật giáo, đòi thỏa mãn yêu sách 5 điểm của Phật giáo. Riêng tại Hà Nội, hơn 80.000 lượt người xuống đường tuần hành ủng hộ đồng bào theo đạo Phật tại miền Nam.
Quả thật, ngọn lửa Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tiếp sức cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân. Nó đã động viên cao độ phong trào quần chúng chống chính quyền Ngô Đình Diệm, kể cả trong một số giới chức của chính quyền, những người còn đôi chút lương tri và không thể nhắm mắt làm ngơ trước chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền. Hành động đó làm cả thế giới thức tỉnh, nhận rõ bộ mặt tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm, cô lập chính quyền miền Nam về ngoại giao, buộc Trần Lệ Xuân phải công du châu Âu, Hoa Kỳ để “giải độc”. Hoa Kỳ và các nước phương Tây đứng trước thực tế họ đang ủng hộ một Chính phủ đàn áp tôn giáo và thêm một yếu tố thúc đẩy Hoa Kỳ thực hiện “thay ngựa giữa dòng”.
Có những cái chết gây xúc động cao độ, Hòa thượng Thích Quảng Đức là trường hợp như vậy. Đám tang ông ngày 16-6-1963 tập hợp tới 700.000 người, biến thành cuộc đấu tranh biểu dương lực lượng khổng lồ của đồng bào đô thị miền Nam đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Noi gương ông, nhiều tăng, ni, Phật tử tiếp tục tự thiêu xả thân cho đạo pháp và dân tộc.
Ngày 1-11-1963, Hoa Kỳ “giật dây” cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong các nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ chính quyền Ngô Đình Diệm trước hết phải kể đến cuộc đấu tranh mạnh mẽ của cách mạng miền Nam dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kể từ sau Phong trào đồng khởi mà tiêu biểu là trận Ấp Bắc vang dội, sự phá sản của quốc sách ấp chiến lược thì ngọn lửa Thích Quảng Đức đã khích động cao độ phong trào đấu tranh của nhân dân đô thị, đẩy chính quyền Ngô Đình Diệm vào con đường hầm không lối thoát với kết cục thê thảm. Đúng như Báo NewYork Heral Tribune ngày 21-7-1963 viết: “Thượng tọa Thích Quảng Đức, một vị tu sĩ Phật giáo đã biến tấm áo cà sa vàng của mình thành một giàn lửa không phải là một người duy nhất có thể tự đốt mình. Tổng thống Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam cũng đang làm một việc rất hay là ông đang tự đốt hết nền tảng của chế độ ông”.
Với hành động của mình, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã đóng góp xứng đáng cho lịch sử dân tộc, làm rạng rỡ lịch sử đấu tranh của Phật giáo vì đạo pháp và dân tộc.
Bình Thi