Thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn, kêu gọi chiến đấu, phát động chiến tranh, nhưng khi phân tích sâu, tìm hiểu kỹ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta mới thấy ý nghĩa nhân văn ẩn chứa trong tác phẩm này lại chính là khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh cụ thể 77 năm về trước
Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946, hai chữ “hòa bình” (trong tổng số 183 chữ) chỉ xuất hiện một lần ngay mở đầu, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với toàn bộ nội dung của tác phẩm, bởi nó phản ánh rõ nét những nỗ lực, cố gắng của dân tộc Việt Nam để có được không gian hòa bình cần thiết. Đồng thời, nó cũng chính là lời chỉ dẫn cho nhân dân ta những hành động cụ thể, thiết thực nên làm, cần làm để đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trước hết, kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai là giới hạn cuối cùng trong nỗ lực vì hòa bình của Đảng, Chính phủ ta sau một chặng đường dài chấp nhận nhân nhượng để đổi lấy không gian hòa bình cần thiết. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, hoàn cảnh đất nước lúc ấy khó khăn do “thù trong giặc ngoài” vây hãm, chính quyền cách mạng non trẻ, đời sống nhân dân khổ cực… lựa chọn sáng suốt của Đảng, Chính phủ là phải nhân nhượng, chấp nhận hy sinh một số lợi ích trước mắt để giữ được môi trường hòa bình, dù là tạm thời trong nước, từng bước củng cố chính quyền, xây dựng nội lực, chờ thời cơ đưa cách mạng tiến lên, giành thắng lợi cuối cùng.
Khi hòa hoãn với quân đội Trung Hoa dân quốc (từ cuối năm 1945 đến trước khi Hiệp định Hoa - Pháp ký kết ngày 28/02/1946), Đảng và Chính phủ ta đã có những bước lùi cần thiết như: chấp nhận cung cấp một phần nhu cầu hậu cần cho quân Trung Hoa dân quốc, đồng ý để đội quân này tung tiền quan kim, quốc tệ ra lũng đoạn thị trường, sắp xếp 70 ghế trong Quốc hội cho các đảng phái thân Trung Hoa dân quốc không qua bầu cử, tuyên bố tự giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương… Nhưng, chúng ta cũng kiên quyết bác bỏ những yêu sách vi phạm chủ quyền dân tộc như đòi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chức, đòi thay đổi quốc kỳ, quốc ca…
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (Ảnh tư liệu)
Đến khi hai kẻ thù Pháp – Trung Hoa dân quốc bắt tay nhau nhằm tiêu diệt cách mạng Việt Nam bằng việc ký kết Hiệp định Hoa-Pháp (28/02/1946), đặt nhân dân ta đứng trước hai tình thế: quyết đánh hay tiếp tục nhân nhượng? Nếu kiên quyết chống lại Hiệp ước Hoa - Pháp, tổ chức kháng chiến chống Pháp ngay từ lúc chúng đưa quân ra miền Bắc, thì sẽ phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng một lúc, tiềm lực mọi mặt của chúng ta vẫn chưa sẵn sàng cho nhiệm vụ này. Nếu chọn giải pháp hòa hoãn, nhân nhượng thì sẽ đạt được mục đích “đuổi” quân đội Quốc dân đảng Trung Hoa về nước, tránh được tình thế “lưỡng đầu thọ địch” và bảo toàn lực lượng, tranh thủ thời gian hòa hoãn để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Phân tích, cân nhắc kỹ tình hình, Đảng, Chính phủ ta đã chọn giải pháp hòa hoãn. Kết quả là Hiệp định sơ bộ được ký kết vào ngày 06/3/1946. Tuy đây chỉ là thỏa thuận bước đầu giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp, song nó không chỉ mở ra một lối thoát cho cuộc đàm phán đang lâm vào tình trạng bế tắc mà còn tạo được thế đứng cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Pháp để giành bằng được độc lập.
Sau Hiệp đinh sơ bộ là khoảng thời gian đấu trí đầy cam go giữa ta và thực dân Pháp. Tuy nhiên, do lập trường thực dân ngoan cố của Pháp, cuộc hòa đàm Việt-Pháp đã diễn ra trong một thời gian dài (từ 6-7-1946 đến 12-9-1946), từ trong nước ra nước ngoài, song chưa đem lại kết quả như mong muốn.
Khi không đạt được thỏa thuận, đoàn đàm phán của ta lên đường về nước ngày 13/9, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định ở lại Paris thêm vài ngày nữa vì nỗ lực cứu vãn hòa bình. Nỗ lực ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện bằng một bản Tạm ước ký kết vào tối ngày 14/9/1946 giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Mutet – đại diện Chính phủ Pháp, chấp nhận tiếp tục nhân nhượng cho Pháp thêm quyền lợi về kinh tế, văn hóa. Có thể nói, “Tạm ước 14 tháng 9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại đến quyền lợi cao trọng của dân tộc”[1].
Tuy nhiên, những nỗ lực hòa hoãn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng chỉ kéo dài được đến ngày 19/12/1946, tức là hơn ba tháng sau khi bản Tạm ước được ký kết. Những hành động của thực dân Pháp ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Hà Nội trong thời gian này khiến cho nhân dân ta không thể tiếp tục nhân nhượng được nữa, bởi vì “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa” [2].
Như vậy, cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai nổ ra khi không còn khả năng hòa hoãn, khi mọi thiện chí hòa bình thương lượng để tránh một cuộc chiến tranh nhằm đi đến độc lập thống nhất đã bị thực dân Pháp khước từ vì chúng quyết dùng vũ lực để một lần nữa, áp đặt ách thực dân trên đất nước ta. Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dõng dạc vang lên, thể thiện quyết tâm sắt đá, ý chí kiên cường của cả dân tộc: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” [3].
Hình ảnh biểu trưng ý chí kháng chiến của quân và dân Hà Nội (Ảnh Nguyễn Bá Khoản)
Thứ hai, sẵn sàng đấu tranh để giành lấy độc lập, tự do, tức là sẵn sàng hy sinh máu xương để đổi lấy một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình cho dân tộc.
Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm đã chứng minh rằng, từ tình yêu Tổ quốc, từ khát vọng hòa bình, nhân dân Việt Nam qua các thế hệ sẵn sàng chấp nhận hy sinh gian khổ. Ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã trở thành một hằng số trong văn hóa giữ nước Việt Nam. Nó chính là sức mạnh tinh thần to lớn, đủ sức để khuất phục kẻ thù, cho dù kẻ thù đó lớn mạnh đến đâu đi chăng nữa. Dù cho ở đâu đó vẫn có những kẻ vì lợi ích cá nhân bán rẻ lợi ích dân tộc, làm tay sai cho giặc, những kẻ ham sống sợ chết… làm vấy bẩn truyền thống anh dũng, hào hùng của đất nước Việt Nam nhỏ bé nhưng luôn kiên cường. Song đặc điểm nổi bật nhất của dân tộc Việt Nam đó là yêu độc lập, tự do, dù khó khăn gian khổ vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu. Trước ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, khi mọi nỗ lực, cố gắng vì một nền hòa bình không còn tác dụng nữa, thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”[4].
Lời hiệu triệu ấy là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí sẵn có, với một ý chí “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Thái độ dứt khoát và kiên định ấy xuất phát từ thực tế nước ta là một nước nhỏ bé, đất không rộng, người không đông, tiềm lực mọi mặt còn hạn chế, chỉ có nhân tố con người với lòng yêu nước nhiệt thành, sức bền và sự dẻo dai là sức mạnh to lớn nhất. Đối mặt với kẻ thù, cha ông ta đã sử dụng nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự độc đáo, lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều. Kế thừa truyền thống đó, mặc dù thực dân Pháp có nhiều ưu thế hơn về vũ khí, trang bị, song Đảng, Chính phủ vẫn xác định đường lối kháng chiến là, toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh.
Đáp Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân, toàn quân ta nhất tề đứng lên kháng chiến. Hình tượng những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi là biểu tượng bất tử về một cuộc chiến tranh nhân dân mà mỗi người dân đều sẵn sàng hy sinh tất cả vì Tổ quốc. Tất cả đều có chung một niềm tin mãnh liệt “Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta !”.
“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” cũng là lời cảnh báo đối với các thế lực xâm lược rằng mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì cả dân tộc Việt Nam sẽ đoàn kết đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đến cùng.
Khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành lịch sử và thông điệp mang khát vọng hòa bình của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu nhân dân ta kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, đoàn kết, nhất trí xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kim Dung