Mỗi khi nói đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chúng ta thường hình dung nhà đầu tư từ một nước nào đó đem vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý vào nước ta để thành lập doanh nghiệp mới, có thể là 100% vốn của họ, cũng có thể liên doanh với một công ty trong nước.
Thế nhưng, mấy năm gần đây một tỷ lệ lớn dòng vốn FDI đi vào nước ta ở dạng mua cổ phần, cổ phiếu ở các doanh nghiệp trong nước đang hoạt động. Chẳng hạn tính cả năm 2019, số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tổng vốn FDI đạt 38 tỉ đô la Mỹ thì phần góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên đến 15,5 tỉ đô la, gần bằng lượng vốn đăng ký cho các dự án mới là 16,7 tỉ đô la.
Đáng chú ý, trong khi vốn đăng ký cho các dự án mới được cấp phép giảm 6,8% so với năm trước thì tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần lại tăng đến 56,4%. Điều đó có nghĩa ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn con đường góp vốn hay mua cổ phần tại các doanh nghiệp trong nước hơn là bắt tay xây dựng một dự án hoàn toàn mới.
Đây cũng là xu thế chung của cả thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã định nghĩa dòng vốn đầu tư nước ngoài dùng để mua từ 10% cổ phần các doanh nghiệp nội địa trở lên thì được xem là FDI; mua ít hơn, mua trên thị trường chứng khoán mới là đầu tư gián tiếp. Chính vì thế nhiều người ngạc nhiên khi biết Mỹ đứng đầu thế giới trong thu hút FDI, hơn cả Trung Quốc - đó là bởi, lấy số liệu năm 2018, trong lượng vốn FDI chảy vào nước Mỹ, đến 287,3 tỉ đô la Mỹ là để mua cổ phần công ty Mỹ có sẵn, chỉ 5,3 tỉ đô la được đầu tư để lập doanh nghiệp mới.
Đầu tư nước ngoài có thể theo mô hình trong đó nhà đầu tư có sẵn thiết kế chi tiết cho một sản phẩm, một linh kiện, thậm chí một bộ phận rất nhỏ, họ chỉ việc đi mua cổ phần một công ty có thể sản xuất sản phẩm đó cho họ, tham gia quản lý để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Đây là xu thế không tránh được, nhất là sau khi toàn cầu hóa kiểu cũ chững lại, dịch bệnh lại làm ngưng trệ các chuỗi cung ứng.
Như vậy khi nói thu hút đầu tư nước ngoài, khi nói vạch chính sách hấp dẫn nhà đầu tư, chúng ta cũng nên chú ý đến đặc điểm này của dòng vốn FDI bởi nỗ lực thu hút FDI hiểu theo nghĩa cũ là chưa đủ, vẫn còn để trống gần một nửa dòng vốn tiềm năng. Nói cách khác, ví von “dọn tổ cho đại bàng cũng phải rắc thóc cho chim sẻ” là suy nghĩ đúng nhưng cũ rồi, bởi hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, giúp doanh nghiệp trong nước lớn mạnh cũng chính là cách thu hút FDI, không còn phân biệt “chim sẻ” và “đại bàng” nữa.
Hiện nay dòng vốn FDI dưới các cam kết quốc tế đang hưởng những lợi thế doanh nghiệp trong nước không có được; quan trọng nhất là thái độ ứng xử với doanh nghiệp FDI dù sao cũng đã vào khuôn khổ luật pháp chặt chẽ hơn so với doanh nghiệp trong nước. Cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước hoạt động chính là góp phần thu hút dòng vốn FDI một cách trực tiếp chứ không nói đâu xa.
Ưu điểm của mô hình này là dần dần doanh nghiệp trong nước sẽ lớn mạnh, sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng lớn của các đối tác bên ngoài, chủ động tham gia các chuỗi cung ứng và sau này dù nhà đầu tư nước ngoài có thoái vốn, doanh nghiệp vẫn sẽ tồn tại chứ không như doanh nghiệp FDI theo mô hình cũ, nước ngoài rút đi là doanh nghiệp trong nước cũng đóng cửa ngưng hoạt động. Mọi loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, dù sao cũng hoạt động dưới một khuôn khổ chung là Luật doanh nghiệp.
Theo TBKTSG