Chủ trương của Đảng về đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Theo quan niệm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) (2005): “Đổi mới sáng tạo là việc thực hiện một sản phẩm cải tiến hoặc quy trình, một phương pháp tiếp thị mới, một tổ chức mới phương pháp trong thực tiễn kinh doanh, tổ chức công việc, hoặc trong quan hệ với bên ngoài”.
Tại Việt Nam, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2018 định nghĩa: “Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa” .
Như vậy, có thể hiểu, đổi mới sáng tạo là việc/quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, dịch vụ, quy trình… mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế xã hội. Tuy nhiên, một ý tưởng hay tri thức, dù có hấp dẫn và tiềm năng đến đâu, nếu chưa được chuyển thành các kết quả cụ thể để mang lại giá trị thì chưa được coi là đổi mới sáng tạo.
Từ rất sớm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức về vai trò của đổi mới, sáng tạo và qua các kỳ Đại hội, nhận thức của Đảng về đổi mới sáng tạo ngày càng hoàn thiện. Từ năm 1986, nội hàm của Đổi mới sáng tạo đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam: “đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nhằm tạo ra động lực thúc đẩy các đơn vị kinh tế và quần chúng lao động hăng hái phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.” “đổi mới tư duy trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước, trước hết là tư duy kinh tế….đổi mới phong cách làm việc”.
Tại Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (ngày 01/11/2016), khi đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Đảng ta cũng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đó là: nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ; thực hiện cơ chế đối ứng hợp tác công - tư để doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các dự án đổi mới công nghệ, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, lần đầu tiên thuật ngữ “đổi mới sáng tạo” đã được chính thức đưa vào Văn kiện. Đổi mới sáng tạo được nhấn mạnh nhiều lần và được xác định là nội dung quan trọng trong ba đột phá phát triển trong giai đoạn 2021-2025: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển…thúc đẩy đổi mới sáng tạo.”, “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao…phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đồng thời nội hàm của đổi mới sáng tạo cũng thể hiện trong các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước trên các lĩnh vực như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Chiến lược phát triển Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030... Đảng ta xác định rõ, cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo hướng “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Gần đây nhất, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là căn cứ quan trọng để cụ thể hóa cơ chế khuyến khích, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên.
Từ chủ trương đó, khung luật pháp, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công được xây dựng và ngày càng hoàn thiện điển hình như Luật Đầu tư năm 2020; Luật Khoa học và Công nghệ; Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025… Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/01/2022, giao xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương…
Có thể thấy rõ, chủ trương của Đảng về đổi mới sáng tạo là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố hàng năm, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII ) của Việt Nam thời gian qua luôn có sự cải thiện tích cực. Việt Nam liên tục được tổ chức WIPO ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập. Trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi về mặt chủ trương, đường lối, hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại Việt Nam thời gian qua đối mặt với nhiều thách thức, rào cản xuất phát từ khung luật pháp, chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo chưa hoàn thiện, nhận thức của cán bộ công chức về đổi mới sáng tạo (tâm lý ngại thay đổi, sợ sai), sự hạn chế về nguồn lực (thiếu nguồn lực tài chính, công nghệ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng)…
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại khu vưc công ở Việt Nam thời gian tới, cần chú trọng đến những giải pháp cơ bản sau:
Một là, hoàn thiện chính sách, luật pháp thúc đẩy, khuyến khích, tạo động lực đổi mới sáng tạo từ cấp độ cá nhân đến tổ chức cụ thể như luật pháp, chính sách về lương, thưởng, điều kiện làm việc, trọng dụng... nhằm thu hút, giữ chân người tài và để công chức phát huy tính sáng tạo. Ngoài ra, cần thường xuyên rà soát, chỉnh sửa, cập nhật luật pháp, chính sách về đầu tư công, huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động đổi mới sáng tạo khu vực công…
Hai là, xây dựng cơ chế chia sẻ, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước trong việc chia sẻ dữ liệu, thông tin, cơ sở hạ tầng hỗ trợ đổi mới sáng tạo... Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để giải quyết các thách thức của xã hội do đó, cần có sự chia sẻ, hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức công, tạo điều kiện để cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong khu vực công…
Ba là, chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và trình độ, năng lực của công chức liên quan đến đổi mới sáng tạo. Hiện nay, kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng số của công chức hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, còn ở vị trí thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực cả về điểm số và thứ hạng. Hơn thế nữa, nhiều cơ quan, nhiều địa phương, cán bộ còn có tâm lý e ngại đổi mới, sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, cản trở việc triển khai các chủ trương của cấp trên.
Bốn là, thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo trong khu vực công, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với đối tác quốc tế về các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo phục hoạt động quản lý nhà nước.
Có thể khẳng định, thúc đẩy đổi mới sáng tạo là giải pháp cần thiết, quan trọng để giúp cho Việt Nam có thể nhanh chóng hội nhập toàn diện với xu thế phát triển của các nước trên thế giới, đồng thời tạo động lực để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong thời gian tới.
Sông Hồng