Tiêu chuẩn tín chỉ carbon hiện đang được coi là giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Hướng đến mục tiêu trung hòa carbon trên toàn cầu, thị trường carbon được xem như là công cụ chính trong việc giảm phát thải của các quốc gia.
Vậy tín chỉ carbon là gì? Thị trường tín chỉ carbon là gì? Xem thêm trong bài viết “Tín chỉ carbon và thị trường tín chỉ carbon - giải pháp quan trọng trong việc giảm phát thải, hướng tới thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 tại COP26” tại:
Vai trò của tín chỉ carbon và thị trường tín chỉ carbon
Tín chỉ carbon và thị trường carbon tạo động lực kinh tế cho các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính. Nếu doanh nghiệp vượt quá hạn ngạch phát thải được cấp, họ buộc phải mua tín chỉ carbon từ các nguồn khác. Điều đó khuyến khích họ đầu tư vào các công nghệ sạch và hiệu quả hơn, ít phát thải carbon hơn để giảm lượng khí thải, hạn chế việc phải mua thêm tín chỉ carbon.
Mặt khác, khi giá tín chỉ carbon tăng, thị trường tín chỉ carbon là cơ chế tạo nguồn lực thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon.
Thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi tối đa từ thương mại quốc tế, ví dụ như Hiệp định tự do thương mại EU - Việt Nam.
Thị trường tín chỉ carbon cũng sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cũng như tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính có sự quan tâm cao tới bảo vệ môi trường như Liên minh Châu Âu.
Theo chuyên gia Sato của Viện Nomura, châu Á đang phải đối mặt với áp lực gấp rút thực hiện các sàn giao dịch tín chỉ carbon nhằm ứng phó với hàng rào thuế carbon do Liên minh châu Âu sẽ chính thức áp dụng từ năm 2026. Chính phủ Việt Nam đã xây dựng lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon của Chính phủ, năm 2028, Việt Nam chính thức vận hành sản giao dịch tín chỉ carbon.
Ngày 18/1/2022, Chính phủ ban hành Quyết định 01/2022/QĐ-TTg quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, theo đó có 1.912 cơ sở sẽ phải kiểm kê khí nhà kính, đồng nghĩa với việc sẽ tham gia thị trường tín chỉ carbon. Năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm thị trường tín chỉ carbon. Theo đó, 1.912 doanh nghiệp lớn, phát thải 3.000 tấn carbon mỗi năm tại Việt Nam có thể bù tín chỉ carbon trong nước nếu các giải pháp khác chưa đủ để đạt các tiêu chuẩn giảm phát thải. Như vậy, người bán sẽ có giá tốt hơn và người mua sẽ tiếp cận được tín chỉ carbon rẻ hơn
Cơ hội phát triển thị trường carbon ở Việt Nam
Với sự bùng nổ về nhu cầu tín chỉ carbon sau COP26, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thị trường carbon. Việt Nam có thể tạo ra các khoản tín dụng carbon chất lượng cao và bán chúng trong khu vực và toàn cầu.
Việt Nam có lợi thế trong phát triển thị trường carbon rừng. Nhờ đặc thù tự nhiên, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về carbon rừng, với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu ha; độ che phủ rừng là 42%; ước tính con số hấp thụ carbon bình quân mỗi năm là khoảng 69,8 triệu tấn CO2.
Theo Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), được ký ngày 22 tháng 10 năm 2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế chuyển giao lại cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khoảng 95% lượng giảm phát thải ký kết và lượng bổ sung (nếu có) để sử dụng cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 25/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 và bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 (nếu có) tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ cho Quỹ đối tác carbon lâm nghiệp FCDF với tổng số tiền là 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng. Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế IBRD thuộc WB sẽ chuyển cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khoảng 95% lượng giảm phát thải ký kết và lượng bổ sung (nếu có) để sử dụng cho đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC của Việt Nam, tức cam kết giảm phát thải khí nhà kính quốc gia. Đây được đánh giá là chính sách quan trọng giúp cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng được hưởng lợi từ dịch vụ giảm phát thải khí nhà kính từ rừng. Nhóm cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân được chi trả 35,22 triệu USD (68,4%). Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán 51,5 triệu USD, tương đương 1,2 tỷ đồng dựa trên kết quả giảm phát thải tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ từ Quỹ đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới.
Quảng Bình là một trong 6 tỉnh được lựa chọn tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28-12-2022 của Chính phủ. Tỉnh Quảng Bình được phân bổ 80% kinh phí từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho đối tượng rừng tự nhiên với hơn 235 tỷ đồng. Trong năm 2023, Quảng Bình được phân bổ 82,476 tỷ đồng, đối tượng thụ hưởng gồm 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 Ủy ban Nhân dân cấp xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 9 chủ rừng là tổ chức khác được giao quản lý rừng.
Hiện tại, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã chi trả cho các đối tượng hưởng lợi số tiền trên 72 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch. Kinh phí còn lại sẽ được đưa vào kế hoạch tài chính năm 2024. Nguồn thu này đã góp phần tăng kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cũng đã phân bổ kinh phí từ việc bán tín chỉ carbon của Ngân hàng Thế giới cho các tỉnh Thanh Hóa (hơn 162,5 tỷ đồng), Nghệ An (hơn 285,5 tỷ đồng), Hà Tĩnh (123 tỷ đồng), Quảng Trị (51 tỷ đồng) và Thừa Thiên Huế (hơn 107 tỷ đồng).
Sắp tới, Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển nhượng cho tổ chức LEAF/Emergent 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng (tương ứng 5,15 triệu tấn CO₂) tại 11 tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026, với giá tối thiểu 10 USD/tấn.
Trong bối cảnh vận hành thị trường carbon dường như là tất yếu, việc cân nhắc đến tiềm năng phát triển thị trường carbon rừng của Việt Nam không chỉ là giải pháp đóng góp vào các mục tiêu giảm phát thải mà còn góp phần đem lại lợi ích kinh tế cho những người dân có sinh kế phụ thuộc vào rừng.
Có thể nói, tín chỉ carbon rừng thực sự là một giá trị của hệ sinh thái rừng, có thể xem như chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai xanh, thúc đẩy Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng, trong thời gian tới, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý cùng các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về loại dịch vụ mới này, xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá, đo đạc, kiểm định theo tiêu chuẩn, đào tạo, tăng cường năng lực cán bộ, kết nối và huy động sự đóng góp, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế .... Do đó, cần có sự đồng thuận và hợp tác giữa các bên liên quan, cũng như sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, để xây dựng và vận hành thị trường carbon hiệu quả, công bằng.
Trong tương lai, nếu Việt Nam mở rộng diện tích rừng tham gia vào thỏa thuận, trao đổi kết quả giảm phát thải của LEAF, Việt Nam sẽ có thêm kênh huy động tài chính hiệu quả, giảm gánh nặng cho nguồn lực ở trong nước đầu tư vào trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, chương trình này sẽ tạo ra động lực thu hút người dân chủ động, tích cực tham gia vào công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Tổng hợp theo
Chính phủ: Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Minh Hải: “Thị trường tín chỉ carbon - nguồn thu tài chính bền vững”, https://www.sggp.org.vn, ngày 29/04/2024.
Vũ Huy Hùng: “Thị trường tín chỉ carbon: Lý luận và giải pháp”, vioit.gov.vn, ngày 29/03/2024.
Thiên Hương