“Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”
C.Mác đã đưa ra luận điểm “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” trong Lời nói đầu của tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen”. Trước khi đưa ra luận điểm này, C.Mác đã nêu lên một loạt các định nghĩa về tôn giáo một cách đầy hình tượng: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim cũng giống như nó là tinh thần của những điều kiện xã hội không có tinh thần, là hạnh phúc hư ảo của nhân dân, là bông hoa giả... Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”[1]. Trước đó, trên một số diễn đàn khoa học ở Đức, cũng có một số người thường ví tôn giáo với thuốc phiện bởi thời bấy giờ, thuốc phiện được coi là thứ thuốc giảm đau mà các bác sĩ thường sử dụng để trị bệnh. Song, ở Đức khi đó, nhà nước đã lợi dụng tôn giáo để đàn áp nhân dân và chống lại những xu hướng tiến bộ. Vì vậy, C.Mác mong muốn: “nhất thiết không để cho người Đức có một phút nào ảo tưởng và nhẫn nhục, cần phải làm cho ách áp bức nặng nề hơn nữa bằng cách gắn vào nó cái ý thức về ách áp bức, cần phải làm cho sự ô nhục ngày càng ô nhục hơn bằng cách công bố nó lên… cần phải dạy cho dân khiếp sợ để tiêm vào họ dũng khí đấu tranh”[2].
Khi nêu lên luận điểm “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, C.Mác đã coi tôn giáo như một liều thuốc xoa dịu những nỗi đau thực tại. Thực tế là, đến tận bây giờ đối với các bệnh nhân, các bác sĩ vẫn sử dụng một liều lượng thuốc phiện nhất định để giúp họ vượt qua những cơn đau thể xác. Theo nghĩa khác, tôn giáo cũng là sự “ru ngủ” bằng những hạnh phúc ảo tưởng, làm tê liệt ý chí đấu tranh của nhân dân, và vì vậy, tôn giáo hay thuốc phiện cũng đều không thể nào xoá bỏ đi những nỗi đau thực tế.
Các Mác (1818-1883)
Tuy nhiên, theo C. Mác, tôn giáo không chỉ là thuốc phiện ru ngủ và xoa dịu nỗi đau con người mà còn là sự thức tỉnh trái tim con người: “thật nghịch lý là, thay vì tác động ru ngủ, thuốc phiện lại gây tác động thức tỉnh”[3]. Ở góc độ này, C.Mác đã nhận ra tính tích cực của tôn giáo trong cuộc đấu tranh giải phóng con người, là vũ khí đấu tranh của con người khi gắn liền với các cuộc đấu tranh, các cuộc cách mạng xã hội.
Những mặt tích cực không thể phủ nhận của tôn giáo
Thời gian qua, khi nói quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo, nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ hay chống C.Mác, thường trích dẫn luận điểm này nhưng đôi khi lại trích không đầy đủ và không đặt nó trong một hoàn cảnh lịch sử - cụ thể. Ngay cả một số người người mácxít cũng hiểu chưa đúng về luận điểm này khi cho rằng C.Mác khi đưa ra luận điểm đó là nhằm đấu tranh xoá bỏ tôn giáo, phủ định tôn giáo.
Thực tiễn cho thấy, tôn giáo không chỉ có những mặt tiêu cực mà còn có những yếu tố tích cực, vì tôn giáo không chỉ phản ánh sự nghèo nàn hiện thực mà còn chống lại chính hiện thực nghèo nàn đó. Dù tôn giáo được ví như là bông hoa giả điểm trang cho những xiềng xích nô lệ, nhưng có bông hoa đó vẫn còn hơn là một xã hội chỉ có gông cùm và ngục tối giống như thân phận của người nô lệ trong xã hội chiếm hữu nô lệ. Vấn đề không phải là vứt bông hoa giả đó đi mà là vứt bỏ bản thân xiềng xích, để con người vơ tay hái bông hoa thực sự cho chính mình[4].
Tính hướng thiện của các tôn giáo đã được C.Mác nhấn mạnh cho thấy vai trò giáo dục đạo đức, nhân cách của tôn giáo. Cùng với đó, tôn giáo còn là nhu cầu tình cảm của con người, là một mặt trong đời sống tinh thần của con người; do đó, nếu chỉ nhấn mạnh đến mặt tiêu cực thì sẽ không thấy được những tác dụng xã hội của tôn giáo đối với sự phát triển của xã hội con người.
Hiện nay, cần có những nghiên cứu đầy đủ để từ đó hiểu một cách đúng đắn, chính xác luận điểm của C.Mác, góp phần vào cuộc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch khi sử dụng tôn giáo làm vũ khí, phương tiện chống lại chế độ và nhân dân.
Song Hà