Chạy chức, chạy quyền là việc dùng quyền lực, lợi ích vật chất, phi vật chất, các thủ đoạn tinh vi, phức tạp tác động vào các khâu của công tác cán bộ hoặc người có thẩm quyền nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi cho mình hoặc cho người khác. Đây là hành vi tham nhũng quyền lực, xét về bản chất cũng là một loại tham nhũng, gây ra tác hại như tham nhũng và được biểu hiện dưới hai hình thức là đưa và nhận hối lộ. Vì vậy, cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ hiện nay, đặc biệt là phòng, chống chạy chức, chạy quyền thông qua việc xác định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của ủy ban kiểm tra các cấp.
Thứ nhất, trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong phát hiện và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về chạy chức, chạy quyền
Một là, trách nhiệm trong phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền.
Ủy ban Kiểm tra, cán bộ kiểm tra các cấp phải thực hiện trách nhiệm chung được quy định tai Điều 12 Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền1.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc thực hiện 6 nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được quy định tại Điều 32 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam(2) và nhiệm vụ cấp ủy giao. Qua thực hiện các nhiệm vụ này để phát hiện, nhất là kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, đặc biệt là qua giải quyết tố cáo về công tác cán bộ, chú trọng vào các khâu tuyển dụng, quy hoạch, giới thiệu, luân chuyển, bổ nhiệm. Thực tế cho thấy, hầu hết các vi phạm về công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền đều do tố cáo, thậm chí là tố cáo giấu tên hoặc báo chí, truyền thông đưa tin, thậm chí là dư luận xã hội đã "bàn tán" xôn xao... nên khi nắm bắt được các thông tin này, Ủy ban Kiểm tra cần phải thận trọng xem xét kỹ lưỡng từng thông tin để tiến hành kiểm tra theo đúng nhiệm vụ của mình.
Hai là, thẩm quyền trong phát hiện.
Thông qua nắm tình hình, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra phát hiện, tiếp nhận thông tin liên quan đến hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền được chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên và giải quyết tố cáo về công tác cán bộ, cán bộ (theo phân cấp quản lý cán bộ), nếu kết luận có tập thể, cá nhân vi phạm thì xử lý kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra được Điều lệ Đảng quy định và cấp ủy cụ thể hóa ban hành trong quy chế làm việc.
Ba là, trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về chạy chức, chạy quyền. Điểm 3.1.3 Điều 8 Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng(3) đã quy định cụ thể thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong thực hiện nhiệm vụ giám sát trong phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền như sau:
- Ủy ban Kiểm tra phân công thành viên Ủy ban dự các cuộc họp của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp, cử cán bộ kiểm tra dự các hội nghị của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới.
- Thành viên Ủy ban Kiểm tra, đoàn giám sát và cán bộ kiểm tra được yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên giải trình, cung cấp tài liệu, báo cáo về các nội dung giám sát; có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài liệu và chịu trách nhiệm về việc giám sát trước ủy ban kiểm tra.
- Nếu phát hiện cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới ban hành các nghị quyết, quyết định, kết luận hoặc đảng viên ban hành các quyết định sai trái thì ủy ban kiểm tra yêu cầu xem xét lại, nếu không khắc phục, xử lý thì báo cáo cấp ủy cùng cấp xem xét trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên có liên quan.
- Qua giám sát nếu phát hiện tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Thẩm quyền này cho phép Ủy ban Kiểm tra trong quá trình kiểm tra, giám sát về chạy chức, chạy quyền thì có quyền yêu cầu đối với cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới sai trái trong ban hành các nghị quyết, quyết định, kết luận hoặc đảng viên ban hành các quyết định sai trái theo yêu cầu phải tự mình xem xét lại. Chế định đi kèm là nếu không khắc phục, xử lý thì Ủy ban Kiểm tra có quyền báo cáo cấp ủy cùng cấp xem xét trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên có liên quan. Đặc biệt là phát hiện có dấu hiệu vi phạm qua giám sát thì quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Thứ hai, trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong giải quyết tố cáo về chạy chức, chạy quyền
Một là, Ủy ban Kiểm tra có nhiệm vụ giải quyết tố cáo về chạy chức, chạy quyền đối với tổ chức đảng và đảng viên thuộc phạm vi quản lý của cấp ủy cùng cấp trong giải quyết tố cáo về chạy chức, chạy quyền. Trường hợp đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu bị tố cáo vi phạm về chạy chức, chạy quyền khi đang công tác thì thẩm quyền giải quyết tố cáo được thực hiện như đang đương chức.
Hai là, trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra trong trường hợp tố cáo về chạy chức, chạy quyền có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, Ủy ban Kiểm tra báo cáo cấp ủy cùng cấp chỉ đạo phối hợp giải quyết.
Ba là, Ủy ban Kiểm tra các cấp giải quyết tố cáo về chạy chức, chạy quyền phải xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp sau: truy tìm, trù dập, trả thù người tố cáo; cản trở, không xem xét, giải quyết tố cáo về chạy chức, chạy quyền; bao che những việc làm sai trái của đối tượng bị tố cáo về chạy chức, chạy quyền; để lộ tên người tố cáo về chạy chức, chạy quyền cho đối tượng bị tố cáo biết, để lộ tên người tố cáo, nội dung tố cáo về chạy chức, chạy quyền cho người không có trách nhiệm biết; lợi dụng tố cáo về chạy chức, chạy quyền để xuyên tạc sự thật, vu khống, tố cáo về chạy chức, chạy quyền mang tính bịa đặt, đả kích, gây dư luận xấu đối với người khác.
Thứ ba, trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong xem xét, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền
Một là, quán triệt rõ trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong xem xét, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền. Từ nhận thức đúng đi đến hành động đúng. Việc quán triệt rõ trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong xem xét, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền phải được triển khai đồng bộ, bài bản. Đây là tiền đề, cơ sở để thống nhất nhận thức và chỉ đạo hoạt động đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khoa học từ trên xuống, từ Trung ương cho đến địa phương, cơ sở.
Hai là, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về thực hiện các quy định trong phòng, chống chạy chức, chạy quyền. Điểm 3.2.2 Điều 8 Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021(4) của Ban Chấp hành Trung ương quy định về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng đã quy định về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát như sau:
a) Nội dung kiểm tra:
- Việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng cấp dưới theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn;
- Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hoạt động của Ủy ban Kiểm tra, xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ của cơ quan Ủy ban Kiểm tra cấp dưới.
b) Đối tượng kiểm tra: Các tổ chức đảng cấp dưới, trước hết là cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp dưới trực tiếp.
Các nội dung cụ thể là:
* Kiểm tra việc xem xét, xử lý khi tiến hành kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử các trường hợp đã được phát hiện và xử lý khi có dấu hiệu vi phạm chạy chức, chạy quyền. Trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra tập trung vào xem xét, xử lý các nội dung của việc phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm chạy chức, chạy quyền thông qua một số hoạt động cụ thể sau: (1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, phát hiện các vi phạm chạy chức, chạy quyền của các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế và giám sát của nhân dân; (2) Báo cáo, kiến nghị của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới trong phát hiện xem xét, xử lý các vi phạm chạy chức, chạy quyền; (3) Phát hiện vi phạm trong xem xét, xử lý các vi phạm chạy chức, chạy quyền qua tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng và đảng viên; việc bình xét, phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức đảng; (4) Phát hiện vi phạm trong xem xét, xử lý các tố cáo, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của đảng viên và nhân dân về các vi phạm chạy chức, chạy quyền; (5) Phát hiện vi phạm trong xem xét, xử lý các phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng đã được kiểm chứng về các vi phạm chạy chức, chạy quyền.
* Về nội dung kiểm tra vi phạm trong xem xét, xử lý chạy chức, chạy quyền đối với tổ chức đảng bao gồm: (1) Việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm chạy chức, chạy quyền; (2) Việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng để phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm về chạy chức, chạy quyền; (3) Việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; (4) Việc quản lý, giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên nhằm phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, không để xảy ra các vi phạm chạy chức, chạy quyền. Về phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, từ chức, miễn nhiệm, bố trí, sử dụng, giới thiệu ứng cử, bầu cử, nâng ngạch, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.
+ Về nội dung kiểm tra vi phạm trong xem xét, xử lý các trường hợp chạy chức, chạy quyền đối với đảng viên, bao gồm: tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
+ Về đối tượng kiểm tra vi phạm trong xem xét, xử lý các trường hợp chạy chức, chạy quyền đối với tổ chức đảng: Các tổ chức đảng cấp dưới, trước hết là cấp dưới trực tiếp; cấp ủy, tổ chức đảng thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của cấp ủy cùng cấp. Khi kiểm tra tổ chức đảng có thể kết hợp kiểm tra đảng viên.
+ Về đối tượng kiểm tra trong xem xét, xử lý vi phạm chạy chức, chạy quyền đối với đảng viên: Đảng viên, trước hết là cấp ủy viên cùng cấp, đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý khi có dấu hiệu vi phạm; khi cần thiết thì kiểm tra đảng viên do tổ chức đảng cấp dưới quản lý.
+ Về thẩm quyền quyết định kiểm tra trong xem xét, xử lý vi phạm chạy chức, chạy quyền: Ủy ban Kiểm tra (nơi không có thường trực Ủy ban Kiểm tra) hoặc thường trực Ủy ban Kiểm tra có thẩm quyền quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên.
* Kiểm tra việc xem xét, xử lý khi thi hành kỷ luật trong Đảng đối với các trường hợp vi phạm các quy định trong phòng, chống chạy chức, chạy quyền.
+ Nội dung kiểm tra: Việc thực hiện phương hướng, phương châm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên và việc giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với các trường hợp vi phạm các quy định trong phòng, chống chạy chức, chạy quyền. Xem xét các vụ vi phạm đến mức phải xử lý nhưng không xử lý hoặc xử lý không đúng mức đối với các trường hợp vi phạm các quy định trong phòng, chống chạy chức, chạy quyền. Việc chấp hành các quyết định, chỉ thị, kết luận, thông báo của tổ chức đảng cấp trên có liên quan đến việc thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với các trường hợp vi phạm các quy định trong phòng, chống chạy chức, chạy quyền.
+ Đối tượng kiểm tra: Các tổ chức đảng cấp dưới có thẩm quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng.
* Xem xét, xử lý theo thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra đối với các trường hợp vi phạm các quy định trong giải quyết tố cáo, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng về các trường hợp liên quan các quy định trong phòng, chống chạy chức, chạy quyền.
* Xem xét, kết luận những trường hợp vi phạm trong xem xét, xử lý kỷ luật, quyết định hoặc đề nghị cấp ủy thi hành kỷ luật đối với các trường hợp vi phạm các quy định trong phòng, chống chạy chức, chạy quyền.Việc xem xét, xử lý theo thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra đối với các trường hợp vi phạm các quy định trong phòng, chống chạy chức, chạy quyền cần căn cứ vào kết quả kiểm tra hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc đề nghị của tổ chức đảng hoặc cẳn cứ vào kết luận của cơ quan pháp luật về hành vi chạy chức, chạy quyền; nếu thấy đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì Ủy ban Kiểm tra phải chủ động, kịp thời xem xét, quyết định theo trách nhiệm và thẩm quyền hoặc tham mưu, đề nghị ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy xem xét, quyết định kỷ luật theo trách nhiệm và thẩm quyền./.
Tài liệu tham khảo và chú thích
1. Ban Chấp hành Trung ương: Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23 tháng 9 năm 2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
2. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., 3/2023.
3, 4. Ban Chấp hành Trung ương: Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28 tháng 7 năm 2021 về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Thu Chang