Khoan dung là vấn đề mang tầm thời đại và mang tính phổ quát của nhân loại, là truyền thống được đặc biệt đề cao, coi trọng và thực thi ở đất nước ta, biểu hiện rõ nét ngay từ thời Trần. Trong đó, Trần Nhân Tông (1258-1308) có thể coi là một biểu tượng sáng ngời của văn hoá chính trị khoan dung Đại Việt.
Bức họa nổi tiếng "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ" miêu tả cuộc xuất du của nhà vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông từ động Vũ Lâm. Ảnh: vovworld
“Khoan dung” (tolenrance, tolerant) vốn là khái niệm xuất hiện khá sớm trong văn hóa Á Đông (khởi nguồn từ Trung Hoa) với hàm nghĩa cơ bản là bao dung, độ lượng, rộng lòng tha thứ và chủ yếu được coi là một trong những đức tính riêng có của “người quân tử”, của kẻ mạnh (khoan, tín, mẫn, huệ), và vì vậy, nó có hàm nghĩa hẹp. Ngày nay, khái niệm khoan dung được hiểu theo nghĩa rộng hơn, trở thành một vấn đề mang tính thời sự toàn cầu: “tôn trọng, chấp nhận và cảm thông đối với tính đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới, các hình thức biểu hiện và các cách thức tồn tại của con người. Lòng khoan dung được nuôi dưỡng bởi kiến thức, sự cởi mở, sự giao tiếp, sự tự do tư tưởng, khả năng nhận thức và đức tin. Khoan dung là hài hòa trong khác biệt. Khoan dung vừa là một bổn phận đạo đức, vừa là một đòi hỏi pháp lý và chính trị”[1]. Theo đó, khoan dung không chỉ là một lối hành xử có văn hóa giữa các cá nhân trong một cộng đồng, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác mà quan trọng hơn, khoan dung còn là một nghĩa vụ chính trị mà tất cả các nhà nước đều phải có trách nhiệm thực hiện. Nó thuộc phạm trù văn hóa chính trị mà bất cứ chủ thể chính trị tiến bộ nào cũng phải thấm nhuần và hiện thực hóa.
Đường lối chính trị thân dân
Trần Nhân Tông có thể coi là nhà cầm quyền có tinh thần thân dân vào hàng bậc nhất trong lịch sử các triều đại quân chủ của dân tộc. Ở ông, sự gần dân, thương dân, trọng dân và vì dân được hiện thực hoá trong mọi chính sách, đường lối chính trị.
Trần Nhân Tông luôn có lối sống chan hòa, gần gũi và thương dân. Lúc chiến tranh khốc liệt, vua và dân chúng đã sát cánh kề vai, đã cùng chia sẻ “bát cơm gạo xấu” khi đói lòng[2]. Lúc thái bình, ngài lại rong ruổi khắp dân gian để giảng giải đạo Phật cho dân và giúp dân thực hành Thập thiện. Đặc biệt đáng nói hơn, tình cảm yêu thương của bậc thiên tử với trăm họ rộng lớn và phủ khắp, kể cả hạng nô tỳ, gia nô - tầng lớp dưới đáy của xã hội. Đại Việt sử ký toàn thư đã chép rằng những lúc vua ngự chơi bên ngoài “hễ gặp gia đồng của vương hầu thì tất gọi tên chúng mà hỏi: “Chủ mày ở đâu?”, rồi răn các thị vệ không được thét đuổi”[3]. Chỉ đến đời vua Trần Nhân Tông, lần đầu tiên, các chiếu chỉ của triều đình không những đọc bằng tiếng Hán, mà còn phải đọc bằng tiếng Nôm để mọi con dân đều hiểu và thừa hành. Ông cũng có biện pháp ngăn chặn tham nhũng, lạm quyền – nguồn gốc gây đau khổ, bất công cho dân. Vua rất quan tâm đến hình án xử oan sai, để tâm đến thân phận của người dân bình thường và giành cho họ sự bình đẳng trước pháp luật. Khi đã thành Thái thượng hoàng, ông vẫn luôn tìm cách để hạn chế, kiểm soát quyền lực. Nhìn thấy quyển sổ bổ quan phong tước cho quá nhiều người của vua Anh Tông, ông không đồng tình: “Sao lại có một nước bé như bàn tay, mà phong quan tước nhiều đến thế”[4]. Trần Nhân Tông đã đi khắp nơi trong nước để dẹp bỏ quan dâm, quan tham khiến dân lầm than cực khổ, gia đình và xã hội nhờ đó được thái bình.
Thương dân, vị vua anh minh đó cũng hết sức chăm lo đời sống cho dân, cả về vật chất lẫn tinh thần. Gặp năm đói kém, thiên tai mất mùa (1290), vua xuống chiếu phát thóc công, chẩn cấp cho dân nghèo, miễn thuế nhân đinh. Sau khi đã nhường ngôi, ông vẫn luôn quan tâm, lo lắng đến đời sống thường ngày của người dân; thường xuyên thị sát, đốc thúc các hoạt động để phát triển kinh tế, xã hội. Vấn đề xây dựng một đời sống tinh thần lành mạnh cho người dân cũng được vua Trần Nhân Tông quan tâm một cách sâu sắc. Điển hình là việc phong thần cho 27 anh hùng liệt nữ và những thần núi, thần sông, thần đất với chủ ý muốn tái hiện một quá khứ anh hùng thần thánh của dân tộc ta và bất tử nó trong lòng hậu thế, vừa thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của trăm họ vừa để giáo dục cho họ sống xứng đáng với tổ tiên, với lịch sử oai hùng của dân tộc.
Dưới triều Trần Nhân Tông, hội nghị lịch sử Diên Hồng đã diễn ra (tháng 12 năm 1284). Đây là cuộc hội nghị lớn đầu tiên có sự tham gia của đông đảo người dân trong cả nước để “trưng cầu dân ý”, trao cho dân quyền quyết định vận mệnh của dân tộc. Cũng chính nhà vua là người đã phát hiện và nhận thức sâu sắc vai trò của dân, đặc biệt vai trò của tầng lớp gia nô, đối với an nguy của thiên tử và với sự tồn vong của vương triều, xã tắc. Ông từng bảo với tả hữu: “Ngày thường thì có thị vệ tả hữu, khi quốc gia lắm hoạn nạn thì chỉ có bọn chúng có mặt”[5]. “Bọn chúng” đây là gia đồng của vương hầu, đã từng đi theo bảo vệ nhà vua khi chiến tranh nguy cấp phải chạy khỏi kinh thành. Có thể nói đó là một nhận thức hiếm có trong thời đại quân chủ.
Tinh thần bao dung, khai phóng
Không phải ngẫu nhiên mà Trần Nhân Tông đã được tôn là “Thiên tử của hòa giải”. Trần Nhân Tông luôn lấy lòng bao dung, độ lượng để hóa giải những mâu thuẫn, lỗi lầm của con người. Đối với nội bộ triều đình và thần dân, Trần Nhân Tông cũng luôn cố gắng giữ hòa khí. Điển hình nhất là câu chuyện vua đã cho đốt hết thư biểu hàng Nguyên của một số tướng lĩnh. Hành động đó đã làm yên lòng kẻ phản trắc, cảm hóa và động viên họ lập công chuộc tội. Trong quá trình tại vị, ông luôn chăm lo giáo dục các quan, tạo hòa khí cho triều đình và đất nước. Sử sách ghi lại nhiều câu chuyện, trong đó nổi bật nhất là chuyện hòa giải mâu thuẫn giữa hai đại thần: Lê Tòng Giáo (Hành khiển ty) và Đinh Củng Viên (Hàn lâm viện)[6]. Đó là những ứng xử thể hiện tầm vóc của một bậc minh quân, bởi mục đích và hiệu quả của nó lại liên quan đến đại sự quốc gia, một cơ sở quan trọng tạo nên nền chính trị ổn định.
Trong chế độ quân chủ, với nỗi ám ảnh thường trực sợ người tài vượt lên tiếm quyền, các vị hoàng đế thường nghi kỵ tài năng. Tài năng trở thành một sự khác biệt vượt lên trên người thường và khó được chấp nhận. Nhưng, Trần Nhân Tông lại là một mẫu mực về tinh thần tôn trọng tài năng. Dưới thời ông tại vị cũng như khi ông gián tiếp tham chính qua vai trò thượng hoàng, nhiều nhân tài nở rộ, bởi ông có nhiều chính sách trọng tài, tạo cho họ mọi cơ hội để đóng góp tài năng cho triều đình và đất nước. Một trong những trường hợp tiêu biểu phải kể đến là Trần Khánh Dư – một thân vương “lắm tài nhiều tật” đã luôn được khoan hồng vì “Nhân Tông chỉ tiếc ông có tài làm tướng nên không nỡ bỏ”[7].
Chính sách ngoại giao hoà bình, đối thoại
Công lao to lớn của Trần Nhân Tông phải kể đến sự nghiệp xây dựng hòa bình. Khát vọng hòa bình vốn thường trực trong các thế hệ người Việt, được phát triển cao độ ở thời đại nhà Trần và đặc biệt được thực thi hiệu quả ở Trần Nhân Tông thông qua những chính sách ngoại giao mềm dẻo hướng tới hoà bình, hợp tác vì phát triển.
Tháng 10 năm 1288, tức nửa năm sau khi đại thắng, vua đã gửi phái bộ Đỗ Thiên Hư đi sứ sang Nguyên để tái thiết quan hệ hòa bình. Phải nói đây là động thái ngoại giao khá kịp thời và khéo léo nhằm làm dịu bớt tình hình, nhất là sau khi ta đã đại thắng, tiêu diệt và bắt sống gần hết những tên tướng chỉ huy dày dạn kinh nghiệm của đối phương như Toa Đô, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Đường Ngột Đãi, A Bát Xích v.v... Gần một vạn tù binh của Nguyên Mông đã được cấp chiến thuyền, lương thảo để về nước an toàn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, một số lượng lớn quân thù có nợ máu với dân tộc đã được phóng thích. Năm 1285, sau khi đại bại, Toa Đô bị chém đầu ở trận Tây Kết. Vua trông thấy thủ cấp của tướng giặc, đã cởi áo ngự, sai quân đem liệm chôn[8].
Các triều đại trước đó, kể cả nhà Lý, chỉ có thể chinh phục Chiêm Thành bằng sức mạnh quân sự. Triều Trần không thể không bước tiếp con đường Nam tiến vốn đã được khai mở từ các triều đại ấy. Nhưng hơn ai hết, Trần Nhân Tông đã tìm ra một phương tiện hữu hiệu hơn đó là chiến lược hòa bình. Ngay cả sau này, vào năm Tân Sửu (1301), với tư cách là thái thượng hoàng và là người xuất gia, Trần Nhân Tông đã làm một cuộc vân du dài ngày đến Chiêm Thành và tiến hành cuộc giao hảo là hứa gả con gái mình (công chúa Huyền Trân) cho vua Chiêm (Chế Mân). Cuộc hôn nhân đó đã thắt chặt mối quan hệ Việt - Chiêm và đem về một món sính lễ không hề nhỏ cho Đại Việt là hai châu Ô, Lý.
Đường lối ngoại giao của Trần Nhân Tông đã góp phần giữ vững chủ quyền, độc lập quốc gia đồng thời góp phần nâng cao vị trí, vai trò của Đại Việt trong khu vực. Có thể nói, đến Trần Nhân Tông, hoạt động ngoại giao của Đại Việt mới được nâng lên tầm cao văn hóa.
Kết luận
Trong bối cảnh tính đa dạng ở từng quốc gia và trên toàn thế giới đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi các quan điểm chính trị, tôn giáo cực đoan, hẹp hòi kéo theo nguy cơ “xung đột văn hóa” và nhiều xung đột khác về kinh tế, chính trị, xã hội dẫn đến những tranh chấp, khủng bố, chiến tranh… đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp, thì yêu cầu về một sự chung sống hòa bình, thái độ khoan dung, đối thoại, tôn trọng sự khác biệt của các nền văn hóa trên thế giới đặt ra cấp thiết. Năm 2012, trường đại học Havard đã tổ chức một giải thưởng mang tên “Trần Nhân Tông – hoà giải, yêu thương”. Giá trị khoan dung trong văn hoá Trần Nhân Tông một lần nữa được nhân loại tiến bộ khẳng định, ngưỡng vọng và khao khát chia sẻ.
[1] Trong bản Tuyên bố về các nguyên tắc (nguyên lý) của khoan dung (Ngày 16-11-1995, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 28), Dẫn theo http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/195434/khoan-dung-dong-luc-de-chan-hung-dat-nuoc.html
[2,3,4,5,6,7,8] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, tái bản 2004.
Quang Hoa