Chế độ giam cầm đày ải khắc nghiệt của chính quyền thực dân, phong kiến không thể làm phai nhạt lý tưởng của những người chiến sĩ cộng sản nguyện hy sinh thân mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
Tinh thần gang thép trong lao tù đế quốc, giữ trọn niềm tin tất thắng dưới ngọn cờ Đảng
Đại tướng Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 tại làng Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là làng Phong Hảo, xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).
Chu Huy Mân sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo trên quê hương Nghệ An Xô-viết. Năm 1929, ở tuổi 16, Chu Huy Mân đã sớm giác ngộ, tham gia cách mạng, vào Tự vệ Ðỏ. Năm 1930, Chu Huy Mân vinh dự đứng trong đội ngũ Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Đầu năm 1931, ở Nghệ An, chính quyền thực dân tăng cường lực lượng, tiến hành cuộc “khủng bố trắng”. Đầu tháng 6/1931, Bang tá Võ Quý Công cùng một số tay chân đã vây bắt được 50 người, là cán bộ cốt cán và quần chúng nhiệt tình tham gia cách mạng. Sau hai ngày, hai đêm khủng bố đánh đập, hành hạ, đồng chí Chu Huy Mân vẫn cương quyết không khuất phục, không chịu “quy thuận”. Chúng đã thay nhau đánh đập, hành hạ Chu Huy Mân ngất đi tỉnh lại nhiều lần. Bất lực, chúng đành đành thả đồng chí. Trở về nhà với thân hình tiều tụy, thể xác đau đớn, nhưng Chu Huy Mân rất vui vì giữ trọn khí tiết của người cộng sản, giữ vững lời thề trước cờ Đảng, tiếp thêm nguồn sống và nghị lực tiếp tục dấn thân theo con đường cách mạng.
Cuối tháng 4/1935, khi đang gấp rút chuẩn bị kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, đồng chí Chu Huy Mân và một số cán bộ khác lại bị chính quyền thực dân bắt giam, nhằm ngăn chặn cộng sản tổ chức các cuộc đấu tranh nhân ngày Quốc tế Lao động. Sau ngày lễ, thấy tình hình yên ổn, chúng trả tự do cho Chu Huy Mân và những người bị bắt.
Năm 1936, để tránh địch theo dõi, đồng chí Chu Huy Mân tạm lánh sang Cẩm Mỹ, với danh nghĩa đi dạy chữ quốc ngữ cho con, cháu, nhưng nhiệm vụ chính là giúp Cẩm Mỹ đào tạo cán bộ cốt cán cho cách mạng. Mặc dù vậy, chính quyền thực dân vẫn theo sát và tháng 7/1937, mật thám tới Cẩm Mỹ bắt đồng chí Chu Huy Mân. Sau nhiều lần tra tấn, ép cung, địch vẫn không khai thác được gì, do đó chúng buộc phải thả Chu Huy Mân, nhưng yêu cầu phải trở về Yên Lưu.
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, chính quyền phản động ở Đông Dương chủ trương thẳng tay khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng. Nhiều cán bộ, đảng viên phải tạm lánh hoặc “nằm im” để che mắt địch, nhưng đồng chí Chu Huy Mân vẫn không ngừng nghỉ hoạt động để duy trì phong trào cách mạng. Do hoạt động sôi nổi, trong năm 1939, đồng chí đã ba lần bị địch bắt: lần thứ nhất ngày 28/4; lần thứ hai ngày 13/7; lần thứ ba ngày 10/9[1].
Tháng 3/1940, đồng chí Chu Huy Mân được trả tự do. Vừa được trả tự do, đồng chí lao ngay vào hoạt động củng cố Chi bộ Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán, tập hợp quần chúng.
Nhà lao Vinh, nơi đồng chí Chu Huy Mân bị bắt giam nhiều lần (Ảnh mô phỏng, Bảo tàng Xô viết Nghệ-Tĩnh)
Tháng 6/1940, Chu Huy Mân và một số đảng viên ở Nghệ An bị bắt đưa về giam tại Nhà lao Vinh. Một tuần bị giam tại Nhà lao Vinh, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng các anh em “tổng kết” lại phong trào cách mạng trong 10 năm, kể từ khi Đảng ra đời; về phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh, đánh giá tình hình địch, ta. Bài học các đồng chí rút ra là “cách xem xét đánh giá con người trong lúc khó khăn nguy hiểm: ai trung thành, ai cơ hội...”[2].
Nhằm cách ly, muốn thủ tiêu, giết dần, giết mòn các chiến sĩ cộng sản, thực dân Pháp đã đưa họ đi đày tại các vùng núi non hẻo lánh, nơi rừng thiêng nước độc. Sau một tuần ở Nhà lao Vinh, Chu Huy Mân và một số chiến sĩ cộng sản bị đưa đi đày tại trại giam Đắk Glei, Kon Tum.
Với âm mưu, thủ đoạn thâm độc để uy hiếp răn đe người tù, các tù nhân trước khi đưa đến nhà đày, bị đánh một trận đòn phủ đầu vô cớ, sau đó bị áp giải lên công trường làm đường 14 ở Đắc Glei.
Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tìm kiếm cơ hội vượt ngục trở về hoạt động cách mạng
Năm 1941, thực dân Pháp đưa nhiều đoàn tù chính trị lên đây, tù nhân đến Đắk Glei đến thời điểm này đã khá đông, con số đã lên tới hơn 100 người, hầu hết là tù cộng sản, trong đó có đồng chí Chu Huy Mân, Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ[3]…
Thời gian đầu trong trại chưa có tổ chức Đảng, đồng chí Chu Huy Mân đã bàn với những một số đồng chí thành lập Ban tự quản trại của tù nhân để chăm lo công việc sinh hoạt và chăm sóc tù nhân đau ốm. Đồng chí Lê Văn Hiến, người mang số tù 13, có “thâm niên” ở tù Kon Tum lâu nhất, được anh em tín nhiệm cử làm Trưởng trại, có nhiệm vụ quan hệ với chủ ngục, thu xếp mọi việc chung. Đồng chí Chu Huy Mân, mang số tù 19, được phân công phụ trách “tài chính”, kiêm chủ bếp, có nhiệm vụ tổ chức cho anh em tù tăng gia rau màu, cải thiện đời sống, chăm lo sức khỏe tù nhân.
Chỉ sau thời gian ngắn, đồng chí Chu Huy Mân đã tìm hiểu và nắm rõ đặc điểm tình hình của trại giam, đồng chí bàn với các đồng chí trong Ban Quản lý trại thống nhất triển khai một số công việc trong đó công việc quan trọng là tuyên truyền, cảm hóa số binh lính người Thượng và cô Tư (vợ của chúa ngục Bliô); y tá Trường, chuyên lo sức khỏe của tù nhân trong trại. Biện pháp Ban Quản lý trại đặt ra là đi đôi với việc tìm cách gần gũi, tuyên truyền, giác ngộ, anh em tù thực hiện chịu thiếu thốn về vật chất, cắt giảm dành ít gạo, muối, thịt, cá, mắm để giúp họ, vì họ mang theo vợ con, đời sống cũng rất cực khổ. Kết quả, sau một thời gian, vợ chúa ngục Bliô, y tá Trường và cả Đội trưởng cùng những người lính Thượng đều có cảm tình với những người tù cộng sản trong trại. Vợ chúa ngục còn chuyển cho tù nhân cả bút, giấy để viết thư về nhà, nhưng anh em tù nhất là tù chính trị đã dùng giấy này để tuyên truyền cách mạng và để học tập[4].
Tái hiện cảnh tù nhân bị bắt lao động khổ sai tại ngục Đăk Glei
Đi đôi với việc tuyên truyền, vận động binh lính người Thượng, Chu Huy Mân cùng các đồng chí trong Ban Quản lý trại còn chủ trương biến trại giam thành trường học. Nội dung học là học lý luận và học văn hóa; học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin: duy vật lịch sử, duy vật biện chứng; kinh tế chính trị học, đường lối và chủ trương của Đảng. Người dạy là những tù chính trị vốn đã từng bị tù ở Côn Đảo, Khám Lớn Sài Gòn và các nơi khác đến Đắk Glei. Nội dung học gồm học toán, lý, hóa, văn, sử, địa; được nghe giảng lý luận, đường lối, chủ trương của Đảng một cách cặn kẽ, đồng chí Chu Huy Mân đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để vận dụng vào quá trình hoạt động cách mạng sau này.
Tình hình cách mạng sau Hội nghị Trung ương tháng 5/1941 phát triển nhanh chóng. Mặt trận Việt Minh phát triển nhanh chóng. Nhiệm vụ và thời cơ cách mạng đã thôi thúc những người cộng sản ở trại Đắk Glei tìm cách trốn trại trở về với cách mạng. Đồng chí Tố Hữu lúc này cũng đang bị giam tại Đắk Glei, bàn với đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, thăm dò ý kiến của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân và một số anh em khác, bàn nhau vượt ngục.
Ban Quản lý trại đã lên kế hoạch cho đồng chí Tố Hữu và đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vượt ngục trước về Đà Nẵng[5].
Giữa năm 1942, địch chuyển các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Hà Thế Hạnh từ Đắk Glei về Đắk Tô.
Cuối năm 1942, Chu Huy Mân, Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ, Hà Thế Hạnh đã bí mật tổ chức vượt ngục thành công, theo đường 19 tìm về Nghệ An. Hai đồng chí Nguyễn Duy Trinh và Huỳnh Ngọc Huệ ra Bắc; đồng chí Chu Huy Mân vào Nha Trang, còn Hà Thế Hạnh lên Đà Lạt.
Lúc đó, Quảng Nam là nơi phong trào khá mạnh, đồng chí Chu Huy Mân quyết định vào Quảng Nam. Khi đến tỉnh Quảng Nam, đúng lúc Mặt trận Việt Minh tỉnh đang chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. Đồng chí chu Huy Mân tham gia Ban Việt Minh của tỉnh Quảng Nam, góp phần vào việc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Quảng Nam. Chu Huy Mân được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chủ tịch Ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung Kỳ, Xứ ủy viên Trung Kỳ.
Trong lao tù đế quốc, kẻ thù dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn, người cộng sản Chu Huy Mân vẫn kiên trung, mẫu mực bất khuất không nao núng chùn bước trước kẻ thù, trung thành tuyệt đối với Đảng. Đồng chí luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng lên trên lợi ích cá nhân; nguyện suốt đời cống hiến vì sự nghiệp cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đặng Oanh
[1] Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động (Hồi ký), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.38
[2] Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động (Hồi ký), Sđd, tr.41
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum: Lịch sử Đảng bộ Kon Tum, tập 1 ( 1930-1975), Nxb Đà Nẵng, 2006, tr. 114
[4] Sau Cách mạng Tháng Tám, cô Tư về Huế, trở thành cán bộ phụ nữ cơ sở và hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
[5] Đồng chí Tố Hữu và đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ thoát về Đà Nẵng, nhưng đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ bị ốm nặng phải vào nhà thương, bị địch phát hiện bắt lại, sau đó đưa trở lại Đắk Glei.