Đã 35 năm kể từ ngày Trung Quốc chiếm một số đảo và bãi cạn của Việt Nam tại Quần đảo Trường Sa. Nhân dịp này chúng tôi giới thiệu bức tâm thư của cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa cũng như một tấm gương hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Bức tâm thư của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa gửi hậu phương
Đầu tháng 3/1988, cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa đã gửi một bức tâm thư về hậu phương.
Nội dung của bức tâm thư nêu rõ tinh thần và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ là bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển và quần đảo mà Tổ quốc giao phó.
Mở đầu bức tâm thư viết: “Từ quần đảo xa xôi, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, trong những ngày thử thách mới này, cán bộ, chiến sĩ đoàn Trường Sa chúng tôi đang từng giờ từng phút hướng về đất mẹ với tất cả niềm tin và tình cảm kính yêu”.
Tiếp đó, bức tâm thư gửi lời cảm ơn của cán bộ, chiến sĩ đang bảo vệ quần đảo Trường Sa với tình cảm của hậu phương. Đó là tình cảm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Trường Sa; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tuyên dương thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa; nhiều địa phương, cơ quan, đoàn thể, các ngành, các cấp ở Trung ương và địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Khánh (nay là Phú Yên và Khánh Hòa), Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng), Bộ Thông tin, các đơn vị cơ quan báo chí, các đơn vị quân đội.. đã gửi thư và tặng quà cho bộ đội Trường Sa.
Cán bộ chiến sĩ Trường Sa trân trọng cảm ơn tấm lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân của Tổ quốc đã ưu ái giành cho những người con tuyến đầu biển đảo của Tổ quốc.
Trước tình cảm to lớn của hậu phương, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển và quần đảo mà Tổ quốc đã và đang giao phó.
Bức tâm thư viết: “Hiện nay, tình hình trên vùng quần đảo mà chúng tôi đang bảo vệ ngày càng trở nên căng thẳng, nguy hiểm, do những hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước ta. Điều đặc biệt nghiêm trọng là họ đã cho lực lượng quân sự tiến hành những hoạt động trái phép ở các bãi đá Chữ Thập và Châu Viên.
Là những cán bộ chiến sĩ trực tiếp chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông, chúng tôi hiểu mỗi mét đảo, mỗi sải biển của Trường Sa đều là một phần máu thịt của Tổ quốc ta, là di sản quý báu mà tổ tiên đã gìn giữ từ bao đời nay. Chúng tôi không xâm phạm dù là một tấc đất của ai. Nhưng chúng tôi quyết cũng không để ai xâm phạm một tấc đảo, sải biển của mình.
Cuộc sống của chúng tôi trên đảo còn vô vàn gian khổ khó khăn và thiếu thốn. Nhưng trong những ngày thử thách căng thẳng này, mỗi cán bộ, chiến sĩ Trường Sa chúng tôi dặn lòng dù khó khăn gian khổ đến mấy, dù phải hi sinh, chúng tôi cũng “Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh”. Chúng tôi chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu cao để cho lá cờ đỏ sao vàng thắm đỏ mãi mãi tung bay trên quần đảo của Tổ quốc ta.
Trong những ngày này, chúng tôi luôn luôn tranh thủ mọi thời gian để tập luyện các phương án chiến đấu, củng cố công sự, trận địa để quần đảo của chúng tôi thực sự trở thành quần đảo thép với những con người thép.
Chúng tôi xin gửi tới quân và dân cả nước, gửi tới các địa phương, các cơ quan, đoàn thể, các ngành, các cấp, lòng biết ơn sâu sắc, niềm tự hào và trách nhiệm của những người chiến sĩ giữ đảo Trường Sa”.
Tàu vận tải HQ 604 trong chuyến đi cuối cùng trước khi bị bắn cháy ngày 14/3/1988 (Ảnh tư liệu)
Tuổi trẻ và tấm gương hy sinh anh dũng của Thiếu úy Trần Văn Phương
64 cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống trong ngày 14/3/1988 để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó tiêu biểu là chiến sĩ Trần Văn Phương.
Trần Văn Phương sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Bình Trị Thiên, nay là tỉnh Quảng Bình.
Anh nhập ngũ tháng 3/1983, vào những năm đầu thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự. Sau 3 tháng huấn luyện, Trần Văn Phương được đơn vị cử đi học lớp hạ sĩ quan. Phương học lớp Khẩu đội trưởng pháo cao xạ. Sau khi tốt nghiệp, anh nhận nhiệm vụ ra bảo vệ vùng đảo Trường Sa, đó là những ngày cuối tháng Giêng năm 1984.
Trong năm đầu tiên tại đảo Sinh Tồn, Trần Văn Phương đã cùng đồng đội vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để xây dựng công sự, huấn luyện, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Đầu năm 1985, Trần Văn Phương được cử đi học lớp sĩ quan ở Trường Quân chính Quân khu 7. Cuối năm đó, anh tốt nghiệp, được phong quân hàm Thiếu úy.
Trở về đơn vị, Thiếu úy Trần Văn Phương vẫn giữ được ngọn lửa nhiệt tình của tuổi thanh xuân, Chỉ huy một trung đội pháo cao xạ, Phương gắn bó thương yêu chiến sĩ, đặt mình như chiến sĩ để hiểu tâm tư nguyện vọng của anh em. Anh chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh của chỉ huy và mạnh dạn trình bày ý kiến của mình trong hoạt động huấn luyện cũng như trong sinh hoạt hằng ngày.
Tháng 6/1987, Trần Văn Phương báo cáo đơn vị xin về tổ chức lễ cưới với cô giáo Hoa, người đã vượt qua những khó khăn, thử thách để yêu người lính đảo.
Một tháng sau khi cưới, anh trở về đơn vị, để lại người vợ trẻ nơi quê hương.
Tháng 11/1987, Phương được kết nạp Đảng.
Sau nhiều lần đón Tết xa nhà, Tết Mậu Thìn năm 1988, đơn vị cho Trần Văn Phương về thăm nhà, đón Tết cùng gia đình.
Đó cũng là những ngày quân Trung Quốc tiến hành các hoạt động khiêu khích lấn chiếm vùng quần đảo Trường Sa.
Nhận được điện của cấp trên, Trần Văn Phương khẩn trương chia tay gia đình, lên tàu trở lại đảo.
Ra đảo, Trần Văn Phương được giao nhiệm vụ là người chỉ huy trên bãi cạn Gạc Ma, thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo trường Sa.
Tại đây, Trần Văn Phương và nhiều đồng đội của anh đã anh dũng ngã xuống trên bãi cạn Gạc Ma vào buổi sáng ngày 14 /3/1988.
Thiếu úy Trần Văn Phương
Chiều ngày 13/3/1988, các tàu vận tải của ta neo đậu trước thềm các đảo và bãi cạn Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc vùng đảo Sinh Tồn. Lúc này, lực lượng Hải quân Trung Quốc đã xâm phạm trái phép và đưa lực lượng quân sự lên hai bãi đá ngầm Chữ Thập và Châu Viên, tiếp tục khiêu khích ngăn cản các tàu vận tải của ta. Chúng thường xuyên áp sát và hăm dọa cũng như ngăn cản các tàu vận tải của Hải quân nhân dân Việt Nam thực thi nhiệm vụ.
Sáng 14/3/1988, các tàu chiến Trung Quốc lại tiếp tục khiêu khích, áp sát các tàu vận tải 604 và 605 của hải quân ta tại Gạc Ma và Cô Lin.
Lúc đó, trên bãi cạn Gạc Ma, các chiến sĩ ta đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng ra hiệu cho các tàu chiến Trung Quốc biết đây là vùng biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bất chấp luật pháp quốc tế và việc không sử dụng vũ lực, các tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí hạng nặng tiếp tục khiêu khích các tàu vận tải của Việt Nam.
Các chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam bình tĩnh, tự kiềm chế, tránh khiêu khích, nhưng kiên cường bán trụ, quyết không rời đảo, bất chấp mọi hành động ngang ngược của kẻ thù.
Trước tinh thần kiên cường của bộ đội ta, tàu chiến Trung Quốc cho thuyền nhỏ chở 71 tên lính tiến vào bãi Gạc Ma, lúc này do những chiến sĩ bộ đội với trang bị vũ khí nhẹ bảo vệ.
Lính Trung Quốc chĩa súng vào bộ đội ta, một tên chĩa súng vào Trần Văn Phương và nói to bằng tiếng Việt: “Đây là vùng đảo của Trung Quốc”.
Trần Văn Phương và các chiến sĩ lên tiếng trả lời, yêu cầu lính Trung Quốc hạ vũ khí xuống, không gây đổ máu.
Trần Văn Phương chưa dứt lời thì một lính Trung Quốc lao vào nhổ lá cờ đỏ sao vàng. Trần Văn Phương nhanh tay giằng lấy và giữ chặt lá cờ.
Tham gia giữ lá cờ Tổ quốc còn có binh nhất Nguyễn Văn Lanh. Cả hai chiến sĩ đã bị tốp lính Trung Quốc sử dụng xà beng, lưỡi lê và cuối cùng dùng súng AK sát hại trong khi các anh vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc. Lúc đó là vào khoảng 8 giờ sáng ngày 14/3/1988.
Sau khi sát hại những chiến sĩ trên đảo, tàu chiến Trung Quốc tiếp tục dùng pháo hạng nặng bắn cháy tàu vận tải HQ 604, HQ 605 của Hải quân nhân dân Việt Nam. Tàu bị cháy buộc các chiến sĩ phải nhảy xuống biển bơi vào bãi cạn và tiếp tục bị Trung Quốc sử dụng súng đại liên trên tàu sát hại. Tàu HQ 505 cặp bãi Cô Lin cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy.
Tổng cộng có 64 chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biển đảo quê hương trong sáng ngày 14/3/1988. Sự kiện này đã đi vào lịch sử với tên gọi “Thảm sát Gạc Ma”.
Bức tâm thư và cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc với tấm gương thiếu úy Trần Văn Phương và đồng đội đã mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc.
Lê Minh