Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng có những mốc son chói lọi, mở ra bước ngoặt lịch sử cho cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, thống nhất của dân tộc. Từ Chiến thắng Điện Biên Phủ đến Hiệp định Geneva là một mốc son như vậy khi con đường kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trở thành hiện thực
Nhìn lại lịch sử 70 năm đã qua, những gì ông cha ta đã làm được tại chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva và cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược luôn là một dấu ấn vĩ đại, một bước ngoặt trong lịch sử của cả dân tộc. Thắng lợi này đã mở ra con đường kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, trước hết là kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp cho thấy đến Đông Xuân 1953 - 1954, cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương ngày càng chuyển biến mạnh mẽ theo chiều hướng bất lợi cho Pháp. Những thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Dương đã đẩy Pháp vào con đường không lối thoát, ngày càng lệ thuộc vào Mỹ. Bên cạnh đó, nước Pháp vừa phải căng mình “chống lại chủ nghĩa cộng sản” bảo vệ châu Âu, vừa phải gồng mình níu giữ hệ thống thuộc địa ở châu Á, châu Phi.
Và để giữ cho Pháp một con đường danh dự trong cuộc chiến tranh với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong chiến lược của mình những năm 1953-1954, Pháp đã lựa chọn Điện Biên Phủ - một thung lũng rộng lớn ở phía Tây vùng núi Tây Bắc có lòng chảo Mường Thanh dài gần 20 km, rộng từ 6 đến 8 km, cách thủ đô Hà Nội trên 300 km trở thành điểm chốt trong chiến lược quân sự của Pháp ở Đông Dương. Điện Biên Phủ có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, là trung tâm của những con đường nối liền với biên giới các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc. Vì vậy, ngay từ tháng 11/1953, khi phát hiện quân chủ lực của ta tiến lên hướng Tây Bắc, Tướng Navarre – viên tướng gắn với những chiến thắng lừng lẫy của quân đội Pháp tại châu Âu, cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, biến nơi đây thành pháo đài, thành “cột mốc của thế giới tự do mà cộng sản không thể vượt qua”... Điện Biên Phủ được xây dựng, bố trí thành 49 cứ điểm liên hoàn. Tổng số binh lực ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào lúc cao nhất lên tới hơn 16.200 quân với nhiều vũ khí, trang bị hiện đại. Điện Biên Phủ được giới quân sự Pháp, Mỹ xem là không thể bị đánh bại, là cỗ máy có thể “nghiền nát” chú lực Việt Minh nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp dám chọn nơi đây thành điểm đối đầu quân sự của hai bên.
Quân Pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Trước tình hình đó, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị đã họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo tình hình cuộc kháng chiến và chiến lược Đông – Xuân (1953). Trên cơ sở phân tích tình hình một cách toàn diện, Bộ Chính trị đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, hàng chục vạn dân công vượt qua đèo, lội suối, băng qua bom đạn để chuyển lương thực, đạn dược cho bộ đội ta thực hiện chiến dịch.
Tuy nhiên, đánh giá tình hình thực tiễn trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, đặc biệt là khi thực dân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm vô cùng kiên cố, quán triệt quan điểm “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” của Bộ Chính trị đề ra đầu năm 1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Ban Chỉ huy Mặt trận đã quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” ngay trước giờ mở màn chiến dịch và quyết định này đã được Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý. Đây là một quyết định sáng suốt, thể hiện tài thao lược quân sự, phù hợp với thực tế diễn biến tình hình chiến trường và chính là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến thắng lợi cuối cùng của chiến dịch và cuộc kháng chiến.
Cả nước dồn sức cho chiến dịch, bao gồm cả những hoạt động ‘chia lửa” và sau 56 ngày, đêm chiến đấu ác liệt, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 07/5/1954, Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” hiên ngang tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tạo ra một cú sốc lớn cho dư luận nước Pháp và cả thế giới, tạo ra bước đi mới trên bàn đàm phán hòa bình tại hội nghị Geneva, vốn được các cường quốc mở ra không phải trọng tâm bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoàn bình ở Việt Nam và Đông Dương.
Ngày 25/01/1954, Hội nghị Tứ cường khai mạc tại Berlin (Đức), quyết định sẽ triệu tập một Hội nghị quốc tế ở Geneva để giải quyết vấn đề chiến tranh Triều Tiên và vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Ngày 26/4/1954, Hội nghị Geneva chính thức khai mạc, trùng với thời điểm Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi chiến dịch tiến công đợt hai trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc này, Điện Biên Phủ - cuộc chiến ác liệt giữa Việt Nam và thực dân Pháp trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, là một trong những nhân tố tác động mạnh tới các nội dung đàm phán tại hội nghị Geneva, vấn đề Đông Dương ngày càng trở thành tâm điểm của chương trình nghị sự.
Toàn cảnh Hội nghị Geneva (Ảnh tư liệu)
Ngày 04/5/1954, Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tới Geneva. Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 08/5/2024, Hội nghị Geneva bàn về vấn đề Đông Dương chính thức khai mạc.
Như vậy, phải sau thắng lợi Điện Biên Phủ thì cơ hội cho một diễn đàn quốc tế về vấn đề chấm dứt chiến tranh Đông Dương mới thật sự đến, dù trước đó, đã rất nhiều lần Việt Nam đã thế hiện thiện chí về một giải pháp hòa bình với Pháp trên cơ sở Pháp phải thật sự tôn trọng và công nhận quyền độc lập, chủ quyền của Việt Nam.
Thất bại tại Điện Biên Phủ làm cho hy vọng thương lượng trên thế mạnh của Pháp tan vỡ, song nước Pháp với sự hậu thuẫn của Mỹ vẫn luôn tỏ ra cứng rắn. Những nước còn lại tham dự Hội nghị đều có những động cơ riêng đặt trong bối cảnh cùng tồn tại hòa bình trở thành một xu thế lớn chi phối quan hệ quốc tế bấy giờ. Các nước lớn (kể cả Liên Xô, Trung Quốc) đều muốn chấm dứt các cuộc xung đột khu vực. Sự mâu thuẫn lập trường và lợi ích của các bên tham gia làm cuộc đấu tranh tại Hội nghị trở nên căng thẳng, gay go, quyết liệt khi diễn ra trong suốt 75 ngày đêm 08 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp (từ ngày 08/5 đến ngày 21/7/1954).
Việt Nam đến dự hội nghị trong tư thế của người chiến thắng và mong muốn giải quyết vấn đề Việt Nam trên cả phương diện chính trị và quân sự. Tuy nhiên, những điều khoản của Hội nghị, trong đó 2 vấn đề lớn nhất là vĩ tuyến quân sự tạm thời và thời hạn tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đã không đáp ứng những mong muốn ấy một cách toàn diện. Điều này được lý giải bởi Hội nghị Geneva là một diễn đàn quốc tế do các nước lớn sắp đặt, quyết định thành phần, thời gian, bước đi và thậm chí là cả kết quả. Cùng với đó, những hạn chế do sự thiếu kinh nghiệm trong vấn đề đàm phán quốc tế cũng như ảnh hưởng bới những nhân tố trong nước như vấn đề nhân lực, vật lực, tài lực khi dành gần tối đa cho chiến dịch dẫn đến kết quả chưa như sự mong muốn của Đảng và Chính phủ ta.
Mặc dù Hiệp định Geneva chưa thực sự phản ánh đầy đủ những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trên chiến trường, nhất là thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng một điều cực kỳ quan trọng không thể phủ nhận là Hiệp định Geneva đã buộc thực dân Pháp phải kết thúc chiến tranh, công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Dẫu đất nước còn bị chia cắt nhưng chúng ta đã có được một miền Bắc giải phóng, làm cơ sở để xây dựng thành hậu phương chiến lược lớn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đây được coi là dấu mốc quan trọng của con đường kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với thắng lợi này, cách mạng Việt Nam cũng như sự phát triển của dân tộc Việt Nam đã bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ ra sức phấn đấu để giữ vững hòa bình, độc lập, tự chủ, thực hiện mục tiêu đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hồng Gấm