Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đạo đức là cái gốc của người cán bộ cách mạng và “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[1]. Đạo đức cách mạng vừa là nhân tố bảo đảm sự thống nhất nền tảng tư tưởng lý luận, mục tiêu lý tưởng cách mạng, các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, vừa là cơ sở cho việc củng cố khối đại đoàn kết vững chắc trong Đảng. Khi nói về cán bộ và công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động, đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, nhà nước, Đảng. Có thể nói, kẻ phá hoại sự nghiệp cách mạng đáng sợ nhất là những người ấy, vì trước mắt đồng bào, họ là Đảng và Nhà nước”[2].
Hồ Chủ tịch nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần II, tháng 2-1951. Ảnh tư liệu.
Đạo đức cách mạng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, “là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”. Rèn luyện đạo đức cách mạng là một quá trình gian khổ, phải kiên trì, tự giác, tự nguyện, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, gắn rèn luyện đạo đức với thực tiễn công tác, nêu cao chủ nghĩa tập thể, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Khi nói về chủ nghĩa cá nhân, Người không chỉ vạch rõ nguồn gốc, bản chất, hình thức đa dạng, tinh vi của chủ nghĩa cá nhân, mà còn chỉ ra hậu họa ghê gớm của nó, chủ nghĩa cá nhân là một trong những nguy cơ đe dọa vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng. Người chỉ rõ “do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa… Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do chủ nghĩa cá nhân mà phạm nhiều sai lầm”[3]. Do đó, cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện phương châm hành động “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” và nêu gương, vì đây là phương pháp tốt nhất vận động quần chúng, thuyết phục quần chúng, tập hợp quần chúng làm cách mạng. Quần chúng nhìn cán bộ, đảng viên tiên phong làm trước, phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu cách mạng cao cả, từ đó họ sẽ tự giác nghe theo, tin và làm theo.
Trong điều kiện một Đảng cầm quyền hiện nay, các vị trí chủ chốt trong bộ máy quyền lực đều do đảng viên nắm giữ và đảm trách, nếu không được giáo dục thường xuyên và tự giác tu dưỡng đạo đức cách mạng, thì những cán bộ, đảng viên sa sút về đạo đức lại là một trong những nguyên nhân làm xói mòn nền tảng đạo đức xã hội và làm vô hiệu hóa quyền uy của pháp luật, làm xói mòn uy tín của Đảng đối với nhân dân và đó là thách thức lớn đối với vận mệnh của Đảng và tiền đồ của đất nước.
Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, “tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có”[4], nên khi nào còn quyền lực khi đó còn điều kiện tồn tại của tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt “quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm”[5]. Tổng Bí thư chỉ rõ tham nhũng, tiêu cực gây nên “tác hại tiềm ẩn, khôn lường,… làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là mất chế độ”[6]và tham nhũng lại diễn ra đối với những người có chức, có quyền, nên phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ. Tổng Bí thư khẳng định: “không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không thể chủ quan, nóng vội”[7]. Đây là định hướng quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ tâm, đủ tầm thực hiện nhiệm vụ chính trị đặt ra.
Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII tiếp tục nêu lên các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ". Ảnh: TTXVN
Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (2016) đã bổ sung thêm một thành tố quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, đó là “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”[8].Việc bổ sung xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề mới rất quan trọng và cần thiết. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Từ Cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW đến thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, khóa XII (2018) về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao, là bước phát triển rất quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trách nhiệm nêu gương được đề cao, từ quy định của Đảng đến tự giác thực hiện của mỗi cán bộ, đảng viên là sự thể hiện tính tiên phong của Đảng và phẩm chất cao quý của người cách mạng, tăng cường củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng và quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường và bất thường, Đảng ta chủ trương phải “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”[9]. Nếu chỉ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thôi chưa đủ, mà phải dám nói, dám đổi mới, dám đột phá sáng tạo và đương đầu với khó khăn, thử thách, đó là yêu cầu Đảng ta đặt ra đối với mỗi cán bộ, đảng viên trước tình hình mới.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện cả về phẩm chất đạo đức, cả về tư tưởng lý luận, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng; xây dựng ý thức kỷ luật, luôn có ý thức gắn bó chặt chẽ với quần chúng; thường xuyên kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tự mình đấu tranh với chính mình trước mọi cám dỗ của tiêu cực xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận 21-KL/TW (2021) của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII "Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””. Quan điểm của Đảng ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”[10]. Và những kết quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua của Đảng đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân”[11]chứ không phải sẽ làm nhụt chí, chùn bước những người dám nghĩ, dám làm hay làm “chậm” sự phát triển đất nước.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế hiện nay, người cán bộ, đảng viên phải luôn ở vị trí tiên phong, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu gương trong công tác và đạo đức, lối sống ở mọi lúc, mọi nơi,sẵn sàng xông pha đi đầu vào những nơi khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ và đó chính là bảo vệ Đảng. Như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống, còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[12].Với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, với sức mạnh của toàn Đảng và của cả dân tộc đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, đất nước ta sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguyễn Hương