Bước tiến mới trong tư duy đối ngoại của Đảng
Trên cơ sở xác định mục tiêu của công tác đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, tại Đại hội XIII, tư duy đối ngoại của Đảng có nhiều thay đổi cho phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước cũng như những diễn biến mới của tình hình quốc tế. Điều đó được thể hiện trên các phương diện sau:
Định vị vai trò và nghĩa vụ của Việt Nam với quốc tế: Tiếp nối các kỳ Đại hội trước, Đại hội XIII đã đề ra phương châm: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[1]. Thành tố “tích cực” là điểm mới, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ với quốc tế. Đó là sẵn sàng tham gia đóng góp cho cộng đồng quốc tế cũng như tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu trong khả năng và điều kiện cụ thể.
Các đại biểu dự phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sáng ngày 26/1/2021. Ảnh: Internet.
Về vai trò và sứ mệnh của đối ngoại: Tại Đại hội XIII, lần đầu tiên Đảng ta xác định “vai trò tiên phong” của công tác đối ngoại trong tổng thể các nhiệm vụ chung của đất nước. Đại hội XIII khẳng định: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”[2]. Theo đó, đối ngoại có sứ mệnh là đưa đất nước vào vị trí có lợi nhất trong mọi diễn biến của tình hình thế giới, khu vực, giữa dòng chảy của các xu thế quốc tế và tương quan lực lượng chính trị thế giới.
Lần đầu tiên vấn đề xây dựng “nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” được đưa vào văn kiện Đại hội, với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân[3]. Tính toàn diện thể hiện ở lĩnh vực, phương thức hoạt động và chủ thể triển khai, bao gồm: gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa với đối ngoại quốc phòng, an ninh, văn hóa - xã hội, môi trường, khoa học - công nghệ…; giữa song phương và đa phương. Tính hiện đại thể hiện ở tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả với quy trình, hạ tầng đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại.
Các định hướng lớn về công tác đối ngoại
Dựa trên những đổi mới và phát triển trong quan điểm chỉ đạo, Đại hội XIII của Đảng cũng đưa ra những định hướng lớn về công tác đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, đẩy mạnh đối ngoại song phương.
Đại hội XIII nhấn mạnh đến việc “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương” với hai tiêu chí cụ thể là “tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy”[4]. Khác với các kỳ Đại hội trước, Đại hội XIII không đề cập cụ thể đến “các nước lớn” mà nhấn mạnh khuôn khổ quan hệ “đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng”. Đây là bước phát triển phù hợp với đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa trong lựa chọn hợp tác song phương. Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày càng phức tạp và nhạy cảm, thay đổi đó thể hiện sự linh hoạt của Việt Nam trong tìm kiếm những lực lượng phù hợp với lợi ích quốc gia. Do đó, cần đẩy mạnh hợp tác với tất cả các đối tác quan trọng dù là nước lớn, nước tầm trung hay nước nhỏ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: Internet.
Thứ hai, nâng tầm đối ngoại đa phương.
Đại hội XIII xác định, bên cạnh ASEAN và Liên hợp quốc, APEC và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong là hai ưu tiên chủ chốt mới. ASEAN tiếp tục là trọng tâm chiến lược hàng đầu về đa phương. Đại hội XIII cũng định hướng rõ hơn về nâng tầm đối ngoại đa phương. Đó là “xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế” và “thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại”[5]. Đây là định hướng lần đầu tiên được nói đến trên cơ sở của những thành quả ngoại giao mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua khi thúc đẩy ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại quan trọng như CPTPP và EVFTA...
Thứ ba, yêu cầu mới về bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo.
Các vấn đề trên biển nêu trước đó được Đại hội XIII nhấn mạnh rõ thêm là vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, hàng không. Hơn nữa, dựa trên những kết quả quan trọng của quá trình phân định biên giới trên bộ, Đại hội XIII đã đặt ra yêu cầu cần phải “củng cố đường biên giới” và “giải quyết các vấn đề còn tồn tại” liên quan đến biên giới trên bộ. Với nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, Đại hội XIII nhấn mạnh thêm đến việc cần tiếp tục bảo vệ vùng biển đảo, vùng trời, qua đó thể hiện vai trò quan trọng của đối ngoại trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức trong vấn đề Biển Đông.
Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao chụp ảnh với các đại biểu Bộ Ngoại giao dự Đại hội XIII, tháng 1/2021. Ảnh: Internet
Thứ tư, hội nhập quốc tế được bổ sung nội hàm “toàn diện”, phản ánh bước phát triển mới về hội nhập trên mọi lĩnh vực. Chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” được Đại hội XIII mở rộng thành “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”. Điều này phản ánh bước phát triển mới về hội nhập quốc tế trên cơ sở tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Theo định hướng này, hội nhập quốc tế không giới hạn trong một phạm vi hay một lĩnh vực nào của đời sống quốc tế, mà lan tỏa ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
Thứ năm, công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng là định hướng mới bên cạnh công tác thông tin đối ngoại. Điều này thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đại đoàn kết dân tộc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Thứ sáu, nêu lên yêu cầu đối với việc bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ làm công tác đối ngoại. Đại hội XIII chỉ rõ: cần “nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo” cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại. Đây được coi là một đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực trong ngành đối ngoại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại trong tình hình mới.
Những điểm mới ở Đại hội XIII cho thấy bước phát triển về tư duy đối ngoại của Đảng. Điều đó góp phần tạo nên những bước phát triển mới cho công tác đối ngoại trên những chặng đường tiếp theo.
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.162
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.162
[3]Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.162
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.163
[5]Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.162-163
Chí Trung