Thực trạng và những vấn đề đặt ra về đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam
Việt Nam là một đất nước đa dân tộc, nhiều tôn giáo, thế nhưng ở Việt Nam không có xung đột sắc tộc và tôn giáo. Điều đó là nhờ ở chiều sâu văn hóa Việt Nam, song đối với giai đoạn gần đây, đó còn là sự đóng góp và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam về đoàn kết dân tộc đã đưa dân tộc Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức, giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước trong hòa bình.
Gần 40 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã tiến những bước rất dài trên con đường thịnh vượng. Những thành tựu ấy được tạo nên bởi sức sáng tạo vĩ đại của nhân dân, được kết thành bởi tinh thần đoàn kết, sáng tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, chỉ tính từ đổi mới đất nước đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành rất nhiều các chỉ thị, nghị quyết về tập hợp và chăm lo lợi ích cho các giai tầng. Hầu như tất cả giai tầng trong xã hội đều được Đảng quan tâm và ban hành các chỉ thị, nghị quyết để chăm lo lợi ích và vận động các giai tầng.
Các nghị quyết, chỉ thị có thể kể tới như: Nghị quyết 23-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Nghị quyết 20-NQ/TW về xây dựng giai cấp công nhân; Nghị quyết 26-NQ/TW về nông dân; Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức; Nghị quyết 09-NQ/TW về doanh nhân; Nghị quyết 25-NQ/TW về thanh niên; Nghị quyết 11-NQ/TW về phụ nữ; Nghị quyết 09-NQ/TW về cựu chiến binh; Chỉ thị 59-CT/TW về người cao tuổi; Nghị quyết 36-NQ/TW và gần đây là Chỉ thị số 45-CT/TW về chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc; Nghị quyết 25-NQ/TW về công tác tôn giáo.
Mới đây, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh v.v…Tất cả những chính sách ấy đã dần đi vào cuộc sống, góp phần xây đắp khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, tạo nên sự đồng thuận xã hội vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là: “Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều[1]”. Trong thực tế hiện nay, đã xuất hiện ngày càng nhiều những biểu hiện, những vấn đề bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên; là tình trạng tham nhũng, lãng phí; là phân hóa giàu nghèo ngày càng xa; là tình trạng vi phạm dân chủ diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở cơ sở,... gây bất bình trong nhân dân; ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến uy tín của Đảng, của Nhà nước và mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân cũng như việc củng cố, tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng miền và trong xã hội ngày càng lớn. Tất cả những bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đại đoàn kết dân tộc. Ngoài ra, các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước vẫn không ngừng lợi dụng các thiếu sót nêu trên, lợi dụng những vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo can thiệp vào tình hình Việt Nam với mưu đồ phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt, tháng 3/1964 (Ảnh tư liệu)
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh hiện nay
Đại hội XIII xác định: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân[2]”. Đây là nội dung đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất quán kể từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong Bài nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “... Tục ngữ có câu: “Dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời. Lại có câu: “Có thực mới vực được đạo”, nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả. Vì vậy chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi[3]”.
Sở dĩ người dân tin và theo Đảng, bởi Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực thi những chủ trương, chính sách đáp ứng lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Khi người dân có niềm tin và yêu mến, chắc chắn Nhân dân sẽ kết thành một khối vững chắc đoàn kết xung quanh Đảng và Nhà nước. Thế nhưng, vấn đề là làm sao để dân tin, dân yêu. Sinh thời, trong bài viết “Sao cho được lòng dân” đăng trên báo Cứu quốc số 65 ngày 12/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh[4]”. Đó là một chân lý hiển nhiên nhưng không phải mấy ai đã thực hiện được tốt. Đặc biệt, Hồ Chí Minh cho rằng thước đo của lòng dân với Đảng là ở những việc hết sức thiết thực chứ không phải lý luận cao xa.
Cho đến khi viết Di chúc, người cũng đau đáu dặn lại rằng: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân[5]”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương Tám (khoá XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Để thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, cần khẩn trương, nghiêm túc xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách, tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ phát triển mới; bổ sung, hoàn thiện luật pháp, chính sách sát hợp với tình hình mới để phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của tất cả các tầng lớp nhân dân, khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của toàn dân tộc[6]”.
Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trước hết Đảng và Nhà nước phải ban hành và thực thi các chính sách đảm bảo lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, hài hòa giữa các vùng miền trong phát triển, nhất là quan tâm đầu tư các công trình giao thông quan trọng để kết nối các vùng miền trong cả nước, trong đó phải đặc biệt chú ý đến các vùng còn khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức vì đại đoàn kết của các dân tộc, các tôn giáo. Trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Đảng và Nhà nước cần quan tâm cụ thể hơn đến vấn đề này. Đặc biệt, Nhà nước cần nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật và nhanh chóng đưa các chính sách này vào trong cuộc sống. Cần quán triệt nguyên tắc nhất quán trong toàn hệ thống chính trị là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân, tạo điều kiện cho các tôn giáo hành đạo và truyền đạo theo pháp luật. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tôn giáo để chống phá, nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi miệt thị tôn giáo.
Trung Kiên
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, tr. 88
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, t. I, tr. 165-166
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 572
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 47
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 511
[6] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-be-mac-hoi-nghi-trung-uong-8-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-11923100816244722.htm