1. Những kết quả đáng mừng từ tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp
Giai đoạn 2015-2020, Tuyên Quang đã thực hiện có hiệu quả các giải pháp xây dựng NTM bằng biện pháp tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4,3%/năm, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Bước đầu khai thác và phát huy hiệu quả một số tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, hướng tới sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm và gắn với nhu cầu thị trường, nhất là một số sản phẩm chủ lực như: Chè, cam, cây ăn quả, cây lâm nghiệp,… Giá trị sản xuất năm 2020 bình quân đạt 96 triệu đồng/ha đất trồng trọt, tăng 1,4 lần so với năm 2015. Mở rộng phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, phát triển thủy sản. Kinh tế lâm nghiệp phát triển khá nhanh và vững chắc. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng. Với nhiều cách làm mới, sáng tạo, nhân dân đồng thuận cao với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa 1.004 km kênh mương; xây dựng 934 nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố; bê tông hóa 633 km đường giao thông nội đồng. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt 2,67 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,55 lần so với năm 2015).
Người dân xã Hồng Thái (Na Hang) trồng lê mang lại hiệu quả kinh tế cao.
(ảnh: hdndtuyenquang.gov.vn)
Hết năm 2020, toàn tỉnh có 47 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM (trong đó có 36 xã đã được công nhận, 11 xã đang trình thẩm định để công nhận); 3 xã đã hoàn thành 18/18 tiêu chí NTM nâng cao, hiện đang triển khai hoàn thiện hồ sơ đề nghị đạt chuẩn NTM nâng cao theo quy định. Tiêu chí bình quân trên xã đạt 15,08 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm trên 3%, toàn tỉnh còn 11,8% hộ nghèo.
2. Xác định khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đến nay chưa chọn được các giải pháp tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Kết quả xây dựng NTM tại một số địa phương chưa thực sự bền vững. Đời sống, thu nhập một bộ phận người dân nông thôn còn khó khăn.
Với việc xác định “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng dựng NTM” là khâu đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025, Tuyên Quang tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp bảo đảm thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, có giá trị gia tăng cao; phát triển một số sản phẩm đặc sản có giá trị cao, được thị trường ưa chuộng; đẩy mạnh cơ giới hóa. Xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Hợp tác xã Cam sành Sơn Nữ liên kết trồng, chăm sóc, tiêu thụ cam sành theo tiêu chuẩn hữu cơ cho người dân một số xã ở huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang
(ảnh: internet)
Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, quy mô sản xuất cho phù hợp. Phát triển ổn định vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp và một số cây trồng có lợi thế. Cơ cấu lại ngành mía đường Tuyên Quang. Khuyến khích liên kết tích tụ đất đai, tạo quỹ đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị; xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Khai thác hiệu quả tiềm năng để nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh, bán thâm canh, chú trọng các loài cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao; xây dựng thương hiệu thủy sản Tuyên Quang.
Quản lý rừng bền vững, duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 65%; phát huy các giá trị rừng đặc dụng, rừng phòng hộ gắn với phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả ngành lâm nghiệp, tăng tỷ trọng đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ trong lâm nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, phát triển rừng gỗ lớn và mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; nâng cao năng lực chế biến, xuất khẩu đồ gỗ. Liên kết chặt chẽ giữa nhà máy chế biến với người trồng rừng, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững.
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác. Chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhất là sản phẩm có lợi thế so sánh, giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị trong nước, xuất khẩu.
Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi quan trọng phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, đồng thời giải quyết nguồn nước cho sinh hoạt, công nghiệp, thủy sản, dịch vụ, du lịch. Làm tốt công tác di chuyển dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, bố trí sắp xếp ổn định dân cư gắn với hỗ trợ về đời sống và sản xuất.
Những giải pháp trên hướng đến mục tiêu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí của 47 xã đã đạt chuẩn NTM; đến năm 2025 có 68% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó 30% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn; có thêm 1 huyện (huyện Hàm Yên) đạt chuẩn NTM.
Hà Phùng