Có thể khẳng định, tư tưởng về quyền dân tộc nói chung, độc lập dân tộc nói riêng ra đời từ rất sớm trong lịch sử hình thành và phát triển của các quốc gia - dân tộc nhưng chỉ đến Hồ Chí Minh, thì vấn đề quyền độc lập dân tộc mới được đề cập đầy đủ, sâu sắc, mang tầm lý luận.
Một là, độc lập dân tộc là quyền tự nhiên, thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Tư tưởng về quyền độc lập dân tộc được phản ánh rất rõ trong nhiều bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh, trong đó rõ nhất là bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Tuyên ngôn khẳng định độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[1]. Trả lời các nhà báo, ngày 2 tháng Giêng năm 1947, Hồ Chí Minh tái khẳng định: “tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc”[2].
Nội dung trên cho thấy, theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc là quyền tự nhiên, thiêng liêng, bất khả xâm phạm; các dân tộc trên thế giới, không phân biệt phương Đông - phương Tây, dân tộc lớn - nhỏ, dân tộc sớm phát triển hay chậm phát triển đều có quyền độc lập.
Độc lập dân tộc không chỉ là quyền tự nhiên, thiêng liêng mà còn là một thứ quyền có giá trị cao nhất trong số những quyền dân tộc. Người khẳng định, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”[3]. Có lẽ, vì sinh ra ở một nước thuộc địa, quyền dân tộc bị thực dân Pháp tước đoạt, Hồ Chí Minh đã thấu hiểu hơn ai hết về giá trị của độc lập. Đây cũng là khát vọng mà Người theo đuổi, đứng lên đấu tranh bất chấp bao hiểm nguy rình rập để giành độc lập cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa trên thế giới.
Hai là, quyền độc lập dân tộc được xây dựng trên cơ sở quyền con người.
Theo Hồ Chí Minh, quyền độc lập dân tộc được xây dựng trên cơ sở quyền con người. Quyền con người theo Hồ Chí Minh rất phong phú như quyền sống, quyền tự do (tự do đi lại, tự do cư trú, tự do hội họp…), quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó cũng là một trong những lý do khi viết Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh vừa trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776) vừa trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân Quyền (1791) của cách mạng Pháp để khẳng định tính tất yếu về quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.
Theo Hồ Chí Minh, tất cả mọi người trong xã hội không phân biệt màu da, giàu nghèo, nghề nghiệp… đều sinh ra bình đẳng nên tất cả các quốc gia dân tộc cũng đều bình đẳng. Điều đó cho thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền dân tộc có một triết lý sâu sắc. Luận điểm này là một đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của tư tưởng nhân loại về quyền dân tộc. Giáo sư Singô Sibata (người Nhật Bản) phân tích: “Cụ Hồ Chí Minh còn có một đóng góp quan trọng về mặt lý luận và tư tưởng .[…]. Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc[4].
Ba là, quyền độc lập dân tộc gắn liền với quyền tự chủ, tự quyết, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phân biệt rất rõ giữa độc lập thực sự và độc lập giả hiệu (hình thức) và Người cho rằng độc lập phải gắn liền với quyền tự chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Người giải thích: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”[5]. Trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân, đế quốc xâm chiếm, đô hộ, chia cắt, thì độc lập dân tộc còn có nghĩa thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “có quốc hội riêng, chính phủ riêng, quân đội riêng, ngoại giao riêng, kinh tế và tài chính riêng”. Điều đó cho thấy, theo Hồ Chí Minh, quyền độc lập có nội hàm phong phú, nếu thiếu một bộ phận thì chưa có được nền độc lập hoàn toàn.
Bốn là, quyền độc lập dân tộc không tách rời với quyền lợi giai cấp.
Tư tưởng này được thể hiện rất rõ trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đặc biệt trong Chương trình của mặt trận Việt Minh (1941): “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[6]. Chính vì thế, Hồ Chí Minh đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên nhiệm vụ giải phóng giai cấp.
Việc đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên nhiệm vụ giải phóng giai cấp là sự phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh thực tiễn cách mạng ở một nước thuộc địa như Việt Nam, bởi Người nhận thấy rõ, ở các nước thuộc địa mâu thuẫn bao trùm là nhân dân các nước thuộc địa với bọn thực dân, đế quốc xâm lược. Đó cũng là đóng góp quan trọng của Người vào lý luận cách mạng giải phóng dân tộc.
Năm là, quyền độc lập dân tộc chỉ có ý nghĩa khi nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc.
Mặc dù coi độc lập dân tộc là quyền tự nhiên, thiêng liêng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng quyền độc lập dân tộc chỉ có ý nghĩa khi đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Người cho rằng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Hơn nữa, quyền độc lập, tự do của dân tộc chỉ có giá trị và ý nghĩa thực sự khi nó mang lại sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Người khẳng định: “dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Cũng chính vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định con đường của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền dân tộc có nội dung phong phú, thể hiện khát vọng và lý tưởng cao đẹp của một nhà cách mạng chân chính, một nhà hiền triết, có trí tuệ uyên bác và tình yêu rộng lớn. Tư tưởng đó mang giá trị thời đại, nhân văn sâu sắc, đồng thời là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam.
Hiện nay, tình hình an ninh - chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, chủ nghĩa cường quyền có xu hướng trỗi dậy; chiến tranh, xung đột tiếp diễn; chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt… Đồng thời, các vấn đề an ninh phi truyền thống đặt ra ngày càng gay gắt, nhất là biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; dịch bệnh có xu hướng gia tăng; an ninh mạng gây thách thức đối với mọi quốc gia; âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ vẫn hiện hữu; các cuộc cách mạng sắc màu vẫn tiềm ẩn... Điều đó đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nền độc lập và chủ quyền quốc gia ở nhiều nước trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.
Đối với Việt Nam, trên cơ sở vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, để giữ vững quyền độc lập dân tộc, Việt Nam cần phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp cơ bản sau. Một là, xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia dựa trên 3 đột phá chiến lược là thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng làm nền tảng để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Hai là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, hòa bình, đa dạng hóa, đa phương hóa để mở rộng vòng tay bạn bè, củng cố thế và lực của đất nước. Ba là, xử lý khéo léo vấn đề biên giới, lãnh thổ, chủ quyền theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, không để các mâu thuẫn bùng phát và từng bước hóa giải các mâu thuẫn.
NVC
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.1
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.9
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.130
[4] Nguyễn Dy Niên, Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.101-102
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 7, tr.113