Thế giới đối diện làn sóng Covid-19 mới
Từ giữa tháng 4 năm 2021, những dấu hiệu về nguy cơ tái bùng phát đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới lo lắng. Tại Ấn Độ, ngày 14/4, lần đầu tiên số ca mắc Covid-19 trên cả nước vượt 200.000 mỗi ngày. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới liên tục ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca nhiễm mới trong 5 ngày liên tiếp. Tính đến cuối ngày 28/4, số ca nhiễm mới bình quân mỗi ngày được ghi nhận là 357.700, nâng tổng số lên khoảng 17 triệu. Ngày 29/4, Bộ Y tế Ấn Độ cũng thông báo số ca tử vong trong 24 giờ qua đã tăng lên 3.647, nâng tổng số người chết vì Covid-19 tại Ấn Độ lên 204.812 người. Tuy nhiên, theo phản ánh của các kênh truyền thông quốc tế, dữ liệu thống kê từ các cơ sở hỏa táng và truyền thông địa phương cho thấy tình hình thực tế có thể còn khủng khiếp hơn nhiều.
Tại Brazil, người dân cũng đang phải đối mặt với sự lây lan và chết chóc nghiêm trọng. Tính đến những ngày cuối tháng 4, Brazil đã ghi nhận thêm trên 71.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân lên khoảng 14,4 triệu và khoảng 395.000 người đã tử vong vì Covid-19.
Số lượng tử vong hàng ngày do COVID-19 ở Ấn Độ liên tục lập kỷ lục trong những ngày qua. Ảnh: Internet
Tại Thái Lan, tính đến ngày 27/4, giới chức nước này cho biết đã ghi nhận thêm 15 ca tử vong vì Covid-19. Đây là kỷ lục mới về số ca tử vong trong ngày của quốc gia Đông Nam Á này. Ngoài ra, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 2.179 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh ở quốc gia này lên con số 55.460. Làn sóng Covid-19 thứ ba nổi lên cách đây vài tuần khiến Thái Lan đang rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Tại Campuchia, ngày 28/4 ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, với 698 người dương tính với virus và 6 người tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca bệnh của nước này lên hơn 11.000 bệnh nhân. Tính đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 11.762 ca nhiễm Covid-19, trong đó 88 người không qua khỏi.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Lào, Bộ Y tế nước này ngày 26-4 ghi nhận thêm 113 ca nhiễm, nâng tổng số ca Covid-19 ở nước này lên 436. Số ca nhiễm mới được phát hiện tại 10 tỉnh thành, trong đó có 54 ca ở tỉnh Champasak và 31 ca ở thủ đô Vientiane. Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Lào ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày ở mức 3 con số.
Một điều đáng lo ngại trước nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai hiện nay là những biến chủng mới nguy hiểm hơn có thể sẽ xuất hiện. Giới chức y tế thế giới đã phát hiện một biến chủng ở Ấn Độ mang theo "đột biến kép" B.1.617. Biến chủng này tới nay đã lây lan sang nhiều quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, thực tế có thể còn phức tạp hơn thế. Theo bác sĩ Sujay Shad, chuyên gia tim mạch tại bệnh viện Sir Ganga Ram, thì “làn sóng dịch Covid-19 hiện nay có biểu hiện lâm sàng rất khác. Nó đang tác động tới người trưởng thành trẻ tuổi, lây lan trong toàn bộ gia đình, lây cho cả trẻ em hai tháng tuổi. Mọi thứ đều khác".
Nguyên nhân của diễn biến bất thường
Ý thức chủ quan và thái độ tự mãn được cho là nguyên nhân số một dẫn đến sự tái bùng phát đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ. Bước sang năm 2021, Ấn Độ thuộc nhóm quốc gia kiểm soát khá tốt dịch bệnh. Tính đến tháng 3 năm nay, tổng số ca nhiễm mới của quốc gia 1,4 tỷ dân này chỉ khoảng 13.000/ngày. Các trường học được mở cửa trở lại, người dân có dịp tụ hội, các siêu thị lại trở nên đông đúc. Ngày 22/1, trong bài phát biểu trước các sinh viên sau chiến thắng trước đối thủ Australia của đội tuyển cricket nước này, thủ tướng Narendra Modi đã nói đầy tự hào: "Bằng các giải pháp của chính mình, Ấn Độ đã kiểm soát được sự lây lan của virus đồng thời cải thiện hạ tầng y tế. Loại vaccine do chúng ta nghiên cứu và phát triển không chỉ bảo vệ người dân ở Ấn Độ mà còn nhiều quốc gia trên thế giới".
Chính ý thức chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác đã dẫn đến sự thiếu phòng bị trên quy mô cộng đồng. Theo thông tin báo chí, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử ở Tây Bengal, thủ tướng đương nhiệm, ông Modi và các cộng sự, đã tổ chức vô số cuộc vận động cử tri, thu hút hàng nghìn người tham dự. Những chiến dịch vận động này hoàn toàn không tuân thủ các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang bắt buộc hay giãn cách xã hội.
Tại Kumbh Mela, lễ hội hành hương kéo dài suốt tháng tư đã thu hút hàng triệu người đến một thị trấn nhỏ nằm ven sông Hằng. Những người tham dự lễ hội không phải thực hiện các quy định phòng dịch nghiêm khắc. Thậm chí, thủ hiến bang Uttarakhand còn phát biểu: “đức tin vào các đấng thần linh sẽ chiến thắng nỗi sợ hãi Covid-19”.
Thêm một nguyên nhân nữa là năng lực y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe nghèo nàn khiến Ấn Độ đã bị “vỡ trận”, không thể kiềm chế dịch bệnh khi virus bùng phát. Ngay tại nhiều thành phố lớn, tình trạng thiếu giường bệnh, nguồn máu, thuốc men, bình oxy và ống thở diễn ra tràn lan ở các bệnh viện. Chiến dịch tiêm chủng vaccine "Made in India" đầy tự hào đã thất bại nặng nề. Giới chức Ấn Độ đã sai sót trong tính toán, chậm trễ khi đặt hàng, thiếu hụt nguồn vốn cấp cho địa phương và từ chối vaccine nước ngoài một cách không cần thiết. Tính đến giữa tháng 4, chỉ có khoảng 1,3% dân số nước này hoàn thành việc tiêm chủng đầy đủ. Có thể thấy, cho dù cơ sở hạ tầng phục vụ y tế của Ấn Độ đã được chú trọng trong suốt 16 tháng đại dịch, nhưng chừng đó là không đủ để bù đắp chọ sự thiếu hụt nguồn lực và yếu kém về năng lực do thiếu đầu tư trong thời gian dài.
Việt Nam chủ động ứng phó đại dịch
Mặc dù đại dịch đang có những biểu hiện đáng lo ngại ở nhiều nước, điều đáng mừng là Việt Nam vẫn đang cho thấy sự vững vàng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Tính đến 6h ngày 29/4, Việt Nam có tổng cộng 2.857 ca mắc Covid-19, với 35 trường hợp đã tử vong và 2.516 trường hợp đã hồi phục. Ngày 27/4, sự cảnh giác cao độ và chủ động ứng phó thể hiện qua chỉ đạo của thường trực Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Internet
Toàn bộ hệ thống quốc gia phòng chống dịch bệnh đã được kích hoạt trở lại ở trạng thái sẵn sàng cao nhất. Đặc biệt, trách nhiệm của các vị trí lãnh đạo và quản lý trong phòng chống dịch bệnh được đề cao. Theo đó, Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ, người đứng đầu cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, phạm vi quản lý.
Các hành động siết chặt kiểm soát biên giới được triển khai khẩn trương để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các nước láng giềng. Những ngày qua, các địa phương như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Quảng Trị và Hà Tĩnh đã tăng cường bố trí nhân lực để tuần tra biên giới, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép.
Đi kèm với đó là tinh thần cảnh giác cao độ và quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội. Đến nay, nhiều địa phương như thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên bố hủy kế hoạch bắn pháo hoa dịp lễ 30/4 và 1/5. Thành phố Đà Nẵng cũng tạm dừng lễ hội pháo hoa quốc tế. Hàng loạt các địa phương như Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Nghệ An, Hải Phòng cũng tuyên bố hủy bỏ hoặc tạm dừng tất cả các sự kiện tập trung đông người như lễ hội, khai trương, lễ kỷ niệm…
Tuy nhiên, những gì diễn ra ở Ấn Độ cho thấy khả năng ngăn chặn làn sóng mới dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần hợp tác và ý thức chấp hành chủ trương, chính sách từ phía người dân. Việt Nam sẽ chỉ có thể giữ được thế trận phòng chống dịch bệnh vững vàng như hiện nay nếu mỗi người dân đều thường xuyên cập nhật thông tin và nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo và quy định của cơ quan chức năng.
Minh Hoàng (Tổng hợp từ báo chí trong nước và quốc tế)