Nhận thức về xu thế tự chủ chiến lược
Đến nay, khái niệm “tự chủ chiến lược” chưa được đưa vào bất cứ văn kiện, nghị quyết nào của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, đảm bảo độc lập, tự chủ, tự cường là truyền thống của dân tộc Việt Nam trong lịch sử và cũng là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta trong suốt quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhận định, trong giai đoạn hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Nhận định đó cho thấy sự nhạy bén trong nhận thức của Đảng về xu thế biến đổi của cục diện thế giới, về những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đa dạng đang nổi lên đã và đang tác động sâu sắc tới xu thế quan hệ quốc tế cũng như an ninh và phát triển của đất nước trong những năm tới. Xung đột Nga - Ukraina, Israel - Hamas, Israel-Hezbollah-Iran, căng thẳng gia tăng ở bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, Biển Đông, sự nổi lên của những vấn đề an ninh phi truyền thống và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tại châu Á - Thái Bình Dương ngày càng quyết liệt đã minh chứng cho những nhận định của Đảng ta về cục diện thế giới giai đoạn hiện nay.
Trên cơ sở nhận định về môi trường quốc tế và tổng kết những bài học kinh nghiệm sau 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế là một trong 10 mối quan hệ lớn cần xử lý đúng đắn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ Đổi mới. Trên cơ sở tiềm lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia và khát vọng thịnh vượng của dân tộc, Đại hội XIII cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành một nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này, cần phát huy cao độ nội lực, ý chí tự lực tự cường của dân tộc, gắn kết, tranh thủ sức mạnh thời đại để phát triển.
Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thúc đẩy, khơi dậy ý chí, khát vọng mạnh mẽ về một kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” bắt đầu từ thời điểm Đại hội XIV của Đảng. Đó là kỷ nguyên phát triển bứt phá hướng tới thực hiện mục tiêu giàu mạnh và thịnh vượng, đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu vào dịp 100 năm thành lập nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng với tâm thế “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”. Đó cũng là kỷ nguyên mà Việt Nam sẽ đóng góp ngày càng nhiều, chủ động và tích cực hơn cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới. Điều đó hàm ý và khẳng định rằng, Việt Nam nhất quán với truyền thống độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường nhưng sẽ đặt mình vào dòng chảy của thời đại, tranh thủ yếu tố thời đại để thực hiện khát vọng thịnh vượng, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế mới, trách nhiệm lớn hơn đối với hòa bình, phát triển của nhân loại.
Chủ trương độc lập, tự chủ của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay khá tương đồng với nội hàm của xu hướng tự chủ chiến lược của nhiều nước. Nó đều khẳng định ý chí và năng lực tự quyết định của quốc gia về vấn đề đối nội, đối ngoại, không chịu sự chi phối, can thiệp hay tác động của các yếu tố bên ngoài. Nó cũng thể hiện yêu cầu xây dựng năng lực tự chủ, tự cường trên các lĩnh vực quan trọng, đảm bảo đất nước ổn định và phát triển bình thường trước những biến động hay tác động từ môi trường quốc tế. Tuy vây, tự chủ chiến lược phản ánh hàm ý chính sách gắn với bối cảnh thế giới nhiều bất ổn hiện nay.
Về đối ngoại, tự chủ chiến lược trong bối cảnh quốc tế hiện nay gắn liền với đánh giá, cấu trúc lại các mối quan hệ, liên kết quốc tế hiện có cũng như khả năng tìm kiếm, xây dựng các liên kết, thị trường, đối tác mới nhằm kiến tạo một mạng lưới quan hệ rộng khắp, đa dạng, đa phương, đan xen đa tầng nấc để đảm bảo một thế đối ngoại và hợp tác linh hoạt, vững vàng hơn trước những biến động, bất trắc từ môi trường bên ngoài. Đây cũng là chiến lược quan trọng để Việt Nam tranh thủ tiềm lực bên ngoài cho phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh chủ quyền, và nâng tầm vai trò, vị thế quốc gia trong kỷ nguyên mới. Như vậy, độc lập, tự chủ hay tự chủ chiến lược của Việt Nam sẽ luôn nhất quán với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nhưng thích ứng và điều chỉnh phù hợp trước những vận động của bối cảnh và xu thế quốc tế mới.
Việt Nam trước xu thế tự chủ chiến lược thời gian tới
Trước môi trường quốc tế ngày càng nhiều thách thức và thực tế tự chủ chiến lược đang trở thành một xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới, một số hàm ý định hướng chính sách cho Việt Nam là:
Một là, tiếp tục quán triệt và phát huy ở tầm cao mới, phù hợp với bối cảnh đang thay đổi của đường lối độc lập, tự chủ trên mọi lĩnh vực, phương diện trên cơ sở nghiên cứu sâu hơn nữa về nội hàm, đặc điểm, xu thế vận động của tự chủ chiến lược để có sự thích ứng, điều hướng chính sách phù hợp. Việc gắn đường lối độc lập, tự chủ với bối cảnh vận động của thế giới, trong đó có xu hướng tự chủ chiến lược là cần thiết để bổ sung, hoàn thiện đường lối chiến lược quốc gia trên cơ sở đặc thù, bản sắc riêng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Hai là, tập trung xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia ngày càng vững mạnh, toàn diện, nhất là về kinh tế, khoa học công nghệ, quốc phòng,… nhằm không ngừng nâng cao thế và lực cho đất nước là nền tảng then chốt, vững chắc nhất để bảo đảm thực hiện tự chủ chiến lược trước mọi biến động của thế giới. Cần tận dụng, tranh thủ mọi nguồn lực, mọi điều kiện thuận lợi, cơ hội từ bên ngoài trên cơ sở phát huy tối đa, hiệu quả nội lực để phát triển sức mạnh tổng hợp quốc gia hướng tới thực hiện thành công mục tiêu giàu mạnh, thịnh vượng.
Ba là, tiếp tục chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, hợp tác, liên kết nhằm mục tiêu tự chủ chiến lược. Việc xây dựng, nâng cấp quan hệ với các đối tác không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế, mà còn cần đảm bảo sự đa mục tiêu, tính chất hỗ trợ lẫn nhau giữa các bên vì những lợi ích chung của khu vực và thế giới. Việt Nam không chỉ tăng cường quan hệ với các siêu cường, cường quốc tầm trung mà quan tâm duy trì, thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với tất cả các quốc gia trên thế giới, tiếp tục hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng và ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương.
Bốn là, đồng thuận, thúc đẩy ASEAN đoàn kết, tự cường, tự chủ, tạo cơ sở, cơ chế để Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đóng góp nhiều hơn vào hòa bình, hợp tác khu vực. ASEAN là tổ chức, cơ chế được nhiều cường quốc công nhận, là nơi giúp Việt Nam thể hiện tiếng nói, kết nối với các đối tác bên ngoài. Thúc đẩy ASEAN trung lập, tự cường, tự chủ trong bối cảnh mới chính là cách thức góp phần tạo một nền tảng quan trọng đảm bảo độc lập, tự chủ của Việt Nam. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị ASEAN lấy tự cường, tự chủ chiến lược làm nền tảng để đứng vững trước mọi biến động, vượt qua thử thách; tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm, duy trì độc lập, cân bằng chiến lược và ứng xử có nguyên tắc. Trong bối cảnh thế giới biến động hiện nay, ASEAN sẽ ngày càng trở thành một điểm tựa đối ngoại quan trọng của Việt Nam, và do đó Việt Nam cần tiếp tục đóng vai trò như một thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn vào hòa bình, phát triển của khu vực và đó cũng chính là tạo một nền tảng quan trọng để Việt Nam tự chủ, tự cường trong tình hình quốc tế hiện nay.
Trần Ngọc Dũng