“Lòng dân” thuận thì “thế nước” mạnh
Xây dựng “thế trận lòng dân” đã được xác định rất rõ trong Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược an ninh, Chiến lược đối ngoại..., qua đó đã làm rõ vị trí, tầm quan trọng của “lòng dân” và ”thế trận lòng dân” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Yếu tố "lòng dân" mà cốt lõi là tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, quyết chiến, quyết thắng của nhân dân. Khi lòng dân thuận thì nước mạnh, lòng dân ly tán thì nước yếu nên bài học hàng đầu mà ông cha ta đã đúc kết là: “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc là thượng sách giữ nước”. Đánh giá đúng vai trò vị trí của “lòng dân”, “thế trận lòng dân”, sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, khi nào có “lòng dân”, “thế trận lòng dân” thì mới chuyển hóa chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện để đánh đuổi kẻ thù, giữ yên bờ cõi.
Phát triển quan điểm “lấy dân làm gốc”, Đảng ta chủ trương: Xây dựng “thế trận lòng dân” nhằm tạo cơ sở, nền tảng chính trị - tinh thần, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Xây dựng “thế trận lòng dân” được Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu, là vấn đề hệ trọng rất cấp thiết nhằm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
Cùng với nâng tầm, khẳng định “thế trận lòng dân” là một trong những sức mạnh nội sinh của dân tộc, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa cụm từ “thế trận lòng dân” lên trước “nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”... Đây không đơn thuần là sự sắp xếp cơ học mà đó là sự khẳng định, bổ sung, có sự phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về đường lối quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của “thế trận lòng dân” hiện nay.
Lực lượng cảnh sát biển tặng cờ Tổ quốc, áo phao cho ngư dân tại âu tàu huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Internet.
Có thể nói, “thế trận lòng dân” là loại hình thế trận đặc biệt, không thể hiện ra bằng hình hài cụ thể như thế trận quân sự, quốc phòng, không phải là sự cộng dồn số học đơn thuần mà được thể hiện bằng sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc. “Lòng dân” chỉ được quy tụ, tập hợpkhi xây dựng thành “thế trận lòng dân”, phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay đang tồn tại những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng “thế trận lòng dân” đó là: Thời gian qua, nước ta đã đạt được những thành tựu rất nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, nhờ vậy đời sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ được củng cố; song, trong quản lý, điều hành kinh tế- xã hội vẫn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn khá nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước…
Lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh tuyên truyền cho đồng bào dân tộc Khơ-me về nhiệm vụ bảo vệ đường biên. Ảnh: Internet.
Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đã tác động, gây tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Trong khi đó, những “khoảng trống về thông tin”, “yếu kém về truyền thông” là cơ hội cho các thế lực thù địch, phản động, đối lập lợi dụng và triển khai các hoạt động chống phá, gây nghi ngờ, hoang mang trong đời sống xã hội, làm mất niềm tin trong dân chúng, và thực tế đã dẫn đến không ít người có biểu hiện “nhạt” thậm trí “khủng hoảng” niềm tin. Có người đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường, những tấm gương không quản ngại khó khăn gian khó, họ không bị gục ngã bởi bom đạn, không bị khuất phục bởi sức mạnh của kẻ thù, sự khắc nghiệt của chiến tranh, vậy mà giữa thời bình, họ đã gục ngã bởi “những viên đạn bọc đường”, bởi sự tác động mặt trái cơ chế thị trường, văn hóa ngoại lai và những hình ảnh, biểu tượng của niềm tin bị sụp đổ…
Trước thực trạng đó, cần có những giải pháp hữu hiệu để xây dựng “thế trận lòng dân” góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Trong đó, phải chú trọng đến một số vấn đề cơ bản: (i) Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. (ii) Đẩy mạnh công tác thông tin, không để tình trạng có “khoảng trống về thông tin”, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay. (iii) Thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nghĩa đồng bào làm cơ sở để xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng "thế trận lòng dân" trong bảo vệ Tổ quốc là chủ trương đúng đắn mang tầm chiến lược, rất hệ trọng liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, sự bình yên của nhân dân Việt Nam. Vấn đề xây dựng "thế trận lòng dân" cần được tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện, tổng thể, công phu, nghiêm túc với sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.
Anh Tuấn