Thân dân, an dân, trọng dân, gần dân, biết “khoan thư sức dân”, biết dựa vào dân, biết phát huy sức mạnh nơi dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã trở thành phương sách giữ nước, thành nét đẹp trong văn hóa chính trị Việt Nam. Đồng thời đó còn là truyền thống, chân lý, là cội nguồn sức mạnh của Đảng và cách mạng nước ta. Bài học đó, bài học “dân là gốc” không chỉ đúng trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, mà còn vô cùng ý nghĩa và cấp bách trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
Từ khóa: Thắng lợi, nhân dân, dân chủ, chủ nghĩa xã hội
Vẻ đẹp của nhân dân trong lao động. Ảnh internet
“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội,
Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng”[1]
Đất nước ta, bờ cõi non sông ta, dù là những chiến công lớn nhỏ, dù là hạt bắp, củ khoai, dù là tiếng nói, là ngọn lửa, là tên làng, tên xã, hay gốc rạ bờ tre …thì ở đâu đâu ta cũng thấy bóng hình nhân dân. Vẻ đẹp của nhân dân hiện lên anh dũng, nhưng cũng không kém phần chất phác, hồn hậu. Nhân dân là người đã làm ra đất nước:“…Họ đã làm ra Đất Nước/Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng/Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi/Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân/Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái”[2].
Nhân dân cũng vô cùng gắn bó, gần gũi, thân thuộc, bình dị, đơn sơ mà rất thắm nồng:“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ/Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa/Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa/Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”[3].
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ muôn vàn kính yêu của chúng ta luôn chú trọng về sức mạnh của nhân dân. Theo Người "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thành vô địch"[4]. Dân có thể “chở thuyền”, cũng có thể “làm lật thuyền”. Khi có dân cùng đồng hành, đồng thuận, dân ủng hộ, dân cùng “liệu” thì việc dù có khó đến mấy cũng sẽ xong xuôi. Dân được xem là gốc của nước, để từ “gốc” đó xây dựng nên những thắng lợi, ấm no, phồn thịnh, thái bình: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.
Trong nghiên cứu lý luận cũng như thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi trọng nhân dân, coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Nhờ đó, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong công cuộc đổi mới gần 40 năm qua, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn và rất đáng tự hào, nâng cao vị thế, uy tín, cơ đồ, tiềm lực đất nước. Những thành công đó chỉ có được khi nhân dân đồng thuận, đồng sức đồng lòng, dân thực sự “là chủ” và “làm chủ”.
Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có một số điểm mới về dân chủ như: Đã bổ sung thêm nội dung, phương châm thực hiện dân chủ, (thêm”Dân giám sát, dân thụ hưởng”) để phương châm mới lần này là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Văn kiện cũng tiếp tục cụ thể hoá, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ, theo tinh thần Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm một nguyên tắc hết sức quan trọng là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Văn kiện XIII cũng xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ. Đặc biệt, Văn kiện khẳng định: “Vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, nêu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là nền tảng chính trị, pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, và “Cấp ủy, tổ chức Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội” trong thực hành dân chủ, trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Dân chủ, tất yếu cũng phải đi cùng với kỷ luật, kỷ cương:“Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã trở thành một nội dung rất quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy cần tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân. Phát huy sức mạnh nhân dân còn thể hiện ở nội dung: động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế, góp phần quản lý xã hội thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hoạt động tự quản cộng đồng. Nhân dân tham gia xây dựng, quản lý và thụ hưởng văn hoá…
Ngoài phát huy dân chủ trong xã hội thì dân chủ trong Đảng phải đóng vai trò là trung tâm, là hạt nhân. Đảng phải gắn bó với nhân dân, tạo sự thống nhất giữa “Ý Đảng” và “Lòng dân”;“Lòng dân” và “Ý Đảng”. Trong quan hệ với nhân dân, phải “Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[5] .
Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, đến năm 2030, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Và để hiện thực hóa được khát vọng đó, tạo dựng thêm được những thành quả mới, xây dựng thêm được những “lầu thắng lợi” mới, “phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn”, thì bài học “dân là gốc, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân vẫn là luôn bài học căn cốt, nằm lòng trong quản trị quốc gia, nhất là trong tình hình mới với nhiều thời cơ và thách thức đan xen.
[1] Trích “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, Nguyễn Khoa Điềm
[2] Trích “Đất nước”, Nguyễn Khoa Điềm
[3] Trích “Tiếng hát con tàu”, Chế Lan Viên
[4] Chủ tịch Hồ Chí Minh ,“Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2 Trường Đại học nhân dân Việt Nam”, ngày 8-12-1956
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, T.I, H 2021,tr.97.
Nhâm Hồ