Kết quả công tác giảm nghèo thời gian qua
Huyện Mù Cang Chải có 13 xã và 01 thị trấn, trong đó 13 xã đều thuộc diện xã đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, giảm nghèo bền vững tại huyện Mù Cang Chải được Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện luôn quan tâm và chú trọng coi là một chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Huyện tập trung huy động, lồng ghép mọi nguồn lực để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững theo lộ trình hằng năm và cả giai đoạn. Ưu tiên nguồn lực cho các xã nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, gắn mục tiêu giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn lực từ ngân sách, huyện đã huy động thêm các nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể để các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội cơ bản. Giai đoạn 2016-2021, toàn huyện đã huy động hơn 2.783 tỷ đồng đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững.
Ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề đối với các lao động tại khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Số lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là 1.897 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 39,7%, trong đó có nhiều lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, giai đoạn 2017-2021, huyện đã có 1.945 lao động được hỗ trợ giải quyết việc làm trong và ngoài nước. Huyện đã tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đã hình thành nhiều vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tập trung như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao trên 550 ha, vùng ngô 4.200 ha, Sơn Tra trên 4.908 ha, đàn trâu bò trên 22.600 con, diện tích nuôi thủy sản trên 14,4 ha và 22 lồng cá, qua đó góp phần mở rộng sinh kế, tạo thu nhập bền vững cho người nghèo trong huyện.
Đồng bào Mông ở Mù Cang Chải tập trung phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, góp phần tạo thu nhập ổn định và xoá đói giảm nghèo bền vững.
(Nguồn: Báo Yên Bái online)
Với những biện pháp phù hợp, số lượng hộ nghèo từng năm đã giảm đi rõ rệt, nâng dần mức sống. Từ năm 2017 đến năm 2020, số lượng hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể (hộ nghèo từ 6,649 hộ năm 2017 xuống còn 3,967 hộ năm 2020, trung bình mỗi năm giảm khoảng 127 hộ (giảm 6,8%/năm); năm 2021 do áp dụng chuẩn nghèo theo giai đoạn 2021-2025 nên số lượng hộ nghèo có xu hướng tăng gấp đôi so với năm 2020. Tuy nhiên, năm 2022, số hộ nghèo theo chuẩn mới đã giảm xuống còn 6.344 hộ nghèo, chiếm 48,28% trên tổng số hộ dân toàn huyện. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2021 đạt 26,4 triệu đồng/người/năm, tăng 13,1 triệu đồng so với năm 2015. Toàn huyện đạt 75% bản, tổ có đường giao thông được bê tông hóa; 64,28% số xã trên địa bàn huyện đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 100% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 96% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, bản được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia; xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng...
Để giảm nghèo bền vững ở Mù Cang Chải
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền nhằm huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo; tiếp tục thực hiện chính sách tăng cường, luân chuyển cán bộ cho các xã nghèo. Từng bước nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện của đội ngũ cán bộ cấp xã, đảm bảo thực hiện hiệu quả các chương trình dự án về giảm nghèo tại cơ sở thôn, xã.
Hai là, nâng cao ý thực tự lực, tự cường, năng lực sản xuất kinh doanh cho người lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Cần đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình giảm nghèo; tổ chức đào tạo nghề, hướng nghiệp cho các người nghèo tiếp cận, tham gia quá trình sản xuất kinh tế; hỗ trợ đối thoại thường xuyên cấp uỷ, chính quyền đối với nhân dân để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, kịp thời hỗ trợ và giúp đỡ.
Một mô hình hội viên nông dân huyện Mù Cang Chải nuôi dê, từng bước thoát nghèo
(Nguồn: Báo Yên Bái online)
Ba là, tăng cường nguồn lực và khả năng tiếp cận nguồn lực sinh kế cho hộ nghèo. Thực hiện cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua dự án (kế hoạch) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dựa trên quy hoạch sản xuất của địa phương. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề, khuyến khích các doanh nghiệp tại huyện sử dụng và đào tạo nguồn lao động là con em trong huyện; tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật cho đào tạo nghề. Tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ giống cây, con chất lượng cao; giúp người dân, nhất là người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện cải thiện năng suất, nâng cao thu thập, có thêm việc làm. Tập trung hình thành và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, liên kết sản xuất, chế biến, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật theo quy mô nhóm hộ, tổ đội, hợp tác xã gắn với doanh nghiệp, với thị trường tiêu thụ; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các mô hình khởi nghiệp trong huyện.
Bốn là, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu các xã nghèo, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện giao thương hàng hóa, kết nối thị trường, thuận lợi cho đời sống sinh hoạt, phục vụ phát triển sản xuất, kinh tế xã hội. Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất của địa phương.
Năm là, hiện đại hóa hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức và thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững như: xây dựng phần mềm quản lý việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, tích hợp các thông tin, xây dựng kế hoạch, báo cáo trong phần mềm quản lý; xây dựng phần mềm quản lý các mô hình phát triển kinh tế, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cơ hội việc làm...; xây dựng phần mềm về mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản có thể sử dụng trên điện thoại...
Hải Yến