Ngày 13/9/2007, Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 61/295 về “Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về Quyền của các dân tộc bản địa” gồm có 46 điều. Tuyên ngôn là công cụ quốc tế toàn diện nhất về các quyền cơ bản của những người dân bản địa. “Nó thiết lập một khuôn khổ toàn cầu các tiêu chuẩn tối cần thiết cho sự sống còn, nhân phẩm và hạnh phúc của các dân tộc bản địa”.
Lợi dụng việc này, thời gian gần đây, các tổ chức phản động ở nước ngoài đã liên kết, tập hợp với nhau đấu tranh đòi Chính phủ Việt Nam công nhận các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên là “dân tộc bản địa”. Từ đó, các thế lực phản động đưa ra các yêu sách đòi Chính phủ Việt Nam phải thực hiện các quyền của các dân tộc bản địa và thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các diễn đàn, trang tin điện tử là “Chính quyền Việt Nam không thực thi các quyền của dân tộc bản địa” theo đúng cam kết đã ký trong “Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về Quyền của các dân tộc bản địa”. Có thể nhận thấy, đây là luận điệu hoàn toàn bịa đặt, vu khống, không đúng với tình hình thực tế nước ta. Việc đề nghị không công nhận các dân tộc Gia Rai, Ba Na, Ê Đê… là dân tộc thiểu số, đòi được công nhận là người “dân tộc bản địa” là để vận dụng các điều khoản trong Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc bản địa nhằmthực hiệnmưu đồ chia cắt lãnh thổ Việt Nam, làm phức tạp tình hình chính trị, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai trao đổi với đồng bào dân tộc về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Ảnh: Internet.
“Dân tộc bản địa” là một khái niệm chính trị - dân tộc phức tạp, xuất phát từ vấn đề thực dân - thuộc địa, chỉ mối quan hệ giữa “người bản xứ”, có thể là một tộc người, có thể là nhiều tộc người, vốn là một cộng đồng quốc gia ổn định về lãnh thổ, kinh tế, văn hóa, với những người “thực dân” đến xâm chiếm và áp đặt quyền cai trị đối với những người bản xứ. Từ cuối thế kỷ XX, chủ nghĩa thực dân cơ bản đã sụp đổ do phong trào giải phóng dân tộc, các nước và các dân tộc thuộc địa trên thế giới đã được trao trả độc lập theo “Tuyên bố về việc trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa, 1960”, được thông qua theo “Nghị quyết số 1514 (XV) ngày 1/4/1960 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc”. Tuy nhiên, những tàn dư của chủ nghĩa thực dân ở các nước và các dân tộc trên vẫn còn cản trở sự phát triển, tự do của những người bản xứ, do đó ngày 13 tháng 9 năm 2007, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 61/295 về “Tuyên ngôn của Liên hiệp quốc về quyền của các dân tộc bản địa” (United Nations Declaration on the Rights of Indigenous Peoples).
Trong bản Tuyên ngôn, thuật ngữ “peoples” ở dạng số nhiều được sử dụng để chỉ nhân dân, người dân, hay dân tộc - quốc gia thay vì sử dụng thuật ngữ “ethnic groups” - dân tộc hay tộc người. Do đó, theo nghĩa trên, hiện nay ở Việt Nam không có “dân tộc bản địa”. Tuy nhiên, các thế lực thù địch cố tình đánh tráo khái niệm tuyên truyền cho rằng các dân tộc - tộc người có quyền tự quyết theo Điều 3, Điều 4 và Điều 5 của Tuyên ngôn hòng mưu đồ mưu đồ chia rẽ, ly khai dân tộc. Bởi ngay trong điều 46 của Tuyên ngôn này cũng đã khẳng định rõ: “Không có gì trong Tuyên ngôn này có thể bị hiểu theo nghĩa ngầm cho phép bất kỳ quốc gia, dân tộc, nhóm hoặc cá nhân có quyền tham gia hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào trái với Hiến chương Liên hợp quốc hay được hiểu theo nghĩa cho phép hoặc khuyến khích bất kỳ hành động có thể tách rời hoặc xâm phạm toàn bộ hoặc một phần toàn vẹn về lãnh thổ hay thống nhất về chính trị của các quốc gia độc lập và có chủ quyền”.
Tây Nguyên của Việt Nam bao gồm 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, với tổng diện tích 54,477 km2, chiếm gần 17% diện tích cả nước. Theo kết quả điều tra dân số năm 2019 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có 5.842.681 người, chiếm 6,1% dân số cả nước[1]. Đây là địa bàn “giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đấtnước”[2].
Trong những năm qua, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên nói riêng luôn được bảo đảm, đời sống đồng bào từng bước đã được cải thiện. Trước hành động lợi dụng “Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về Quyền của các dân tộc bản địa” của các thế lực thù địch, chúng ta cần tập trung thực hiện các đồng bộ nhiều giải pháp nhằm vận động đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nhận rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên hiểu rõ và nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đây là giải pháp cơ bản nhằm làm cho nhân dân thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động trong việc lợi dụng vấn đề dân tộc hòng kích động mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền các cấp, phủ nhận đường lối đổi mới của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 giúp đồng bào bản Plei Heg (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) chuyển nhà. Ảnh: Internet.
Hai là, tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong quản lý nhà nước về tôn giáo, tránh sự chồng chéo trong thực tiễn điều hành. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo phải trên cơ sở phân công rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương, giữa cấp uỷ lãnh đạo với quản lý, điều hành của chính quyền, các ngành có liên quan và vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội từ công tác, tuyên truyền vận động quần chúng, định hướng hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội đến giải quyết các khiếu kiện liên quan.
Ba là, chú trọng công tác vận động đồng bào các dân tộc xây dựng và củng cố phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tây Nguyên là địa bàncó một bộ phần đồng bào còn lạc hậu, trình độ văn hóa - xã hội còn thấp, kinh tế khó khăn lại bị ràng buộc bởi các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục truyền thống, do đó có nhiều đối tượng phản động lợi dụng vấn đề này để chống phá. Đặc biệt, sự hiểu biết về cách mạng của một bộ phận đồng bào còn hạn chế, trong khi đó quần chúng lại bị FULRO, “Tin Lành Đêga” lừa bịp, lôi kéo, khống chế, lợi dụng trong một thời gian dài. Chính vì vậy, việc giáo dục cho quần chúng hiểu rõ kẻ thù của cách mạng, hiểu rõ bản chất chính trị phản động của các đối tượng chống phá, phân biệt được những người lầm đường lạc lối với đối tượng cầm đầu chỉ huy là một việc làm lâu dài và phức tạp, đòi hỏi phải có sự quyết tâm và kiên trì.
Bốn là, thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Quyết định số 72 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng dân tộc thiểu số; thực hiện có kết quả Nghị quyết 30a về hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với hộ nghèo; thực hiện tốt hơn nữa Quyết định 167 của Chính phủ hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và các chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án, chương trình mục tiêu trọng điểm, cấp thiết của các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên.
Văn Nam Thắng