Từ khi được thành lập (tháng 2 năm 1930) đến tháng 4 năm 1931, Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn là một phân bộ của Đảng cộng sản Pháp ở thuộc địa. Nhờ có đường lối lãnh đạo đúng đắn ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Đông Dương đã phát động được cao trào cách mạng 1930-1931 gây tiếng vang lớn trên thế giới, uy tín của Đảng ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Do đó, Hội nghị toàn thể lần thứ 11 của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, trong phiên họp thứ 25, ngày 11-4-1931, đã quyết định công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một chi bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản và sẽ đưa ra thông qua tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản.
Sự kiện trên đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đồng thời có tác dụng động viên cổ vũ toàn Đảng toàn dân ta trên con đường đấu tranh cách mạng.
Ngày 5-8-1935, Đại hội lần thứ VII Quốc tế cộng sản ra Nghị quyết kết nạp vào Quốc tế Cộng sản một số Đảng cộng sản, trong đó có Đảng cộng sản Đông Dương. Từ đây, Đảng cộng sản Đông Dương chính thức là phân bộ của Quốc tế cộng sản.
Để người đọc có một cái nhìn đầy đủ, toàn diện về vai trò của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam, chúng tôi tổng hợp sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản trên các phương diện sau:
Quốc tế Cộng sản do V.I.Lênin sáng lập và lãnh đạo, trong suốt thời gian tồn tại (1919-1943) là một tổ chức quốc tế cách mạng rộng lớn nhất, là một Đảng Cộng sản thế giới. Gắn liền với Quốc tế Cộng sản là cả một quá trình lịch sử hình thành, phát triển và củng cố phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Quốc tế Cộng sản đã xác định nội dung, tính chất, động lực, phương hướng và tiền đề của phong trào giải phóng dân tộc trong thời đại mới phù hợp với qui luật phát triển khách quan của lịch sử. Phân tích đặc điểm xã hội các nước Phương Đông, Quốc tế Cộng sản chỉ rõ các nước đó tất yếu phải trải qua cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới (cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân)và từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Đối với cách mạng Việt Nam, Quốc tế Cộng sản có ảnh hưởng và đóng góp vô cùng quan trọng, đúng như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết từ năm 1927: "An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ Tam quốc tế".
Quốc tế Cộng sản giúp truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho Nguyễn Ái Quốc
Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Pháp. Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đề nghị Đảng Cộng sản Pháp cử Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Ngày 30-6-1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô. Ở Liên Xô, hoạt động trong môi trường của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã có điều kiện thuận lợi để nghiên cứu lý luận, đường lối cách mạng, đặt mối quan hệ giữa Quốc tế Cộng sản, các Đảng Cộng sản với cách mạng Việt Nam.
Khi Quảng Châu trở thành trung tâm cách mạng ở Trung Quốc, Quốc tế Cộng sản lại tạo điều kiện để Nguyễn Ái Quốc về đây làm phiên dịch cho phái đoàn của M.M.Bôrođin - cố vấn của Quốc tế Cộng sản cho Chính phủ Tôn Trung Sơn. Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức các lớp học cho những người cách mạng Việt Nam và thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng.
Thời gian Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Hồng Công bắt giam, Quốc tế Cộng sản đã kịch liệt lên án những hành động đê hèn của đế quốc và tìm mọi cách cứu lãnh tụ cách mạng Việt Nam ra khỏi nhà tù đế quốc.
Những lần sống ở Liên Xô (1923-1924, 1927, 1934-1938), Quốc tế Cộng sản đã tạo điều kiện để Nguyễn Ái Quốc học tập, giúp đỡ, đào tạo những người cách mạng Việt Nam đang sống và học tập tại đây. Quốc tế Cộng sản đã thành lập các trung tâm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin. Trung tâm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin ở Vlađivôstốc có nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Thượng Hải, Sài Gòn, Singapore. Đồng thời, Quốc tế Cộng sản chỉ thị cho các Đảng Cộng sản như Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Đức, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc dịch, in ấn và chuyển các tài liệu, sách báo mácxít về Việt Nam. Ngoài ra, Quốc tế Cộng sản còn thiết lập các đường dây liên lạc, các trạm giao thông từ Pháp về Việt Nam; từ Hồng Kông, Thượng Hải về Việt Nam để vận chuyển thư từ, tài liệu, sách báo. Vì vậy, sách báo mácxít đã được chuyển về Việt Nam nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin ở nước ta.
Quốc tế Cộng sản giúp cách mạng Việt Nam đào tạo cán bộ
Tại Đại hội V của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đề nghị Đảng Cộng sản Pháp gửi những người bản xứ vào học ở Trường đại học Phương Đông. Từ đó, người Việt Nam sang Liên Xô học tập ở các trường của Quốc tế Cộng sản theo hai con đường: từ Pháp và Trung Quốc (từ Pháp là chủ yếu). Ti Pháp, bà A.L.Radumụva- phỏi viên của Quốc tế Cộng sản cùng với Đảng Cộng sản Pháp tuyển chọn sinh viên người Đông Dương gửi sang Liên Xô học tập. Ở Trung Quốc, được Đảng Cộng sản Trung Quốc tạo điều kiện, Nguyễn Ái Quốc cùng với M.M.Bôrôđin lựa chọn và gửi người sang Liên Xô học tập.
Người Việt Nam theo học ở 3 trường của Quốc tế Cộng sản là:
- Trường đại học cộng sản của Những người lao động phương Đông (gọi tắt là Trường đại học Phương Đông).
- Trường quốc tế Lênin
- Viện nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Trong thời gian từ năm 1925 đến cuối những năm 30 thế kỷ XX, có hơn 60 người Việt Nam được Quốc tế Cộng sản đào tạo.
Quốc tế Cộng sản ủng hộ cách mạng Việt Nam về tinh thần
Ngay sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam phát động cao trào cách mạng 1930-1931. Sau đó, phong trào bị thất bại. Đế quốc Pháp thực hiện khủng bố trắng. Quốc tế Cộng sản đã đánh giá cao vai trò của Đảng Cộng sản Đông Dương, ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân ta và phát động trong giai cấp công nhân, nhân dân lao động toàn thế giới một phong trào ủng hộ cách mạng Việt Nam. Tình đoàn kết quốc tế với những người cách mạng Việt Nam do Quốc tế Cộng sản phát động đã được hưởng ứng mạnh mẽ. Khắp nơi trên thế giới (Liên Xô, Pháp...) đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, mít tinh lên án tội ác của đế quốc Pháp, đòi trả tự do cho những người cách mạng. Các tổ chức quần chúng dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản, các Đảng Cộng sản - các phân bộ của Quốc tế Cộng sản đã không dừng lại ở sự ủng hộ về tinh thần, mà tuỳ điều kiện cụ thể, đã tiến hành những hoạt động thắm đượm tình quốc tế vô sản, tình hữu ái giai cấp đối với cách mạng Việt Nam.
Quốc tế cộng sản chỉ đạo cách mạng Việt Nam về đường lối, xây dựng tổ chức
Không chỉ ủng hộ về tinh thần, Quốc tế Cộng sản đã kịp thời đề ra những biện pháp cấp bách, thiết thực nhằm giúp đỡ cách mạng Việt Nam vượt qua những năm tháng khó khăn, đen tối. Ngay sau khi thành lập, Đảng phát động cao trào cách mạng và đề ra những nhiệm vụ của những người cộng sản trong thời gian tới như: củng cố tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng, kết hợp phong trào đấu tranh của công nhân với phong trào của nông dân, khôi phục phong trào để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc.
Quốc tế Cộng sản đã điều động các sinh viên tốt nghiệp về nước hoạt động cách mạng, chỉ thị thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài - một tổ chức đặc biệt của Đảng ta trong thời kỳ thoái trào cách mạng. Nhờ hoạt động năng động của Ban Chỉ huy ở ngoài dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản mà phong trào nước ta nhanh chóng được khôi phục.
Giúp đỡ về vật chất
Cùng với sự ủng hộ về tinh thần, chỉ đạo về đường lối, Quốc tế Cộng sản còn chú ý giúp đỡ Đảng Cộng sản Việt Nam về vật chất, phương tiện hoạt động. Trong vụ án Hồng Kông, Quốc tế Cộng sản đã bí mật cung cấp chi phí để Luật sư Lôdơby có thêm điều kiện bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc. Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng cũng được Quốc tế Cộng sản tài trợ về kinh phí. Việc đi lại của những người cách mạng, sinh viên về nước đều được Quốc tế Cộng sản chuẩn bị, chu cấp. Ngân sách hoạt động của Ban Chỉ huy ở ngoài những năm 1934- 1935 chủ yếu do Quốc tế Cộng sản cung cấp.
Bình Nguyễn