Một số nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng của đồng bào Chăm
* Nghề dệt thổ cẩm: Tương truyền, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm đã có từ lâu đời và có lịch sử hình thành sớm nhất trong tất các nghề truyền thống của người Chăm còn sót lại đến hiện nay. Khung dệt dài chỉ có ở người Chăm, dệt ra những sản phẩm khổ hẹp dùng trong các dịp lễ và hoạt động tôn giáo. Hoa văn, màu sắc của thổ cẩm Chăm thể hiện bản sắc văn hóa tộc người rõ rệt. Nếu muốn sợi có màu lục thì nhuộm với cây tràm, màu đỏ nhuộm với lá trâm trầu, màu đen từ cây buông, màu vàng từ cây trừng… đó là nghệ thuật dân gian độc đáo với óc thẩm mỹ riêng biệt, tư duy đơn giản mà khúc chiết, giàu có, liên quan đến tín ngưỡng dân gian và dấu ấn tôn giáo của người Chăm.
Nghề dệt thổ cẩm của làng Chăm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) tương truyền được hình thành từ khoảng thế kỷ VI. Tổ nghề khai sáng chính là Po Yang Inư Nagar (mẹ xứ sở), là nữ thần lớn của vương quốc Chăm Pa. Thần còn có tên nữa là Muk Juk (người Việt gọi là Bà Đen), người Chăm gọi là Patao Kumay (vua của đàn bà) hoặc Stri Ratjnhi (chúa của phụ nữ).
Trải qua bao năm tháng lịch sử, đến nay, nghề dệt vẫn được hậu duệ đời sau ở làng lưu truyền, gìn giữ và phát huy mạnh mẽ. Năm 2017, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận đã kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là một điều có ý nghĩa quan trọng trong việc khích lệ tinh thần để sáng tạo ra nhiều sản phẩm đẹp, bền phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng.
Dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở làng nghề Mỹ Nghiệp
(Ảnh: internet)
Nghề dệt thổ cẩm ở xã Phan Hòa và xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận còn giữ được nhiều nét truyền thống. Sản phẩm dệt là túi xách, ví, khăn, dây thắt lưng, thích hợp với nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng hiện đại và du khách. Hiện nay, làng dệt thổ cẩm xã Phan Hòa vẫn còn sử dụng những chiếc khung dệt cổ truyền bằng gỗ gõ và gỗ trắc cùng với các giàn cán bông, cung bắn bông, xa quay sợi… được chế tạo từ cách đây hàng trăm năm.
Thổ cẩm xã Châu Phong do người Chăm ở ấp Châu Giang và ấp Phũm Soài (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) dệt nên theo phong cách của người Malaysia. Các cô gái Chăm ở đây đã dệt xà rông hoa, tơ thổ cẩm, áo thổ cẩm, bóp, khăn thêu, hộp đựng nữ trang... cả những sản phẩm đẹp và sang trọng như icat (khăn làm của hồi môn khi lấy chồng), những tấm khăn, khúc vải óng ánh sắc màu.
Các làng dệt thổ cẩm ở Châu Phong ẩn chứa nét văn hóa độc đáo của người Chăm nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung. Trong các sản phẩm dệt ở Châu Giang, bất cứ ai cũng thấy và cảm nhận những nét văn hóa đặc sắc của người Chăm, được thể hiện rõ nét và hết sức tinh tế khéo léo. Trong số hơn một nửa người dân ở Phũm Soài sống bằng nghề dệt, có rất nhiều thợ dệt đã trở thành nghệ nhân ở độ tuổi còn khá trẻ, chỉ trên 30 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề.
* Làng gốm Bàu Trúc: Làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Ngôi làng này là một trong số những ngôi làng cổ nhất ở Đông Nam Á, đồng thời là làng duy nhất làm gốm hoàn toàn bằng tay. Cùng với làng dệt Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc nằm trong chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của người Chăm, trở thành điểm du lịch nổi tiếng.
Làng gốm Chăm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ gia đình. Trong đó có trên 80% hộ gia đình vẫn tiếp tục theo nghề gốm. Ngay giữa trung tâm làng gốm là khu vực trưng bày với rất nhiều chủng loại khác nhau từ bình hoa, ấm nước cho đến nồi niêu, chum vại,... Đặc biệt ở đây có những tháp tượng mô phỏng vũ nữ Apsara độc đáo. Hoa văn trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc mang đậm nét văn hóa Chăm Pa như là những hình sông nước, chấm vỏ sò, hoa văn móng tay,... Gốm Bàu Trúc có màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám xen lẫn những vệt nâu đặc trưng, có tính “độc bản”.
* Làng gốm Bình Đức: Nằm tại thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, thuộc huyện Bắc Bình (Bình Thuận), các nghệ nhân làm gốm theo phương pháp cổ truyền có từ hàng trăm năm trước; từ công đoạn nhào đất, tạo hình sản phẩm và nung. Cách nung gốm cũng rất khác biệt so với các nơi khác. Lò nung chỉ là một khoảng sân rộng và chất đốt là củi từ cành cây khô, rơm rạ, lá dừa khô... Sản phẩm sau khi được tạo hình sẽ được xếp gọn trên khoảnh sân, phủ rơm rạ, lá dừa khô lên trên rồi đốt, lửa tàn thì gốm cũng vừa “chín”. Ngay khi gốm còn nóng, các nghệ nhân bắt đầu công đoạn trang trí bằng nước màu được chế từ trái thị. Đơn giản và bình dị, nhưng sản phẩm của làng gốm khá nổi tiếng, một phần do những nét vẽ mềm mại, khéo léo được người nghệ nhân tỉ mẩn chăm chút cho từng sản phẩm như một đứa con tinh thần quý giá. Làng gốm Bình Đức còn khoảng 40 hộ làm nghề, thời gian tới sẽ được phát triển thêm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và du khách.
Công đoạn nung gốm ở làng gốm Bình Đức
(Ảnh: internet)
Để nghề và làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm trở thành một phần của "sức mạnh nội sinh"
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”[1]. Nghề và làng nghề truyền thống có vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Chăm. Việc khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống cho họ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng dân cư và cho đồng bào các dân tộc tại các địa phương có đồng bào Chăm sinh sống.
Muốn phát triển bền vững nghề và các làng nghề truyền thống của người Chăm, không chỉ duy trì nguyên liệu tự nhiên, cải tiến công nghệ mà còn phải chú ý đến nhu cầu xã hội. Mẫu mã, chủng loại sản phẩm của làng nghề thủ công truyền thống cần được thay đổi theo hướng mỹ nghệ; gắn kết giữa các giá trị văn hóa truyền thống với mỹ nghệ sẽ hấp dẫn đối với khách hàng trong và ngoài nước. Sản phẩm càng đa dạng, phong phú, càng thu hút người mua, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng được thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống phải hướng tới ba mục tiêu: phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và củng cố, xây dựng, phát triển cộng đồng. Vì vậy, cần kết hợp du lịch làng nghề với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch về cội nguồn, du lịch nông nghiệp.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.216
Hồng Hiếu