Sóc Trăng là tỉnh đông đồng bào dân tộc sinh sống, chiếm 35,45% dân số của tỉnh [1]. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm và bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền của người dân tộc thiểu số, tạo mọi điều kiện để người dân tộc thiểu số tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trên lĩnh vực kinh tế, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, nguồn vốn thực hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2024 đạt 1.030,878 tỷ đồng. Đến ngày 31/03/2024, đã triển khai hỗ trợ đất ở cho 249 hộ, nhà ở cho 1.923 hộ, chuyển đổi nghề cho 4.607 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 958 hộ; xây dựng 04 công trình nước tập trung với 1.536 hộ thụ hưởng; triển khai trên 67 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng; xây dựng 171 công trình; duy tu bảo dưỡng trên 50 công trình cơ sở hạ tầng, trường học... [2]
Nhiều con đường nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng được nâng cấp (Ảnh: Hải Hà)
(Nguồn: dangcongsan.vn)
Song song với đó, giai đoạn 2019-2024 toàn tỉnh có thêm 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 03 huyện/thị xã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Lũy kế đến nay đã có 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 34 xã là vùng đồng bào DTTS), 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (05 xã là vùng DTTS), 02 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (01 xã là vùng đồng bào DTTS) và 03/10 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (Huyện Mỹ Xuyên, thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu) [3]. Bộ mặt nông thôn ở các xã vùng đồng bào DTTS đã có những khởi sắc, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS được hưởng thụ văn hóa, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt hơn. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh giảm mạnh số hộ nghèo, còn 4.116 hộ [4].
Thanh niên Trần Sáng, dân tộc Khmer, ấp Tú Điền, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vay vốn chương trình giải quyết việc làm để đầu tư nuôi lợn rừng, cải tạo vườn trồng cây ăn quả, rau màu cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt – TTXVN
(Nguồn: dantocmiennui.vn)
Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ người DTTS tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở ngày càng tăng. Năm 2023, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh Sóc Trăng chiếm 28,2%, tăng 5,5% so với năm 2016 [5]. Đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025, có 402 cấp ủy viên là người DTTS, đạt 11,78% (tăng 0,32% so nhiệm kỳ trước). Đại hội đảng bộ cấp huyện nhiệm kỳ 2020-2025, có 50 cấp ủy viên là người DTTS đạt 9,78% (tăng 1,35% so nhiệm kỳ trước). Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025, có 10 cấp ủy viên là người DTTS, đạt 19,61% (tăng 8,29% so với nhiệm kỳ trước), trong đó có 03 đồng chí là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy. Có 600 đại biểu DTTS tham gia Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 [6].
Trong công tác an sinh xã hội, từ năm 2019 đến năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 14.826 căn nhà cho hộ nghèo (trong đó có 6.184 hộ DTTS). Đã đào tạo nghề cho 24.835 lao động người DTTS; giải quyết việc làm cho 42.438 lao động người DTTS; giới thiệu và cung ứng xuất khẩu lao động cho 141 lao động người DTTS [7]. Đặc biệt, trước tác động của dịch Covid-19, tỉnh đã hỗ trợ ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh tế cho 25.760 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, 241.012 người lao động, kinh phí thực hiện trên 452,2 tỷ đồng [8].
Gia đình anh Kiêm Thanh Sang, dân tộc Khmer, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vay vốn chương trình hộ cận nghèo để đầu tư làm nghề nhôm dân dụng, gia đình có việc làm và thu hút 8 lao động trong xã. Ảnh: Trần Việt – TTXVN
(Nguồn: dantocmiennui.vn)
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế dự phòng được chú trọng. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 91,7% Trạm Y tế có bác sĩ; 775 khóm, ấp có cán bộ y tế, bình quân có 9,08 bác sĩ/10.000 dân; có 32,7 giường bệnh/10.000 dân [9], thực hiện tốt việc cấp phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Cấp ủy, chính quyền các cấp rất quan tâm đến công tác phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ học vấn cho con em đồng bào DTTS. Hiện có 11/11 huyện đạt mức độ 2 (tỉnh đạt mức độ 2) về xóa mù chữ; 11/11 huyện đạt mức độ 3 về phổ cập giáo dục tiểu học (tỉnh đạt mức độ 3); 05/09 huyện đạt mức độ 3 về phổ cập giáo dục trung học cơ sở (tỉnh đạt mức độ 2) [10]. Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Hiện có 05/10 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú vùng DTTS đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 50% [11].
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS đạt được kết quả rõ nét hơn. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ chào mừng các ngày lễ, tết, kỷ niệm được tổ chức bảo đảm an toàn, phù hợp; phát huy tốt các lễ hội truyền thống dân tộc, nhất là Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer. Các hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền bằng ngôn ngữ dân tộc được duy trì, bảo tồn và phát huy. Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng duy trì phát sóng tiếng dân tộc mỗi ngày hai buổi, mỗi buổi 30 phút; thực hiện “Kênh Truyền hình dành cho đồng bào dân tộc” (STV2), 420 phút/ngày.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tốc độ phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS còn chậm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương; kết quả công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào thiểu số từng lúc vẫn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp...
Để thực hiện có hiệu quả hơn công tác bảo đảm và bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, tỉnh cần hoàn thiện hệ thống chính sách, bảo đảm tính thống nhất và khả thi. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp về chính sách đảm bảo thông tin cơ bản cho người dân tộc thiểu số. Tăng thời gian phát thanh bằng tiếng dân tộc tại các đài phát thanh địa phương. Đổi mới chính sách đào tạo nghề cho lao động DTTS. Có những chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, tạo thêm nhiều việc làm mới cho đồng bào. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách nhằm hướng đến việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở địa phương.
Tài liệu tham khảo
[1]. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng (2024), Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng khóa IX, trình Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
[2], [4]. Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2024), Báo cáo Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
[3]. Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2024), báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025.
[5], [6], ThS Đinh Hoài Phúc - ThS Phạm Phương Thể (2023), Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng ngang tầm nhiệm vụ, Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp tỉnh Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang.
[7], [8]. Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2023), Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.
[9], [10], [11]. Ủy Ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2024), Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV năm 2024.
Đinh Hoài Phúc - Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng