Nằm ở khu vực Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh, đây cũng là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc, tạo nên bức tranh đa màu sắc về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội,... Vì vậy, du lịch được xác định là ngành kinh tế động lực của tỉnh, trên cơ sở phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch và đạt được một số kết quả tích cực. Sản phẩm du lịch tham quan những cao nguyên, thung lũng cùng với những dòng suối, thác và trải nghiệm không gian sống của người dân bản địa là một sản phẩm rất đặc thù, được khai thác khá thành công. Những điểm đến du lịch ấy đã giúp cho du khách có được những khám phá tươi mới về vùng đất trù phú, thiên nhiên ưu đãi, người dân hiền hòa, thanh lịch, mến khách.
Cùng với đó, những phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh như: nghi thức cúng lúa rẫy của người Mạ ở Lộc Bắc, Lễ đưa lúa về kho của dân tộc K’Ho ở Lâm Hà; lễ cưới của người K’Ho tại thôn Măng Line, Phường 7, Đà Lạt... và những lễ hội hiện đại như lễ hội hoa Đà Lạt, lễ hội văn hóa trà đã thu hút đông đảo du khách thập phương.
Nghề dệt thổ cẩm ở Lạc Dương
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)
Tuy nhiên, công tác quy hoạch phát triển du lịch chưa được đầu tư đúng mức, công tác xúc tiến du lịch đối với nhiều giá trị văn hóa chưa được quan tâm; hệ thống các công trình kiến trúc công cộng, chùa chiền, các lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực chưa được khai thác hiệu quả; các điểm biểu diễn chuyên nghiệp, các chương trình nghệ thuật phục vụ du khách còn bị hạn chế về số vốn đầu tư... làm mất đi rất nhiều lợi thế cạnh tranh của ngành du lịch.
Thời gian tới, để phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, tỉnh Lâm Đồng cần thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Trước hết, phải bảo tồn giá trị của di sản văn hóa; tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học để tìm ra giá trị của các di sản, khám phá sự đặc sắc, độc đáo tiềm ẩn của di sản phục vụ phát triển du lịch. Người dân phải trở thành trung tâm trong xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch; nâng cao ý thức của nhân dân về di sản văn hóa: đó vừa là bản sắc, niềm tự hào của địa phương, vừa có thể khai thác, mang lại lợi ích kinh tế, giúp cải thiện mức sống, đời sống lâu dài cho nhân dân.
Không gian văn hóa cồng chiêng
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)
Tỉnh cần thay đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng; nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch thông qua việc để người dân và các địa phương chủ động tìm kiếm nhà đầu tư, cũng như tham gia vào việc xây dựng sản phẩm du lịch từ vốn văn hóa của tỉnh. Tăng cường quảng bá du lịch thông qua các chương trình xúc tiến du lịch, các phần mềm trải nghiệm, sổ tay du lịch hay các trang thông tin điện tử của tỉnh. Đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao dân trí, đồng thời góp phần bảo tồn di sản, các nét đẹp văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng./.
Ngô Thị Hồng Loan