(Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam)
Những đóng góp to lớn
Trong thời kỳ đổi mới, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường là sự tăng trưởng không ngừng của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Hiện nước ta có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh; có khoảng 10 triệu doanh nhân, trong đó có gần 20.000 triệu phú và 6 tỷ phú USD nằm trong danh sách tỷ phú thế giới. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay đã và đang thực sự trở thành một trong những chủ thể và động lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực tế những năm qua đã cho thấy, kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đều đạt mức tăng trưởng tích cực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp khoảng 60% GDP, 85% số lao động và 98% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, qua đó đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đứng thứ 35 về quy mô GDP, nằm trong top 20 thế giới về quy mô thương mại quốc tế[1].
Đội ngũ doanh nhân đã và đang tích cực tham gia thúc đẩy các cải cách kinh tế, định hình các chính sách phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh và đổi mới công tác quản lý kinh tế của Nhà nước; thúc đẩy cạnh tranh, tạo động lực để cùng nhau thăng tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất và giảm chi phí, có lợi cho người tiêu dùng[2]. Sự phát triển và đóng góp của đội ngũ doanh nhân đã góp phần rất quan trọng vào sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội qua việc đóng góp lớn trong GDP, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, cải thiện thu nhập cho người lao động…
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang thực hiện tốt trách nhiệm đối với cộng đồng để phát triển đất nước giàu mạnh, hùng cường.
Trong những năm qua, nhiều doanh nhân ý thức và hiện thực hóa trách nhiệm với cộng đồng trên nhiều khía cạnh. Sự ra đời, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân đã mang lại việc làm cho nhiều người lao động trên các vùng miền cả nước, đặc biệt là đội ngũ công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới, miền núi, kể cả thương binh, bệnh binh, người yếu thế, người khuyết tật. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp luôn thực hiện các giải pháp nhằm mục tiêu tiết kiệm năng lượng, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, sản xuất kinh doanh hiệu quả gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ của cán bộ công nhân viên và trách nhiệm với cộng đồng. Đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn có ý tưởng đầu tư kinh doanh theo hướng xanh, sạch, tuần hoàn… hướng tới vì sự phát triển an toàn, bền vững của cộng đồng.
Thực hiện tốt trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội của đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn thể hiện ở việc các doanh nhân tích cực cùng doanh nghiệp của mình tham gia các hoạt động xã hội đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, nhân dân. Thấm nhuần tư tưởng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “lá lành đùm lá rách”, “tương thân, tương ái”,... các doanh nhân Việt Nam thường xuyên chú trọng tham gia các chương trình thiện nguyện, hưởng ứng tham gia các phong trào do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức xã hội chính thức phát động như: đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng các công trình phúc lợi góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, trong đó có chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào do Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng trong quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Không chỉ thành công ở trong nước, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác làm ăn với các đối tác trên thế giới, gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế như Viettel, PVN, Vingroup, FPT, THACO, Hòa Phát, TH, Vinamilk, Masan...
Không thể phủ nhận, một bộ phận doanh nhân luôn duy trì và hiện thực hóa khát vọng vươn đến đỉnh cao mới. Cùng với việc xây dựng những thương hiệu thành công, họ luôn trăn trở về việc có thể mang lại giá trị lớn cho xã hội, nâng tầm thương hiệu quốc gia, lan tỏa hình ảnh, giá trị của văn hóa, con người, đất nước Việt Nam với thế giới. Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam (cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân) đang gặt hái thành công khi đầu tư ra nước ngoài, góp phần nâng cao uy tín, thúc đẩy quan hệ về kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao và đối ngoại quốc phòng giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận đầu tư[3].
Một số vấn đề đặt ra
Tương lai của đội ngũ doanh nhân Việt Nam là rất hứa hẹn nhưng cũng nhiều thách thức trước những yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Những tiến bộ, đột phá về công nghệ, toàn cầu hóa, cùng với những cải cách về thể chế và môi trường kinh doanh sẽ tạo ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh, cải tiến sản phẩm, dịch vụ và mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp có thể tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain) và thương mại điện tử để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Theo đó, những người chưa phải là doanh nhân cũng có cơ hội khởi nghiệp và trở thành một doanh nhân thành đạt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội phát triển lớn mạnh cả về trình độ và quy mô trong môi trường thương mại toàn cầu. Trong khi đó, tình hình kinh tế suy giảm, lạm phát và bất ổn chính trị toàn cầu, hậu quả của thiên tai, tác động của đại dịch Covid 19 đang và sẽ tiếp tục tác động mạnh đến thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh "thời vụ", thiếu tầm nhìn chiến lược. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.
Còn không ít doanh nhân, doanh nghiệp chưa quan tâm thỏa đáng đến tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với Nhà nước và với cộng đồng.
Nhiều doanh nghiệp khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động sản xuất, kinh doanh; sử dụng những dây chuyền công nghệ cũ; không tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề môi trường, xả thải không đúng quy định gây suy thoái, ô nhiễm môi trường xung quanh; nhập khẩu những sản phẩm hàng hóa không thân thiện với môi trường. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp chưa sẵn sàng đổi mới sáng tạo để phát triển nhanh và bền vững.
Tình trạng vi phạm thuế thu nhập doanh nghiệp và nợ bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp là rất đáng lo ngại. Trong giai đoạn 2013- 2021, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Thuế đã phát hiện có tổng số 642.423 doanh nghiệp vi phạm thuế thu nhập doanh nghiệp với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp thu về là 35.992,09 tỷ đồng[4]… Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết năm 2022, cả nước có 2,79 triệu lao động bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên; hơn 2,13 triệu lao động bị chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị “treo sổ” tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động[5]. Hiện nay, tình trạng chậm đóng và nợ bảo hiểm xã hội đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, với tổng số nợ lên đến hơn 16 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, nợ bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có xu hướng gia tăng[6]. Khi người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với người lao động. Hệ lụy này còn tác động đến gia đình của người lao động và cả xã hội. Người lao động ở lại làm việc không yên tâm, không tâm huyết làm việc, doanh nghiệp mất uy tín với đối tác, với khách hàng.
***
Hướng tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, doanh nhân cũng nhự sự phát triển thịnh vượng của đất nước hiện nay không thể thiếu sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân. Để làm được điều đó, ngoài việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh từ phía Đảng, Nhà nước, cần sự sẵn sàng, chủ động sáng tạo và trách nhiệm của chính đội ngũ doanh nhân để ngày càng “tạo ra nhiều doanh nghiệp đóng vai trò là động lực của tăng trưởng, tạo nhiều việc làm, nộp thuế cho nhà nước, nâng cao mức sống cho người lao động, thúc đẩy xã hội tiến bộ” góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện các mục tiêu thế kỷ của dân tộc trong bối cảnh mới.
[1] Bảo Ngọc: Quy mô kinh tế Việt Nam thứ 35 thế giới, còn có thể làm tốt hơn, theo https://tuoitre.vn/, cập nhật ngày 03/4/2024.
[2] Xem Đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò "đặc biệt quan trọng" trong kỷ nguyên mới, tại trang: https://dangcongsan.vn/, cập nhật ngày 11-10-2024.
[3] Xem Đầu tư ra nước ngoài tăng trưởng tốt, doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới, tại trang: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/, cập nhật ngày 11-3-2024.
[4] Phạm Khánh Toàn: Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp: Thực trạng và kiến nghị, tại trang https://tapchitaichinh.vn, cập nhật ngày 18/09/2022.
[5] Hồng Chiêu: Hơn 2,7 triệu lao động đang bị nợ bảo hiểm xã hội, tại trang: https://vnexpress.net/, ngày 11/9/2024.
[6] Xem Gia tăng nợ bảo hiểm xã hội ở doanh nghiệp vừa và nhỏ, tại trang: https://vtv.vn/xa-hoi/, cập nhật ngày 4-9-2024.
Nguyễn Thị Nga