Theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành những thắng lợi vĩ đại và đang vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức sâu sắc rằng “cách mệnh trước hết phải có đảng cách mệnh”; Và “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[1]. Từ khi ra đời và trong quá trình phát triển, Đảng ta rất quan tâm tới vấn đề xây dựng, phát triển nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, để tư tưởng lý luận luôn là ánh sáng soi đường đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10 năm 1930), xác định: “Ðảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc, đại biểu cho quyền lợi chính và lâu dài cho cả giai cấp vô sản, lãnh đạo tranh đấu để đạt mục đích cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”[2]. Chính cương Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2 năm 1951), Đảng ta tiếp tục khẳng định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và xây dựng Đảng theo nguyên tắc một đảng vô sản kiểu mới”[3].
Từ tổng kết thực tiễn cách mạng, Đại hội VII của Đảng (6-1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Theo đó đã đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào vị trí nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Gần 95 năm qua, bất luận trong hoàn cảnh nào, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đều một lòng quyết tâm bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo nền tảng tư tưởng của Đảng, giải quyết có hiệu quả những yêu cầu đặt ra của lịch sử, giành được những thắng lợi vĩ đại, đó là:
(1) Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
(2) Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
(3) Thắng lợi của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước quá độ lên chủ chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế khách quan của thời đại.
Đi liền với những thắng lợi vĩ đại đó, mở ra cho dân tộc Việt Nam những kỷ nguyên mới, thể hiện sự phát triển nhảy vọt về chất, đó là[4]:
(1) Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930-1975), với mục tiêu sống còn của dân tộc Việt Nam là phải xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, trở thành một quốc gia độc lập, tiến lên xây dựng chế độ xã hội mới. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giải quyết thành công yêu cầu lịch sử và hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược.
(2) Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển (1975-2025), với mục tiêu hàng đầu của dân tộc Việt Nam là phải chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, thoát ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, tạo lập vị thế quốc tế xứng đáng. Sau gần 50 năm đất nước thống nhất, gần 40 năm công cuộc đổi mới, gần 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Theo đó, đất nước Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế mới. Chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, vị thế, sức mạnh và uy tín quốc tế như ngày nay.
(3) Hiện nay dân tộc Việt Nam đang chuyển đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, có thời điểm mở đầu từ Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Đây là kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được tạo điều kiện để phát triển toàn diện, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Tuy nhiên, trong kỷ nguyên mới, yêu cầu bảo vệ, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh càng đòi hỏi cao hơn, toàn diện hơn. Theo đó, chúng ta cần bổ sung lý luận về đường lối đổi mới của Đảng vào yếu tố cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì thực tế cho thấy, đường lối đổi mới của Đảng chính là kết quả của sự kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới.
Đón Xuân mới, năm 2025, hướng tới kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng và chào mừng đại hội Đảng các cấp, sẽ thêm dịp để mỗi chúng ta ôn lại những chặng đường vẻ vang, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và sáng suốt của Đảng; thêm biết ơn và trân quý công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; thêm phấn khởi trước đổi thay, tiến bộ từng ngày của đất nước và tự hào, phát huy truyền thống quý báu, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện một chí hướng đi theo Đảng; chung sức đồng lòng nỗ lực phấn đấu để tiếp tục lập nên những kỳ tích ở kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thể hiện ngày càng sinh động bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội Việt Nam.
Thành tựu của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là bằng chứng sinh động về tiền đồ của chủ nghĩa xã hội và là luận cứ phản bác những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, hồ đồ cho rằng “đi theo chủ nghĩa xã hội là đi vào ngõ cụt”.
[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.289.
[2] https://dangcongsan.vn/huong-toi-ky-niem-90-nam-ngay-truyen-thong-nganh-tuyen-giao/thong-tin-tu-lieu/cac-cuong-linh-cua-dang-cong-san-viet-nam-551004.html.
[4] Hiện nay còn quan điểm khác nhau về số lượng và tên gọi các kỷ nguyên của dân tộc Việt Nam tính từ ngày có Đảng lãnh đạo, nhưng ở bài viết này chúng tôi đồng tình với quan điểm của GS TS Phùng Hữu Phú (nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương) và PGS TS Nguyễn Viết Thảo (nguyên Phó Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh).
Hạnh Phúc