Ngày 23 tháng 5 tới đây, cử tri Việt Nam sẽ tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cuộc bầu cử được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thực hiện phương dân “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Khi nghiên cứu về các cuộc cách mạng trong lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng các cuộc cách mạng trước đây giai cấp thống trị thiểu số đã nhân danh lợi ích chung để thực hiện những mục tiêu chính trị nhất định, nên khi cách mạng thành công, quần chúng nhân dân không được hưởng quyền lợi thực sự. Đồng thời, C.Mác chỉ rõ, trong mọi chế độ bóc lột thì “lợi ích chung” chỉ mang tính chất của cái chung ảo ảnh, giả tạo, bởi vì lợi ích của “toàn thể xã hội” trên thực tế chỉ là biểu tượng cho lợi ích của tầng lớp thống trị, còn guồng máy chính trị của nhà nước bảo vệ và thực hiện các lợi ích cá nhân cho sự thống trị đó.
Từ đó, C.Mác, Ph.Ăngghen và sau này là V.I.Lênin đã làm rõ sự khác biệt căn bản giữa cuộc cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo với các cuộc cách mạng trước đó. Trong cuộc cách mạng vô sản, giai cấp vô sản không chỉ đấu tranh giải phóng bản thân mình mà còn giải phóng toàn thể nhân loại khỏi mọi hình thức áp bức, giành quyền lực chính trị để phục vụ cho lợi ích của quần chúng lao động. Giai cấp công nhân trở thành nơi hội tụ của những nguyện vọng được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột mà tất cả những người lao động có thể gửi gắm, uỷ thác. Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân trùng hợp với cuộc đấu tranh giải phóng xã hội. Giai cấp công nhân có quyền nhân danh lợi ích toàn xã hội để đứng ra tập hợp các giai cấp, các tầng lớp bị áp bức, bóc lột, những phần tử tiên tiến trong cuộc đấu tranh đó. Đó là cuộc đấu tranh giải quyết triệt để vấn đề đối kháng về lợi ích giữa các giai cấp trong xã hội. Cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo không nhằm thực hiện sự thống trị như các giai cấp thiểu số bóc lột như trước đây, nên nền chính trị của giai cấp vô sản xác lập mang bản chất của nền dân chủ thực sự.
Do vậy, ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền về tay nhân dân sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương bầu cử phổ thông dân chủ. Ngày 3/9/1945, tức chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “... tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống,v.v..”. Như vậy có thể khẳng định, chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa hướng đến việc thực hiện quyền lợi thực sự cho quần chúng nhân dân, không như các cuộc cách mạng đã có của các giai cấp thống trị trong lịch sử.
Cử tri nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 06/01/1946). Ảnh: Tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ.
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Cũng trên tinh thần ấy, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. Cho đến nay, xây dựng nền chính trị dân chủ, tự do theo tinh thần xã hội chủ nghĩa đã được ghi trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”(Khoản 1, Điều 2).
Tới đây, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành theo nguyên tắc của một nền chính trị dân chủ- những nguyên tắc đã được thực hiện từ cuộc bầu cử Quốc hội khoá I đến nay, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Nguyên tắc phổ thông: là nguyên tắc bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong bầu cử. Bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử.
Đáng lưu ý là, với Sắc lệnh 14 về Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội ban hành ngày 8/9/1945, lần đầu tiên phụ nữ Việt Nam được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội. Điều này thể hiện giá trị tiến bộ, nhân văn, tiến bộ của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Trong khi đó, tại Mỹ, cách mạng Mỹ thành công và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tuyên bố độc lập từ năm 1776, quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ được đưa ra lần đầu từ năm 1848, nhưng phải đến năm 1920 khi bổ sung sửa đổi Hiến pháp lần thứ 19, phụ nữ của nước Mỹ mới được trao quyền bầu cử. Còn ở Pháp, phải mất hơn 150 năm sau kể từ cách mạng tư sản Pháp, đến năm 1946 phụ nữ mới được hưởng quyền bầu cử. Đến nay, nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI nhưng vẫn còn có một số nước ngăn cấm hoặc hạn chế quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ. Còn ở Việt Nam, ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa năm 1946, đã quy định: "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện" (Điều 9).
Nguyên tắc bình đẳng: Nguyên tắc này nhằm bảo đảm mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở một nơi cư trú; mỗi người chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử; mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp. Giá trị phiếu bầu của mỗi cử tri như nhau không có sự phân biệt.
Nguyên tắc bầu cử trực tiếp: Bầu cử trực tiếp là việc cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực Nhà nước.
Nguyên tắc bỏ phiếu kín: Theo nguyên tắc này, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu trong buồng kín và bỏ vào hòm phiếu.
Việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục hiện thực hóa tinh thần dân chủ và tự do của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Do vậy, tham gia bầu cử không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm mà còn chứng tỏ trình độ nhận thức chính trị cao của mỗi công dân với cá nhân và với đất nước.
Quang Đặng