Việt Nam là đất nước có truyền thống lịch sử, văn hóa và đã trở thành vùng đất huyền thoại trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm với sự quan tâm sâu sắc của các học giả nước ngoài. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã công bố nghiên cứu về cách mạng Tháng Tám năm 1945
- “Vietnam: Sociologie d'une guerre” (Việt Nam - Xã hội học của một cuộc chiến tranh) của P.Mus. P.Mus tiếp cận sự kiện dưới góc độ xã hội học. Trong tác phẩm của mình, P.Mus là người đầu tiên đã thử phân tích nguyên nhân xã hội - chính trị sâu xa của cuộc cách mạng. Theo ông, chính người Pháp thông qua công cuộc thực dân hóa, nhất là qua các cuộc "cải lương hương chính", đã phá vỡ toàn bộ cơ sở, cấu trúc kinh tế - xã hội ổn định của nông thôn Việt Nam, mà lại không tạo ra được cơ sở và cấu trúc mới thay thế cho cái bị phá vỡ đó. Ðiều này đã khiến cho dân tộc Việt Nam trở thành “một dân tộc mất thăng bằng” (A Nation off Balance), nên đã tiến hành cuộc cách mạng để tìm lại thế thăng bằng đã mất. Quan điểm của P.Mus ảnh hưởng sâu sắc đến một số học giả phương Tây, nhất là G.Mắc Alixtơ, học trò của P.Mus, tác giả của cuốn sách “Việt Nam: The Origins of Revolution” (Việt Nam: Những nguồn gốc của Cách mạng), xuất bản năm 1969 ở Mỹ.
- “Histoire du Việt Nam de 1940-1952” (Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1940-1952) của Ph. Devillers. Khác với P.Mus, vốn là một ký giả, nên Ph.Devillers trình bày sự kiện chủ yếu theo cách của một nhà báo, dưới góc độ lịch sử chính trị và dựa chủ yếu vào các nguồn sử liệu báo chí và truyền miệng, trải nghiệm cá nhân và phân tích chính trị để tái hiện lại sự kiện. Ông là người đầu tiên đề cao quá mức vai trò của cuộc đảo chính Nhật - Pháp (09/3/1945). Theo ông, sự kiện này đã làm đảo lộn toàn bộ diễn trình lịch sử, vì nếu nó không xảy ra thì hệ thống cai trị thực dân của người Pháp vẫn có thể tiếp tục cai trị Việt Nam như cũ và cơ hội thắng lợi của những người cộng sản, nhân dân Việt Nam sẽ không lớn hơn cơ hội mà họ và Việt Nam Quốc dân Ðảng đã từng có vào năm 1930-1931. Cách tiếp cận của Devillers ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều học giả phương Tây, trong đó có cả D.G.Ma và S.Tonnesson.
Đây là hai công trình có ảnh hưởng lớn đầu tiên được công bố ở phương Tây có viết về cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam với những cách tiếp cận khác nhau.
Đến những năm 1960, 1970 và 1980 của thế kỷ XX, nhiều công trình khoa học nghiên cứu về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam xuất hiện. Trong đó, có thể kể đến một số công trình khoa học sau:
- “The Vietnamese Revolution of 1945-Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War” (Cách mạng Việt Nam 1945 - Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một thế giới chiến tranh) in năm 1991 của Tiến sĩ Stein Tonesson (nhà sử học Na Uy). Công trình được đánh giá rất cao ở phương Tây. Tiến sĩ Stein Tonesson cho rằng: Hồ Chủ tịch đã thực hiện tổng tuyển cử, thành lập chính phủ hợp pháp dựa trên quyền tự do dân chủ: “Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không chỉ có vậy, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế”. “Cách mạng Việt Nam quan trọng và không phải chỉ thuần túy trong bối cảnh Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh, đó là quá trình phi thực dân hóa. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”.
Sử gia người Nauy Stein Tonnesson
Tiến sĩ Stein Tonesson đã khai thác, sử dụng một khối lượng tư liệu khổng lồ từ nhiều kho lưu trữ và thu thập được qua phỏng vấn nhiều nhân chứng lịch sử, trong đó có một số nguồn sử liệu mà trước đó giới nghiên cứu chưa từng khai thác, như: phòng chỉ huy bản đồ của Tổng hành dinh quân đội Mỹ và của cá nhân Tổng thống Mỹ Roosevelt, hồ sơ tài liệu lưu trữ của cơ quan tình báo của chính phủ kháng chiến de Gaulle, các tài liệu lưu trữ ở một số nước Bắc Âu... Bên cạnh đó Tiến sĩ Stein Tonesson còn sử dụng phương pháp tiếp cận vấn đề dưới góc độ của lịch sử quốc tế (international history). Ông lập luận: Sự sụp đổ của chế độ thực dân Pháp và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945, có thể hiểu được thông qua hai chuỗi nhân - quả (causal chains): một chuỗi bắt đầu từ chính sách về Ðông Dương của Roosevelt cùng với sự phát triển quân sự của cuộc chiến Thái Bình Dương và kết thúc trong một khoảng trống quyền lực (power vacuum) khi quân Nhật đầu hàng. Chuỗi thứ hai bắt đầu với việc thành lập Ðảng Cộng sản Ðông Dương năm 1930 và Việt Nam độc lập Ðồng Minh (Việt Minh) năm 1941, tới bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh ngày 02/9/1945. Đây là đóng góp nổi bật của S.Tonnesson về mặt phương pháp. Lần đầu tiên cuộc Cách mạng Tháng Tám được trình bày sáng rõ như là kết quả của sự tác động qua lại, nhuần nhuyễn, giữa nhiều yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài.
Tuy nhiên, điểm yếu nhất của công trình “The Vietnamese Revolution of 1945-Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War” là khi ông đưa ra quan điểm “khoảng trống quyền lực” (power vacuum) xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp (09/3/1945) cho tới trước khi Việt Minh giành được chính quyền vào nửa sau tháng 8/1945. Mặc dù Tonnesson đã tuyên bố: Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam không phải là “tình cờ”, “ngẫu nhiên” hoặc “ăn may”. Nhưng ở nhiều chỗ khác trong công trình của mình, ông luôn luôn đặt vấn đề “Ai đã đưa Việt Minh lên nắm chính quyền?”, thậm chí còn khẳng định: "Bằng việc tạo ra khoảng trống quyền lực, các cường quốc đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và do đó đã “mời” Việt Minh giành chính quyền”.
- “Vietnam 1945: the Quest for Power” (Nước Việt Nam năm 1945: cuộc săn tìm quyền lực), xuất bản năm 1995 của D.Marr1. Ðóng góp nổi bật nhất tạo nên uy tín học thuật cao cho công trình này trước hết là về phương diện phương pháp luận. Trước khi cuốn sách “Vietnam 1945: the Quest for Power” của D.Marr được công bố, toàn bộ lịch sử Việt Nam cận đại thường được các sử gia Việt Nam và nước ngoài nhìn nhận theo kiểu “top-down” (nhìn từ trên xuống dưới). Do đó, lịch sử thường chỉ được trình bày là lịch sử của các chính đảng, các tổ chức, tôn giáo và lãnh tụ. Nhưng trong tác phẩm “Vietnam 1945: the Quest for Power”, D.Marr đã thay đổi toàn bộ phương pháp và cách tiếp cận, cố gắng tái hiện lịch sử một cách chân thực nhất theo góc nhìn “bottom-up” (nhìn từ dưới lên). Do đó, công trình đã tái hiện rất thành công cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Việt Nam vào tháng 8-1945 một cách chân thực, sinh động và thực sự là sự nghiệp của quần chúng. Ðây là thành công lớn nhất của cuốn sách với phương pháp nghiên cứu mới trên cơ sở nguồn tư liệu vô cùng phong phú. Do đó, cuốn sách trở thành một tài liệu tham khảo quý giá.
Mặc dù còn có một số điểm cần suy ngẫm và trao đổi thêm, nhưng hai công trình trên đây của S. Tonnesson và D.Marr là những công trình khoa học rất có giá trị, là tài liệu tham khảo quý về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.
Ngoài hai công trình tiêu biểu trên, nhiều nhà nghiên cứu, sử gia người Pháp đã thực sự quan tâm và dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam và coi đó là một sự kiện đặc biệt ấn tượng, trong đó, đáng chú ý là:
- A.Rútxiô (Alain Ruscio) với hơn 15 tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam, về Cách mạng Tháng Tám năm 1945. A.Rútxiô nhấn mạnh: “Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính lôgíc trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở châu Phi. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng, là người đầu tiên tuyên bố độc lập của một nước thuộc địa”. A.Rútxiô còn phân tích, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa thực dân vẫn còn tồn tại, khi đó, 1/3 các dân tộc trên thế giới phải sống dưới sự chiếm đóng của thực dân Pháp, Anh và Bồ Đào Nha. Ông khẳng định: “Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam là một tấm gương, là biểu tượng của quá trình đấu tranh giành độc lập; các dân tộc bị đô hộ cần phải lên tiếng”.
Sử gia David Marr với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1996 (Ảnh: GS Phan Huy Lê)
- S.Phuốcniô (Charles Fournieau) cho rằng: Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là cuộc cách mạng hết sức quan trọng không chỉ đối với Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng thực sự, với sự đồng lòng, chung sức của cả dân tộc; là cuộc cách mạng lớn, của toàn dân tộc Việt Nam, đứng lên giành độc lập dân tộc. Nó có tác động lớn trên thế giới, nhất là đối với các nước thuộc địa khi đó. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam, phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống lại sự chiếm đóng của giặc ngoại xâm, đồng thời đánh dấu sự chuyển giao sang thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam. Không những vậy, thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam còn có ý nghĩa quốc tế, bởi lẽ đây là một trong những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới. Đối với phong trào cách mạng Đông Dương cũng như thế giới, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng.
- Daniel Roussel coi lịch sử Việt Nam là một đề tài đặc biệt. Ông đã nhiều lần đến Việt Nam và có nhiều tác phẩm, hình ảnh về đất nước, con người, lịch sử Việt Nam, về các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc của Việt Nam, trong đó, có cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Daniel Roussel khẳng định: “Cách mạng tháng Tám năm 1945 là biểu tượng của cuộc đấu tranh kỳ kiệu của nhân dân Việt Nam để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Sự kiện này còn là biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, đồng thời khẳng định quyền làm chủ vận mệnh của dân tộc Việt Nam”.
- Francis Gendreau nhấn mạnh: Dân tộc Việt Nam đã làm nên điều kỳ diệu, quyết định vận mệnh và tương lai của mình: “Nổi bật trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nắm bắt được tình hình thế giới, tận dụng thời cơ, phối hợp hành động, đồng thời tạo ra sức mạnh tổng hợp”.
- Gilbert School khẳng định: Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là sự kiện đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam, phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm, đánh dấu bước chuyển sang thời kỳ mới. Thành công của Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam còn có ý nghĩa quốc tế, nhất là đối với nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới vào thời điểm đó, mở đầu cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa.
- Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Liên bang Nga, cho rằng: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã trở thành một cuộc cách mạng kiểu mẫu để các nước thuộc địa bị áp bức có thể tìm đường giải phóng dân tộc mình khỏi ách thống trị của ngoại bang.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam và đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà khoa học. Nét đặc sắc của các công trình nghiên cứu về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là đã khai thác, sử dụng một khối lượng tư liệu khổng lồ từ nhiều kho lưu trữ và thu thập được qua những nhân chứng lịch sử. Do vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được tái hiện một cách chân thực, sinh động, góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về lịch sử Việt Nam nói chung, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nói riêng, từ đó, khâm phục khát vọng độc lập dân tộc cháy bỏng của nhân dân Việt Nam.
Trọng Hùng
____________________
1 D.Marr là một trong những người nổi tiếng nhất trong giới sử gia phương Tây nghiên cứu về Việt Nam với nhiều công trình khảo cứu đồ sộ, công phu về lịch sử Việt Nam cận đại, trong đó, có cuốn “Vietnamese Anticolonialism, 1885-1925” (Phong trào chống chủ nghĩa thực dân của Việt Nam), xuất bản năm 1971 và cuốn “Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945” (Truyền thống Việt Nam trong thử thách 1920-1945), công bố năm 1981. Nhưng công trình nổi tiếng nhất của D.Marr là cuốn “Vietnam 1945: the Quest for Power” (Nước Việt Nam năm 1945: cuộc săn tìm quyền lực), xuất bản năm 1995 tại Mỹ. Từ khi được công bố đến nay, có nhiều hội thảo khoa học được tổ chức ở Việt Nam và nước ngoài về tác phẩm này. Tại hội thảo quốc tế EURO - VIỆT III ở Amsterdam (Hà Lan) năm 1997, một diễn đàn mở (Open Forum) đã được tổ chức riêng để giới thiệu và tôn vinh cuốn sách. Cuốn sách còn được trao một số giải thưởng quốc tế.