Chúng ta đang hướng đến xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh, hạnh phúc và trong hành trang đến mục tiêu đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc con người sẽ dẫn đường chỉ lối cho chúng ta. Kế thừa những giá trị tư tưởng của Mác - Lênin về hạnh phúc, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đưa ra những chỉ dẫn về hạnh phúc vừa mang ý nghĩa sâu sắc nhân văn của một người dân mất nước, vừa mang tầm thời đại của cả những người dân của mọi quốc gia, dân tộc
Trước hết và trên hết, con người chỉ hạnh phúc khi dân tộc được độc lập, tự do
Người đã luôn luôn chỉ rõ: “Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”[1]. Tư tưởng dân tộc độc lập, dân quyền tự do của Người là khát khao cháy bỏng trong cả cuộc đời: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[2]. Nhận thức rõ dưới ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, nền độc lập của dân tộc bị xâm phạm, nhân dân chịu nhiều lầm than, cực khổ, bị áp bức, bóc lột tàn bạo, chỉ có thoát khỏi kiếp đời nô lệ, dân ta mới được hạnh phúc. Do đó, ngày 05/6/1911, Nguyễn Tất Thành bước chân lên con tàu Amiral Latouche Tréville từ Bến cảng Nhà Rồng - Sài Gòn, bắt đầu dấn thân vào một hành trình đầy gian khó, thử thách. Tài sản lớn nhất trong hành trang của người thanh niên 21 tuổi năm ấy là khát vọng độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào.
Cuối năm 1912, Người đã đến Mỹ và đến trước tượng Nữ thần Tự do. Ánh sáng tự do tỏa trên đầu nhưng dưới chân Nữ thần, người da đen vẫn bị chà đạp. Bạo lực, bất công, bóc lột thay cho tự do, bình đẳng, bác ái.
Trong những năm tháng ở Pháp, nơi có khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái, Nguyễn Ái Quốc, trong thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Albert Pierre Sarraut đã mỉa mai lên án: “Dưới quyền cai trị của ngài, dân An Nam đã được hưởng phồn vinh thật sự và hạnh phúc thật sự, hạnh phúc được thấy nhan hảnh khắp trong nước, những ty rượu và ty thuốc phiện, những thứ đó song song với những sự bắn giết hàng loạt, nhà tù, nền dân chủ và tất cả bộ máy tinh vi của nền văn minh hiện đại, đã làm cho người An Nam tiến bộ nhất châu Á và sung sướng nhất trần đời”[3].
Trong vòng mười năm, từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Dấu chân của Người đã từng in đậm trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Trên suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với kiên định mục tiêu giải phóng dân tộc.
Khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc xúc tiến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để tổ chức, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng mang lại độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân. Với một quyết tâm được xác định rõ trong chương trình của mình “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”, Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Sự thành lập và hoạt động của Việt Minh đã trở thành một trong những nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội, ngày 25/11/1961(Ảnh tư liệu)
Mùa Thu năm 1945, cả dân tộc không phân biệt giai cấp, tầng lớp, vùng lên theo Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất. Cuộc cách mạng ấy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, đập tan xiềng xích nô lệ, lật nhào chế độ thuộc địa nửa phong kiến tồn tại gần một thế kỷ trên đất nước ta, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc.
Nền độc lập cho dân tộc chưa được bao lâu, thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Dù phải kháng chiến 5 năm, 10 năm, hay là lâu hơn nữa, để giữ gìn thống nhất và độc lập cho Tổ quốc, để tranh lấy tự do và hạnh phúc cho giống nòi, chúng ta cũng quyết kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng”[4].
Khi đế quốc Mỹ âm mưu dùng sức mạnh vật chất để hủy diệt ý chí thống nhất của dân tộc Việt Nam, Người đã đưa ra chân lý thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đi theo tiếng gọi của Người, cả dân tộc Việt Nam đã vùng lên chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, mang lại độc lập, thống nhất đất nước, tự do cho nhân dân.
Dân tộc độc lập, tự do, nhân dân phải thực sự hạnh phúc
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngay từ khi mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi việc phải chăm lo đời sống cho nhân dân là một nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của Chính phủ mới. Người coi việc khắc phục hậu quả nặng nề do chế độ thực dân, phong kiến đã gây ra, khắc phục tình trạng đất nước bị tàn phá tan hoang, đói nghèo cùng cực và hơn hai triệu người dân chết đói là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Chính vì lẽ đó, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết nhằm đáp ứng những đòi hỏi trước mắt của nhân dân là chống nạn đói, nâng cao đời sống của nhân dân. Người chỉ rõ: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”[5].
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ, bộ đội, công nhân nông trường Mộc Châu, ngày 08/5/1959 (Ảnh tư liệu)
Do vậy, chống nạn đói, nạn dốt và các tệ nạn xã hội khác; xóa bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện tín ngưỡng tự do; lương giáo đoàn kết...là những nội dung quan trọng để đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. với triết lý coi đói nghèo là giặc, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân còn cho chúng ta nhận thức rõ nét nguy cơ của đói nghèo. Đói nghèo sinh ra đạo tặc, đói nghèo làm ly tán lòng dân, đói nghèo làm tiêu tan mọi phấn đấu cho phát triển và đói nghèo là căn nguyên làm cho đất nước không thể phát triển bền vững. Muốn phát triển bền vững cần thiết đời sống người dân phải được ấm no, hạnh phúc trong một môi trường sống đầy đủ về vật chất, tốt về môi trường và một xã hội an bình. Với việc nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, quyết tâm “đánh đuổi” đói nghèo đã giúp cho xã hội phát triển ngày một giàu mạnh và phồn vinh. Phải nỗ lực để “tiêu diệt” đói nghèo để đưa đời sống của mỗi người dân, của cả đất nước ngày một ấm no hơn, hạnh phúc hơn. Chỉ có nhân dân được sống trong ấm no, tự do, hạnh phúc, đất nước được phát triển trong giàu có và văn minh thì đất nước mới thực sự có độc lập bền vững. Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một triết lý phát triển bền vững sâu sắc, vượt qua thời gian và không gian trong tư tưởng của Người, đó là tư tưởng về chăm lo đời sống ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.
Phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước
Ngay từ những ngày đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm”[6]. Hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn khẳng định Ðảng và Nhà nước Việt Nam từ nhân dân mà ra, vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân, không có lợi ích nào khác lợi ích của nhân dân. Vì vậy: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Vì vậy, cán bộ Ðảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Ðảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”[7].
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành xây dựng và chấn chỉnh bộ máy chính quyền các cấp, bảo đảm cho bộ máy chính quyền các cấp thể hiện được bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội mới. Người nhắc nhở: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta"[8]. Với tinh thần này, nhân dân thực sự được coi trọng và thực sự là chủ của xã hội mới và tư tưởng chăm lo đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới thành hiện thực trong thực tiễn.
Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm phụng sự nhân dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hạnh phúc nhân dân với tư cách là động lực, mục tiêu của cách mạng, mà còn phải thấm nhuần chân lý: Người hiến dâng nhiều nhất sẽ là người hạnh phúc nhất. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết rằng: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”[9]. Nếu người cán bộ, đảng viên biết vượt lên trên cái “tôi” của mình để hiến dâng cho nhân dân và đất nước thì họ sẽ là người hạnh phúc, vì tượng đài vững chắc nhất chính là ở trong lòng nhân dân.
[1] Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1990, tr 174.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 187.
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 1, tr 109.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr 602.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr 175.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011 , t.4, tr 64.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011 t.9, tr 518.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr 65.
[9] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.159.
Minh Dương