Thanh Hóa vừa tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc với chủ đề “Quê Thanh- nghĩa Bắc tình Nam”. Một vài câu chuyện xung quanh sự kiện này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những cố gắng của Đảng, Nhà nước ta và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế chuẩn bị lực lượng cho công cuộc xây dựng miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam
Những văn bản của Đảng, Nhà nước và các cơ quan có liên quan đến việc tập kết
Chúng ta đã chuẩn bị việc tập kết từ khá sớm, ngay từ khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn kết thúc, thể hiện bằng nhiều văn bản chỉ đạo công tác tập kết.
Đó là Điện về việc sắp xếp cho một số trường hợp chiến sĩ thương bệnh binh gia đình cán bộ ra Bắc tập kết của Trung ương Cục miền Nam ngày 11/02/1954, Điện báo cáo về cán bộ Miên đến chỗ tập kết để chuẩn bị ra Bắc Việt Nam của Trung ương Cục miền Nam ngày 09/3/1954; Thông tri về việc sử dụng cán bộ miền Nam ra Bắc của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 12/3/1954; Chỉ thị về việc tuyệt đối giữ bí mật kế hoạch tổng kết của cán bộ quân dân chính ra Bắc của Tỉnh ủy Long Châu Sa ngày 08/6/1954, Điện của Trung ương Cục miền Nam ngày 11/7/1954 về việc chuyển quân tập kết, lựa chọn cán bộ ra Bắc hoặc ở lại, chọn một số thiếu nhi miền Nam ra Bắc học.
Sau hiệp định Geneva, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các văn bản để chỉ đạo công tác tập kết.
Ngày 29/7/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng điện về việc lựa chọn cán bộ ra Bắc tập kết và cán bộ để lại hoạt động ở Nam Bộ. Ngày 27/8/1954, Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam có điện về việc đưa cán bộ chiến sĩ và gia đình ở Nam Bộ ra Bắc. Ngày 31/8/1954 điện về việc bộ đội, thương binh, cán bộ và nhân viên kỹ thuật và gia đình cán bộ đồng bào miền Nam ra Bắc của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cùng ngày 31/8/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc đón tiếp bộ đội, thương binh, cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc. Ngày 01/9/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc đón tiếp bộ đội tập kết ra Bắc. Ngày 07/9/1954, Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc ra Thông tri về việc đón tiếp đồng bào bộ đội cán bộ miền Nam ra Bắc. Ngày 14/9/1954, Đoàn Thanh niên cứu quốc ra Chỉ thị về việc tiếp đón cán bộ, bộ đội miền Nam. Ngày 29/9/1954, Ban Tập kết Đồng Tháp Mười thuộc Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông ra Chỉ thị về việc giữ bí mật trong việc chuyển quân ra miền Bắc. Ngày 13/11/1954 Trung ương Cục miền Nam điện về việc tiếp tục đề nghị cho thiếu sinh Hoa kiều ra Bắc học tập. Ngày 19/11/1954, Trung ương Cục miền Nam điện trả lời về việc cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết muốn mang theo tiền. Ngày 08/12/1954, Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam gửi báo cáo tình hình đón tiếp quân đội, cán bộ, đồng bào miền Nam từ đầu năm đến cuối năm 1954.
Ngày 16/4/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông tri về việc vận động bộ đội, cán bộ Liên khu V tập kết ra Bắc viết thư về gia đình bạn bè trong Nam. Ngày 30/4/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng gửi Công văn yêu cầu kiểm điểm việc tiếp đón các nhân sĩ, trí thức và đồng bào miền Nam ra miền Bắc .
Tháng 6/1955, Ban Dân tộc Trung ương báo cáo về việc đón tiếp đồng bào và cán bộ miền Nam ra tập kết ở miền Bắc năm 1955. Ngày 14/7/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc kiểm điểm thực hiện chính sách đối với cán bộ chiến sĩ và gia đình cán bộ miền Nam ra tập kết ở miền Bắc
Năm 1956, Ban Dân tộc Trung ương báo cáo thống kê danh sách đồng bào dân tộc thiểu số miền Nam ra Bắc tập kết năm 1956. Ngày 10/7/1956, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc chấp hành chính sách đối với cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc
Ngày 05/02/1964, Ủy ban Dân tộc Trung ương Công bố danh sách anh chị em Khmer tập kết ra Bắc do Ủy ban Dân tộc quản lý.
Có thể nói, chỉ trong hơn 2 năm, Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam và các cơ quan thuộc Chính phủ đã ban hành hơn 20 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tập kết quân, dân, chính, đảng miền Nam ra miền Bắc. Đây thực sự là một cuộc đấu tranh, một cuộc chạy đua giữa ta và địch, giữa tâm lý “người đi, kẻ ở” của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam.
Tàu Arkhangelsk, con tàu đã thực hiện chuyến tập kết đầu tiên (Ảnh tư liệu)
Chúng ta đã tập kết ra miền Bắc những ai và những gì
Căn cứ sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam, chúng ta đã chuyển ra miền Bắc 120.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh.
Ngoài ra, chúng ta còn chuyển ra Bắc hàng nghìn tấn máy móc, thiết bị, vũ khí và thậm chí cả những chú voi của chiến trường Tây Nguyên.
Trong các chiến dịch tại Tây Nguyên, quân và dân ta đã sử dụng nhiều chú voi cho công tác vận tải. Khi đi tập kết, đồng bào và chiến sĩ không nỡ để những chú voi ở lại và đặt vấn đề đưa những chú voi lên tàu tập kết và được sự cho phép của cấp có thẩm quyền. Phía Pháp, cũng không kém phần sốt sắng giúp phương tiện để trung chuyển những chú voi này từ bờ biển ra tàu lớn, tàu Kilinski. Bốn chú voi đã được chuyển lên tàu và 3 chú voi còn lại và một số ngựa thồ được bố trí tập kết ra bắc trong chuyến sau đó. Đó là những chú voi Tây Nguyên được quân và dân ta thuần hóa, đã từng băng rừng vượt suối tải gạo, tải đạn, tải thương, tham gia những chiến dịch Nguyễn Huệ, An Khê.
Sau này, khi các tàu Kilinski, Stavropol, Arkhangelsk lên đường về nước, ba chú voi đã được Đảng và Nhà nước ta gửi theo làm quà tặng hữu nghị đến những người bạn Ba Lan, Liên Xô.
Trong khi phía Pháp và chính quyền Bảo Đại, Ngô Đình Diệm được sự giúp đỡ hùng hậu của Hoa Kỳ đã có hàng trăm tàu thuyền chở người di cư vào Nam thì bạn bè quốc tế chỉ có thể giúp đỡ ta trong khả năng có hạn, với 3 con tàu chuyển người và hàng hóa tập kết.
Tàu Kilinski, mang tên người anh hùng Ba Lan Jan Kilinski (1760-1819) với Thuyền trưởng là R.Cielewicz, từ tháng 10/1954 đến 7/1955, thực hiện 27 chuyến Nam - Bắc, vận chuyển 85.000 người, 3.500 vũ khí các loại, 250 tấn đạn dược. Con tàu được đóng nhà máy đóng tàu tại Los Angeles, California (Mỹ), xuất xưởng năm 1944 và mang cái tên đầu tiên Mexico Victory. Năm 1973, tàu Kilinski có sang neo đậu tại cảng Hải Phòng trong thời gian gần 1 năm, nhưng do lúc đó chúng ta đang tập trung cho nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chưa có ý thức bảo quản những di vật lịch sử quý báu, nên không đặt vấn đề mua lại con tàu. Cuối cùng, con tàu được đưa sang Đài Loan phá dỡ thành sắt vụn.
Tàu Arkhangelsk với Thuyền trưởng là Zotov đã thực hiện 12 chuyến ngược xuôi Nam - Bắc từ tháng 10/1954 đến 2/1955, chuyên chở hơn 30.000 người và hơn 1.300 tấn hàng.
Tàu Stavropol với Thuyền trưởng Chernobrovkin, cũng đã chuyên chở hàng nghìn người và hàng trăm tấn hàng hóa trong quá trình tập kết, đồng thời được sử dụng chở gạo viện trợ từ Trung Quốc sang Việt Nam[1].
Kilinski - con tàu góp công lớn nhất trong việc chuyển vùng tập kết, hiện nay được tái hiện tại các cụm tượng đài tập kết tại Cà Mau cũng như Thanh Hóa (Ảnh tư liệu)
Thời gian, địa điểm chuyển vùng tập kết
Căn cứ quy định của Hiệp định Geneva và Hội nghị quân sự Trung Giã, việc chuyển vùng tập kết được tiến hành theo các vùng 80 ngày, 100 ngày, 300 ngày đối với cả hai phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp.
Điều 15 của Hiệp định quy định: Lịch rút quân chia làm 4 đợt. Đợt 1: 80 ngày, quân Pháp ra quân khỏi chu vi Hà Nội, quân ta rút khỏi Hàm Tân, Xuyên Mộc (10/10/1954). Đợt 2: 100 ngày, quân Pháp rút khỏi chu vi Hải Dương, quân ta rút khỏi vùng Đồng Tháp Mười (31/10/1954) . Đợt 3: 200 ngày, quân ta rút khỏi Cà Mau (08/02/1955). Đợt 4: 300 ngày, quân Pháp rút khỏi chu vi Hải Phòng, quân ta rút khỏi Nam Quảng Ngãi và Bình Định (ngày 16/5/1955).
Ngày 16/5/1955, chuyến tàu cuối cùng chở cán bộ, chiến sĩ miền Nam rời cảng Quy Nhơn ra Bắc. Nhiệm vụ chuyển quân tập kết, sắp xếp lực lượng của ta ở lại miền Nam đã hoàn thành thắng lợi. 120.000 cán bộ, chiến sĩ và cán bộ các ngành ở miền Nam, trong đó Nam Bộ trên 70.000, Liên khu V trên 50.000 tập kết ra Bắc, đem theo 500 tấn súng đạn, 600 tấn máy móc, khí tài và 236 xe ôtô các loại .
Việc tập kết 120.000 bộ đội, cán bộ các ngành ở miền Nam tập kết ra miền Bắc là một thắng lợi của ta, góp phần bảo đảm lực lượng cách mạng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.
Bạn bè quốc tế đã giúp ta như thế nào
Liên Xô và Ba Lan đã giúp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện chuyển vùng tập kết với các con tàu Stavropol và Arkhangelsk, Kelinski, là những con tàu vận tải hạng nặng để chở người và hàng hóa từ các địa phương miền Nam ra Bắc.
Ông Anatoly Akulinichev, thành viên của Công ty vận tải biển Sovfracht Liên Xô, đã viết lại trong hồi ký: “Tôi được triệu tập đến Matxcơva và được yêu cầu thực hiện đơn đặt hàng của chính phủ một cách vô điều kiện: tìm thuê tàu để phục vụ công tác đình chiến ở Việt Nam, cân đối chi phí cũng như bảo đảm thời gian cho các chuyến vận chuyển. Nhiệm vụ này rất đặc biệt: giúp đỡ Việt Nam, một đất nước vừa trải qua chiến tranh.
Chúng tôi chọn các tàu hàng có tải trọng lớn và có thể cải tạo được để chở người, các tàu ấy lại đang phải có mặt ở vùng Viễn Đông mới kịp tiến độ công việc. Sau khi tìm chọn được năm con tàu (Kilinski của Ba Lan, hai tàu Arkhangelsk và Stavropol của Liên Xô, hai tàu Sunny Queen và Sunny Prince của Na Uy), chúng tôi bay đến Bắc Kinh và chuyển sang xe lửa để đến Việt Nam”[2].
Những chiếc tàu đã được đưa đến Nhà máy đóng tàu Quảng Châu (Trung Quốc) để sửa chữa, cải tạo. Từ những chiếc tàu chở hàng, chúng được chuyển đổi công năng từ chở hàng sang chở người và đã chở hàng trăm ngàn người trên một chặng đường dài và trong một thời gian gần 1 năm. Chuyến tập kết đầu tiên được thực hiện bởi tàu Arkhangelsk. Thuyền trưởng Dmitry Zotov Kirillovitch đã quan sát từng chi tiết của chuyến tàu này để ghi nhận những thiếu sót trong việc tổ chức, sắp xếp đưa đón người, việc ăn ở trên tàu và đưa ra những đề nghị điều chỉnh cho các chuyến kế tiếp.
Xuân Nguyễn
[1] Số liệu trích từ Báo cáo của R.Cielewicz, Thuyền trưởng tàu Kilinski, viết năm 1955.
[2] Mặc dù Thuyền trưởng R.Cielewicz có nói về việc 5 con tàu tham gia quá trình giúp ta chuyển vùng tập kết, nhưng không thấy tư liệu nói về việc vận chuyển cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc trên 2 con tàu của Nauy là Sunny Queen và Sunny Prince.