Anh hùng La Văn Cầu đến nay đã 92 tuổi. Ông là người Anh hùng cuối cùng còn sống trong số những Anh hùng được phong tặng danh hiệu lần đầu tiên tại Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu tháng 5/1952
Một trong số những người được phong Anh hùng đầu tiên
Đến năm 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bước sang một giai đoạn mới kể từ sau chiến thắng Biên giới cuối năm 1950 và Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng tháng 02/1951.
Để tổng kết phong trào thi đua ái quốc được phát động từ năm 1948 trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, cổ vũ khích lệ tinh thần thi đua yêu nước trong giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến, từ ngày 01 đến ngày 06/ 5/1952, Đại hội toàn quốc các Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc.
Dự đại hội có 154 đại biểu là chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu của tất cả các ngành nghề, địa phương trong cả nước tập hợp về. Đại hội đã vinh danh các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, trong đó đặc biệt là vinh danh 7 Anh hùng đầu tiên.
Trong số 7 Anh hùng đầu tiên này có 4 Anh hùng quân đội là Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị và Nguyễn Thị Chiên.
Còn lại 3 Anh hùng Lao động trong đó Anh hùng Trần Đại Nghĩa đại diện giới trí thức, Anh hùng Ngô Gia Khảm đại diện giai cấp công nhân và Anh hùng Hoàng Hanh đại diện giai cấp nông dân .
Cho đến nay, trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc cũng như công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước đã vinh danh hàng trăm tập thể và cá nhân anh hùng, nhưng những cá nhân anh hùng đầu tiên được vinh danh tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc năm 1952 vẫn có những ý nghĩa đặc biệt của nó.
Trong số 7 anh hùng được vinh danh tại Đại hội này, hiện nay chỉ có Anh hùng La Văn Cầu còn sống. Cuộc đời của ông là một tấm gương về tinh thần chiến đấu dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ và sống gương mẫu, có trách nhiệm sau khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng từ năm 1952 cho đến nay.
La Văn Cầu khi được phong danh hiệu Anh hùng Quân đội năm 1952 (Ảnh tư liệu)
Bản báo cáo thành tích đặc biệt
Tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc năm 1952, các cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng đều có những bản báo cáo thành tích cá nhân trước đại hội, trình bày những thành tích tiêu biểu của mình trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc.
Cũng như những người khác, chiến sĩ La Văn Cầu đã trình bày bản báo cáo thành tích cá nhân dài khoảng 10 trang viết tay của mình. Nội dung bản báo cáo thành tích cho thấy tinh thần chiến đấu anh dũng của ông tại mặt trận cũng như những đức tính quý báu, khiêm tốn của một người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo bản báo cáo, La Văn Cầu sinh tại làng Hưng Định, huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng, thành phần là người dân tộc Thổ. Ông sinh năm 1932 và đến năm 1948 khi vừa 16 tuổi đã xin gia nhập quân đội.
Cuộc đời quân ngũ của ông đã trải qua hàng hàng loạt các trận đánh như trận Tả Ngạn (Cao Bằng), trận Lũng Phầy, trận Mai Ten, Bến Dụng, trận Bông Lau năm 1949. trận Bản Nếm, trận Lũng Vài, trận Bản Đáp, Trà Lĩnh, Mã Phục ở Cao Bằng, trận Thủy Khẩu ở biên giới Trung Quốc, rồi tham gia các trận đánh truy đuổi tàn quân Tưởng Giới Thạch như trận Lạc Thổ, Hát Thạch, Sóc Giang.
Trong một trận đánh, La Văn Cầu đã hứa trước Ban Chỉ huy đơn vị sẽ cắm được lá cờ chiến thắng lên nóc lô cốt của địch. Lúc đó anh nghĩ "Khi tôi đứng lên hứa, tôi có nghĩ rằng, nếu tôi không làm được lời hứa thì tất nhiên tôi có lỗi, nhưng dầu tôi không làm được, lời hứa cũng có một tác dụng động viên toàn thể anh em trong đơn vị là cùng làm nhiệm vụ khi ra chiến đấu. Đây cũng là lợi cho việc chiến đấu của đơn vị, vì nghĩ như thế tôi mới dám đứng lên hứa trước ban chỉ huy và toàn thể anh em ở trong đơn vị".
Chiến công xuất sắc của chiến sĩ La Văn Cầu gắn liền với Chiến dịch Biên giới tháng 9/1950. Tại trận đánh Đông Khê, La Văn Cầu cùng các chiến sĩ được lệnh đánh bộc phá tiêu diệt lô cốt địch mở đường cho bộ đội tiến lên. La Văn Cầu cùng các chiến sĩ trong tổ đánh bộc phá tự nhủ "Anh em chúng ta phải cố gắng phá hàng rào và giao thông hào lô cốt cho thật nhanh và cho đến nơi đến chốn để đỡ xương máu cho anh em xung kích".
Tại trận đánh Đông Khê ngày 16/9/1950, tổ xung tích 5 người do La Văn Cầu chỉ huy trước khi đánh bộc phá đã có sáng kiến lấy mìn của địch để phá hàng rào của địch, sau đó mới dùng bộc phá của ta để tiến công lô cốt địch. Ngay khi vượt qua hàng rào, hai chiến sĩ trong tổ đánh bộc phá đã bị thương. Còn lại La Văn Cầu và hai chiến sĩ khác tiếp tục mang bộc phá vào đánh lô cốt địch.
La Văn Cầu kể lại: “Chúng tôi tiến lên lô cốt địch, cách lô cốt độ 15 thước thì hai anh bạn đồng đội của tôi bị địch bắn trúng và hi sinh. Tôi thấy hai anh bị hi sinh tôi thương quá. Tôi nghĩ phải nhất quyết trả thù cho hai anh và làm cho xong nhiệm vụ. Quân địch vẫn bắn ra rất nhiều. Tôi vẫn bình tĩnh tiếp tục tiến đến lô cốt, đến gần lô cốt độ 10 thước thì tôi bị trúng đạn liên thanh của địch. Đạn bắn trúng cánh tay phải của tôi và trúng vào má bên phải của tôi. Tôi bị ngã và ngất đi trong mấy phút. Khi tỉnh lại, tôi kiểm điểm lại người tôi thì thấy một bên mình đã tê đi, sờ đến cánh tay phải thì lủng lẳng, má bên phải thì mất. Lúc đó, tôi lại nghĩ đến nhiệm vụ của tôi. Tôi vùng dậy tìm gói bộc khóa của tôi thì thấy gói đó bị văng cách chỗ tôi mấy thước. Quả bộc phá nằm trên miệng giao thông hào chưa rơi xuống. Tôi nghĩ, may quá nếu nó rơi xuống hào thì lộ mất rồi còn gì, tôi đến lấy tay trái nhặt quả bộc phá ôm vào người rồi tiến vào lô cốt, nhưng trong lúc đi lại tôi thấy cánh tay phải của tôi lủng lẳng khó đi quá. Tôi liền nghĩ là phải quay trở xuống tìm một anh bạn nhờ chặt tay đi thì mới làm được nhiệm vụ. Rồi tôi quay xuống ngay. Đến nửa đường, tôi gặp anh tiểu đội trưởng tiểu đội xung kích đang tiến lên. Tôi bảo anh chặt hộ tay cho tôi. Anh ngạc nhiên và bảo tôi quay xuống cho y tá băng bó. Tôi nói cho anh rõ ý định của tôi và tôi nhất định yêu cầu anh cứ chặt tay cho tôi để tôi làm xong nhiệm vụ. Anh tiểu đội trưởng lúc đó mới hiểu, bèn lấy mác chặt cái tay bị thương đã gãy, xong anh xé áo buộc cho tôi. Tôi không để ý đến cánh tay nữa, tôi cũng không biết đau nữa, cứ chạy lên con đường cũ. Tôi đến chỗ giấu bộc phá nhặt lấy rồi tiếp tục lên phá lô cốt. Quả bộc phá nặng 12 kg nhưng tay trái tôi vẫn đủ sức xách lấy nó. Tôi tiến đến gần chân lô cốt. Tôi lấy quả lựu đạn dắt ở bên người lấy răng rút chốt an toàn ném vào phía có lỗ châu mai để uy hiếp tinh thần địch. Lựu đạn trúng lỗ châu mai nổ, nhưng súng liên thanh của địch vẫn nhả đạn ra. Tôi mang lại lỗ châu mai, chờ cho địch thay băng đạn. Khi súng địch tạm im không bắn, tôi xông lại đút quả bộc phá vào lỗ châu mai".
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu thăm các lô cốt Pháp tại Khu Di tích Chiến thắng Đông Khê. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)
Sau những cố gắng nhét bộc phá và lỗ châu mai bằng tay và cả bằng chân, La Văn Cầu đã hoàn thành nhiệm vụ phá lô cốt địch để cho lực lượng xung kích tiến lên.
Sau chiến dịch Biên Giới, La Văn Cầu được đề cử tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.
Đại biểu thanh niên và Quân đội nhân dân Việt Nam trước bạn bè thế giới
Sau chiến dịch Biên Giới, đồng chí La Văn Cầu được cử đi lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày rồi là một trong 30 người được cử đi dự Đại hội Thanh niên và Sinh viên thế giới, tổ chức vào tháng 8/1951 tại Berlin, Đức. Đồng chí La Văn Cầu đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong báo cáo thành tích nói về việc tham dự Đại hội, La Văn Cầu vẫn viết mình đại diện cho Quân đội quốc gia Việt Nam, nhưng lúc này quân đội ta đã lấy tên là Quân đội Nhân dân Việt Nam để phân biệt với Quân đội quốc gia Việt Nam của chính quyền bù nhìn Bảo Đại.
Được giáo dục lý luận chính trị, đồng chí La Văn Cầu đã đối đáp mạch lạc với các nhà báo và người dân nước Pháp. Tại cuộc gặp gỡ với các đại biểu các thuộc địa Pháp, La Văn Cầu gặp một vài thanh niên Pháp thuộc phái De Gaulle, thấy La Văn Cầu, họ nói chắc các anh oán ghét thanh niên Pháp chúng tôi lắm nhỉ. La Văn Cầu trả lời “Thanh niên Việt Nam chúng tôi chỉ căm thù bọn thực dân Pháp thôi. Chúng tôi rất có cảm tình đối với thanh niên và nhân dân Pháp vì chúng tôi biết rằng thanh niên Pháp bị bọn thực dân lừa dối và nhân dân Pháp cũng đang đấu tranh chống bọn tư bản thực dân Pháp. Chúng tôi sẵn sàng đoàn kết với thanh niên và nhân dân pháp để chống bọn thực dân đế quốc và bảo vệ hòa bình thế giới”.
La Văn Cầu cũng đã góp phần làm công tác tuyên truyền cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành. Đoàn đại biểu Việt Nam đã được dư luận quốc tế hoan nghênh.
Sau khi từ Berlin về, La Văn Cầu cùng những đại biểu tham dự Đại hội Thanh niên và sinh viên thế giới đã dành gần 2 tháng để đi tuyên truyền về Đại hội và tình cảm của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Bản báo cáo thành tích của La Văn Cầu cho biết: trước khi bị thương và chuyển sang công tác khác, anh đã ở trong bộ đội được 3 năm, tham dự 25 trận đánh lớn nhỏ, bản thân anh đã tiêu diệt hơn một tiểu đội địch, thu được nhiều súng đạn, đặc biệt là góp phần vào việc tiêu diệt vị trí Đông Khê trong chiến dịch Biên Giới.
Là con người trung thực, ngoài những thành tích đã báo cáo, La Văn Cầu cũng tự kiểm điểm: “Tôi còn có khuyết điểm là nóng tính, tự ái, có khi làm cho anh em hiểu lầm trong lời nói, nhiều khi không được chỉnh tề. Khi nói không biết suy nghĩ trước sau. Khi ra trận cũng có đôi khi tự tư tự lợi như cướp được nhiều chiến lợi phẩm thì muốn tìm cách giấu Ban Chỉ huy và anh em đồng đội. Đến khi bị thương, làm tròn nhiệm vụ ở Đông Khê, được Ban hỉ huy khen thưởng và được anh em bộ đội đề cao, thì có lúc có ý nghĩ tự kiêu. Tôi đã cố gắng sửa chữa và xin hứa sẽ cố gắng sửa chữa nhiều hơn nữa”.
Kết luận bản báo cáo thành tích, La Văn Cầu viết: “Tôi được vinh quang ngày hôm nay là nhờ ơn Bác, nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Chính phủ, Mặt trận, nhân dân đã dạy dỗ tôi, giáo dục tôi, dìu dắt tôi. Trước kia, tôi không được học hành, đói rách, không mở mày mở mặt được. Nhờ có cách mạng, tôi được hiểu biết, được no ấm, lại được ra nước ngoài sành vai với anh em thanh niên quốc tế. Tôi lấy làm cảm động sung sướng quá. Tôi không bao giờ dám quên ơn Bác, quên ơn Đảng, Chính phủ, Mặt trận, nhân dân. Tôi xin hứa luôn cố gắng và thi đua mãi mãi để xứng đáng với vinh dự hôm nay”.
Có thể nói, bản báo cáo thành tích của La Văn Cầu cho thấy tinh thần chiến đấu dũng cảm cũng như những đức tính tốt của anh như giúp đỡ đồng đội, chia sẻ khó khăn, dìu dắt những chiến sĩ trẻ, góp ý xây dựng cho đồng chí, đồng đội, đặc biệt là đức tính khiêm tốn, ham học hỏi và luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ. Mặc dù trình độ học vấn chưa được cao, nhưng La Văn Cầu cho thấy anh là con người đã nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng về kháng chiến, kiến quốc, thực sự là một chiến sĩ tiêu biểu, xứng đáng được vinh danh tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc năm 1952.
Từ khi được vinh danh anh hùng cho đến nay đã 72 năm, La Văn Cầu vẫn giữ mãi tấm gương người anh hùng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc và tấm gương đạo đức cho các thế hệ mai sau noi theo.
Bình Nguyễn