“Thế trận lòng dân” là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí, niềm tin, quyết tâm của toàn dân tộc, được khơi dậy, quy tụ và phát huy, tạo nền tảng chính trị - tinh thần vững chắc, cho phép huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Những yếu tố cấu thành “thế trận lòng dân”
Yếu tố cấu thành “thế trận lòng dân” là những yếu tố bên trong quyết định sự tồn tại, phát triển của “thế trận lòng dân”, các yếu tố đó bao gồm:
Một là, lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, ý thức tự lực, tự cường của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc;
Hai là, nhận thức của nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
Ba là, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa;
Bốn là, tinh thần trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân;
Năm là, ý chí quyết tâm của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tồ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thế trận lòng dân được biểu hiện tập trung ở toàn dân đoàn kết thành một khối vững chắc xung quanh Đảng và Chính phủ, cùng hành động thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ; giữ vững niềm tin, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên quyết đập tan mọi âm mưu chống phá của các thể lực thù địch, vì mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Chủ trương của Đảng về xây dựng “thế trận lòng dân” trước năm 2021
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (tháng 4/2006), lần đầu tiên Đảng ta sử dụng thuật ngữ “thế trận lòng dân” để nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân”. Đảng xác định: “Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân làm nòng cốt”[1].
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI (tháng 01/2011), chỉ rõ: “Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc”[2].
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII (tháng 01/2016), một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”[3] trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Toàn dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ tạo nên "thế trận lòng dân"
Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định vai trò quan trọng của xây dựng “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
Đại hội lần thứ XIII của Đảng (tháng 01/2021), xác định: “Xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”[4].
So với các kỳ đại hội trước của Đảng, “thế trận lòng dân” được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Đây không đơn thuần là sự sắp xếp cơ học mà đó là sự khẳng định, bổ sung, có sự phát triển mới về tư duy của Đảng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc:
Thứ nhất, xuất phát từ truyền thống dân tộc, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, hiếm có dân tộc nào trên thế giới mà sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc lại phải thường xuyên chống lại những kẻ thù to lớn, hung bạo như Việt Nam. Nguyên nhân cơ bản giúp dân tộc ta đánh thắng mọi kẻ thù có tiềm lực quân sự lớn mạnh hơn rất nhiều lần là bởi chúng ta luôn ý thức rất rõ vai trò to lớn, yếu tố quyết định thắng lợi là sức mạnh của “lòng dân”.
Nhà Trần (thế kỷ XIII) với tinh thần “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”; “Tận dân vi binh, phụ tử chi binh”. Trước kẻ thù hung bạo, đầu năm1285, Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông xuống chiếu mở một cuộc hội nghị hết sức quan trọng ở điện Diên Hồng, sử sách gọi đó là Hội nghị Diên Hồng. Tham dự hội nghị này là các vị bô lão, đại diện cho nhân dân cả nước. Vì vậy, cả 3 lần, chúng ta đã đánh thắng quân Mông - Nguyên, một đế chế hung bạo và hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.
Trái lại, lịch sử cũng cho chúng ta thấy bài học thất bại về không biết phát huy thế trận lòng dân. Nhà Hồ, dù cho cha con Hồ Quý Ly đã xây dựng đội quân tinh nhuệ, được các nhà sử học đánh giá là mạnh nhất so với các thời kỳ trước đó, song, đội quân đông đảo đó nhanh chóng bị thất bại. Nhà Hồ sụp đổ chỉ sau 7 năm thành lập. Hồ Nguyên Trừng, con trưởng của vua Hồ Quý Ly, có nhiều đóng góp về khoa học quân sự và là chỉ huy chính của quân đội trong kháng chiến chống quân Minh (1406 - 1407). Ông đã nói với vua cha Hồ Quy Ly trước đó rằng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chỉ rõ: Quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính ra lịch sử và quyết định sự phát triển của lịch sử. V.I. Lênin khẳng định “Cuộc cách mạng chỉ thực sự là một cuộc cách mạng khi nào hàng chục triệu người đồng lòng hăng hái nổi dậy”[5].
Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của nhân dân vào thực tiễn Việt Nam, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của “lòng dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Theo người, trong xã hội muốn thành công phải có 3 điều kiện là: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Người phân tích: Ba điều kiện này đều quan trọng, nhưng quan trọng nhất là nhân hòa, nghĩa là mọi người đều nhất trí, đồng lòng. Từ đó Người khẳng định một chân lý: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”[6].
Thứ hai, xuất phát từ mối quan hệ giữa “thế trận lòng dân” với “thế trận quốc phòng toàn dân” và “thế trận an ninh nhân dân”.
Thế trận lòng dân là yếu tố nền tảng, quyết định “thế trận quốc phòng toàn dân” và “thế trận an ninh nhân dân”:
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm 3 yếu tố: Xây dựng tiềm lực, xây dựng lực lượng và xây dựng thế quốc phòng toàn dân, trong đó “thế trận lòng dân” là yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng thế quốc phòng toàn dân.
Đó là sự kế thừa tư tưởng “người trước, súng sau” của Hồ Chí Minh và được khẳng định trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019: “Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng trên nền tảng “thế trận lòng dân”.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xác định nội dung xây dựng “thế trận lòng dân” lên một tầm cao mới. So với Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII, dự thảo Báo cáo Chính trị lần này không chỉ tiếp tục khẳng định vấn đề xây dựng thế trận lòng dân mà còn bổ sung vấn đề “phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân”. Việc khẳng định phải xây dựng, phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân không chỉ phù hợp với vị trí, vai trò của “thế trận lòng dân” mà còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Xuất phát từ vị trí, vai trò “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng ta khẳng định:“Thế trận lòng dân” là nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở nước ta hiện nay. Sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân phụ thuộc rất lớn vào “thế trận lòng dân”. Thế trận lòng dân là mạch nguồn để động viên mọi lực lượng của đất nước cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; là chỗ dựa vững chắc, là niềm tin cho mọi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng xả thân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ có “thế trận lòng dân” vững chắc mới quy tụ được lòng người, quy tụ được lực lượng vật chất và tinh thần, tạo nên sức mạnh to lớn bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nếu không tạo được “thế trận” mà để “lòng dân” ly tán thì đó là nguy cơ mất nước trước họa xâm lăng của các thế lực bên ngoài. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam khẳng định: “Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp quốc phòng Việt Nam”[7].
Bộ đội biên phòng và dân quân tuần tra bảo vệ biên giới tại Hà Giang
Làm thế nào để xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”
Cần một giải pháp tổng thể, đồng bộ, toàn diện để xây dựng và phát huy thế trận lòng dân trong những năm tới đây, để có thể đạt mục tiêu đưa nước ta thành nước phát triển vào năm 2030 và phát triển cao vào năm 2045.
Một là, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương cần kịp thời đề ra và triển khai thực hiện tốt những chủ trương, chính sách “hợp lòng dân” nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là ở những vùng đang còn gặp nhiều khó khăn, vùng căn cứ cách mạng trước đây, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo.
Hai là, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển nhanh và bền vững, đi đôi với bảo đảm cho nền kinh tế phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, không ngừng phát triển lực lượng sản xuất, tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là thu hẹp dần khoảng cách phân hóa giàu-nghèo.
Ba là, quan tâm giải quyết tốt những vấn đề xã hội, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam, tạo nên sự đồng thuận xã hội rộng lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được “thụ hưởng” mọi thành quả lao động mà chính mình đã sáng tạo ra.
Bốn là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, nhất là chăm lo xây dựng đội ngũ đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, là “đầy tớ” trung thành của nhân dân.
Năm là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tăng cường cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước vừa có đức, vừa có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, nhất là phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp, tác phong công tác, xứng đáng là “công bộc” của dân.
Sáu là, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, nhất là trong bộ máy Đảng và Nhà nước, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; làm trong sạch bộ máy, trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm khắc, dứt điểm các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng gây hậu quả lớn nhằm củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nhận thức và tư duy mới của Đảng về xây dựng thế trận lòng dân trong nền quốc phòng Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là những chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược. Đồng thời, đây là kết quả của việc tổng kết sâu sắc quá trình lãnh đạo của Đảng về củng cố, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc qua 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước. Có thể khẳng định, đất nước ta có đạt được những mục tiêu đề ra cho năm 2030 và năm 2045 hay không phụ thuộc rất lớn vào việc có xây và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” hay không. Được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, dựa vào dân, đó là “chìa khóa” dẫn đến thành công.
Nguyệt Ánh
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.109.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr.234.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2016, tr.149.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.157.
[5] V.I. Lênin: Toàn tập, tập 36, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2005, tr.613.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.4, tr.89.
[7] Bộ Quốc Phòng: Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.49.