Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã hy sinh trọn đời mình cho dân, cho nước, Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đấu tranh giành chính quyền, dựng xây nhà nước Việt Nam mới của dân, do dân, vì dân và để lại di sản tư tưởng dẫn lối, chỉ đường cho cách mạng Việt Nam hôm nay và mai sau. Nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng ta cũng không quên các bậc thân sinh của Người đã có công sinh thành, dạy dỗ, định hướng con đường mà Người đã đi vì dân, vì nước, trong đó đặc biệt là thân sinh của Người: cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Hiện nay, nếu ra Quy Nhơn, Bình Định chúng ta sẽ nhìn thấy bức tượng cha con Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành đứng ở Quảng trường trung tâm. Bức tượng ấy là công trình ghi dấu ấn lịch sử và cũng là nơi mang thông điệp để cho hôm nay và mai sau hiểu về hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hun đúc, nuôi dưỡng và chỉ dẫn từ người cha kính yêu của Người.
Khoa thi năm Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901), triều đình lấy đỗ 9 tiến sĩ và 13 phó bảng. Trong 13 phó bảng của khoa thi năm ấy, người đứng thứ 11 là Nguyễn Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc, tên cụ đổi từ khi đi thi hội năm ấy) và người đứng thứ 13, đứng cuối bảng trong danh sách là Phan Châu Trinh, người sau này đã có thời gian gắn bó và giúp đỡ người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi Người ở Pháp.
Cả 2 cụ Phan là Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu đều là chỗ thân tình với cụ Nguyễn Sinh Sắc và cả 2 cụ đều có mong muốn Nguyễn Tất Thành sẽ đi theo con đường của các cụ, song Nguyễn Tất Thành đã chọn con đường riêng của mình. Người đã không đi sang Nhật Bản theo cụ Phan Bội Châu vào tháng 7/1905 mà được cha mình gửi vào học trường Tiểu học Pháp - Việt ở Vinh, rồi sau đó chuyển vào học trường Pháp - Việt ở Đông Ba (Huế).
Với cụ Phan Châu Trinh, trước khi Nguyễn Tất Thành sang Pháp, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã dẫn con trai của mình xuống Mỹ Tho gửi cho bác Phan Châu Trinh. Trong bài viết của tác giả Phan Thị Minh, cháu nội cụ Phan, đăng trên Tạp chí Xưa và Nay số 4 (1995), có đoạn viết: “…Cuộc gặp gỡ trên nếu có, chỉ diễn ra tại Mỹ Tho. Sự khẳng định này càng được củng cố khi liên hệ với nội dung mà anh Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác Hồ đã xác nhận lời Bác phát biểu về cụ Phan Châu Trinh: “Mình biết cụ từ trong nước rất sớm và cụ là bạn thân của cha mình. Lúc đi Pháp là dựa vào cụ, ở Pháp cũng dự vào cụ để sống và hoạt động…” (Anh Vũ Kỳ nói ngày 2/3/1993, có chứng kiến và xác nhận của bảo tàng hồ Chí Minh)[1]”.
Ngày 18/6/1919, Hội những người An Nam yêu nước ở Pháp đã gửi tới gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles bản Yêu sách của nhân dân An Nam còn gọi là Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam (Revendications du peuple annamite) do 3 người đồng soạn thảo là Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành. Bản yêu sách này được giao cho Nguyễn Tất Thành thay mặt ký và Người đã ký cái tên chung là "Nguyễn Ái Quốc"…
Tranh lịch sử mô tả Nguyễn Tất Thành tham gia đấu tranh chống thuế tại Trung Kỳ (Tranh tư liệu Trường Quốc học Huế)
Có thể thấy, trong con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thì ảnh hưởng từ người cha Nguyễn Sinh Sắc là rất lớn. Rồi đây, lịch sử chắc chắn sẽ mất nhiều giấy mực để tiếp tục giải mã về những quyết định sáng suốt của người cha Nguyễn Sinh Sắc tới con trai Nguyễn Tất Thành của mình. Cụ Nguyễn Sinh Sắc là nhà Nho, song cụ lại hướng con trai của mình trau dồi tiếng Pháp. Năm 1906, khi vào Huế nhận chức Thừa biện Bộ lễ, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã mang theo con trai nhỏ của mình khi ấy là Nguyễn Tất Thành. Ở Huế, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nhờ bạn của mình là họa sỹ Tây học tài năng Lê Huy Miến dạy tiếng Pháp cho Nguyễn Tất Thành. Thầy Lê Huy Miến chính là người thầy đầu tiên dạy tiếng Pháp cho Nguyễn Tất Thành. Trước đó, trong một buổi bàn bạc giữa hai người, họa sỹ Lê Huy Miến có trao đổi với cụ Nguyễn Sinh Sắc rằng: “Đã đến lúc cho Nguyễn Sinh Côn (tên hồi nhỏ của Nguyễn Tất Thành - NV) học chữ mới[2]”. Và rằng, “muốn hiểu rõ kẻ thù phải hiểu thấu ngôn ngữ của nó[3]”.
Không những vậy, khi học xong bậc tiểu học, ở Huế, Nguyễn Sinh Côn đã thi đỗ vào Trường Quốc học Huế. Chính tại ngôi trường này, vốn tiếng Pháp của Nguyễn Tất Thành đã được nâng lên rất nhiều. Khi cụ Nguyễn Sinh Sắc được triều đình bổ đi nhậm chức Tri huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, Bình Định) thì ở Huế, Nguyễn Tất Thành tham gia các hoạt động yêu nước, chống Pháp và lọt vào “sổ đen” của mật thám Pháp.
Vì lẽ ấy, Nguyễn Tất Thành đã quyết định rời bỏ trường học đi về phương Nam. Ở Quy Nhơn, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nhờ một người bạn của mình là nhà giáo Phạm Ngọc Thọ (cha đẻ bác sỹ Phạm Ngọc Thạch), khi ấy đang sống và làm việc ở Quy Nhơn bồi dưỡng thêm tiếng Pháp cho con trai của mình để chuẩn bị cho “tương lai trước khi vượt biển khơi - mà ông biết chắc con mình đã từng nhìn chăm chăm ra biển xanh thăm thẳm nhiều giờ liền[4]”.
Tượng đài cha con Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại Bình Định
Khi ở Quy Nhơn, có lần Nguyễn Tất Thành lặn lội tới nhiệm sở thăm cha, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nói với con trai của mình rằng: “Nước mất thì đi tìm nước. Lần này đi tìm cha phỏng ích gì?[5]”.
Khi ấy, phong trào chống sưu thuế ở Quảng Nam đã bị thực dân Pháp đàn áp dã man, hàng loạt những người yêu nước khi ấy bị tàn sát: Ở Huế, các ông Hoàng Thông, Lê Đình Mộng bị đày biệt xứ, các ông Phạm Toản, Nguyễn Mạnh Cầm là những người cầm đầu phong trào chống thuế ở Huế bị tử hình; cụ Phan Châu Trinh bị bắt từ Hà Nội mang về Huế và bị kết án tử hình; các ông Trần Quý Cáp, Nguyễn Hằng Chi chỉ liên quan đến phong trào cũng bị xử tử hình; các ông Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế và nhiều người bạn của cụ Nguyễn Sinh Sắc đều bị bắt, đày đi Côn Đảo cùng với hàng trăm người khác bị chém giết hoặc bị đưa đi đầy biệt xứ…
Chính từ những trăn trở, suy tư, kiểm nghiệm thực tiễn bằng cái nhìn tỉnh táo trước thời cuộc đã mở ra hướng đi mới mà cụ Nguyễn Sinh Sắc đã truyền ý tưởng ấy cho con trai Nguyễn Tất Thành của mình: “Những năm tháng bên cạnh người cha thân yêu, Nguyễn Tất Thàn đã được chuẩn bị về nhiều mặt. Chính sự chuẩn bị này làm cho quyết tâm ra đi đến các nước phương Tây của Nguyễn Tất Thành càng sớm thực hiện[6]”.
Đánh giá về việc đi sang phương Tây của Nguyễn Tất Thành, giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Định hướng cho cách mạng là vấn đề trọng đại nhất đầu thế kỷ 20. Đi ngả nào mới tới đích? Đường cứu nước là đường nào? Trong khi các chí sỹ lớn tuổi đi tìm ở phương Đông (Nhật) rồi tới hướng Bắc (Tàu) thì thanh niên Nguyễn Tất Thành đi sang châu Âu (1911). Tìm cách đánh đuổi thực dân Tây phương mà đi về hướng Tây. Đi ngược chăng? Chưa một ai ngờ rằng đi ngược mà sẽ về xuôi. Không vào hang hổ sao trói được hổ[7]”.
Như vậy, dù không nói ra nhưng rõ ràng cụ Nguyễn Sinh Sắc đã ngầm ủng hộ con trai của mình và đã âm thầm chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để Nguyễn Tất Thành ra đi.
Ngày 01/7/1909, Nguyễn Sinh Sắc lên đường vào Bình Định nhận chức Tri huyện Bình Khê. Trước khi lên đường, cụ đã viết một số bức thư gửi gắm con trai của mình cho những người quen biết. Trước đó, khi cụ Nguyễn Sinh Sắc vào Huế nhận chức quan của triều đình, có người bà con ngỏ lời xin theo hầu cụ để có nơi nương nhờ, cụ đã chân thành nói: “Anh ở nhà mà cày bừa làm ăn, tôi đi đi chưa chắc đã làm quan. Nếu làm quan chưa chắc đã làm quan lâu[8]”.
Đối với rất nhiều những nhà Nho yêu nước khi ấy thì “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ”, nghĩa là “Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn”. Có lẽ vì vậy mà hàng loạt các nhà Nho khi ấy đã phản kháng, thức tỉnh nhưng rồi họ đều bị bắt, đưa đi đày, xử tử hình.
Là vị quan luôn đứng về phía những người nghèo khổ, Tri huyện Nguyễn Sinh Sắc căm ghét bọn cường hào ác bá địa phương vì chúng luôn dựa vào người Pháp để bức hiếp dân lành. Sau một vụ xử một người vi phạm và người ấy bị đánh không may bệnh và qua đời mấy tháng sau đó, cụ Nguyễn Sinh Sắc bị giáng 4 cấp và bị triệu hồi về kinh đô. Tờ tâu của bộ Hình ngày 23/9/1910 có đoạn nói rằng do người bị đánh sau 2 tháng ốm mà mất “chớ không phải bị đánh chết tức thì, tình có thể tha thứ (…) xin cho Bộ Lại tôi cải bổ về làm quan ở kinh đô[9]”.
Đã chán quan trường nên cụ Nguyễn Sinh Sắc lên lên đường vào Nam để rồi gắn bó với vùng đất Nam Bộ từ năm 1911 đến khi qua đời vào năm 1929…
Có thể khẳng định rằng, nhân cách và tư tưởng yêu nước của Nguyễn Sinh Huy đã ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách và tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất Thành. Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Trong việc tìm đường cứu nước của người thanh niên này có ảnh hưởng gì của cha là Nguyễn Sinh Sắc không? Tôi muốn nghĩ rằng ảnh hưởng của vị thầy học đầu tiên và gần gũi nhất dù sao cũng quan trọng[10]”.
Hồng Phúc
[1] Nguyễn Hữu Hiếu: Một người cha, Nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2020, tr. 119 - 120
[2] Trần Nhu: Nguyễn Sinh Sắc: Cụ Phó bảng xứ Nghệ, một nhân cách lớn, Nxb Văn học, Hà Nội, 2015, tr. 131.
[3] Trần Nhu: Nguyễn Sinh Sắc: Cụ Phó bảng xứ Nghệ, một nhân cách lớn, Sđd, tr. 131.
[4] Trần Nhu: Nguyễn Sinh Sắc: Cụ Phó bảng xứ Nghệ, một nhân cách lớn, Sđd, tr. 133.
[5] Nguyễn Hữu Hiếu: Một người cha, Sđd, tr. 64.
[6] Nguyễn Hữu Hiếu: Một người cha, Sđd, tr. 107.
[7] Trần Văn Giàu: Hồ Chí Minh - Chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại, Nxb.Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr. 21.
[8] Tư liệu của Khu Di tích Kim Liên, dẫn theo Nguyễn Hữu Hiếu: Một người cha, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, tr. 91.
[9] Nguyễn Hữu Hiếu: Một người cha, Sđd, tr. 112-113.
[10] Trần Văn Giàu: Kỷ yếu Hội thảo khoa học về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, 1990, tr. 31.