Thực chất luận điểm “Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”
Khi nghiên cứu về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất đã vượt xa so với các giai đoạn trước, C.Mác tiên đoán: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến (wissen knowledge) đã chuyển hóa đến mức độ nào đó thành lực lượng sản xuất trực tiếp, do đó nó cũng là chỉ số cho thấy những điều kiện của quá trình sống của xã hội đã phục tùng đến một mức độ nào sự kiểm soát của trí tuệ phổ biến và đã được cải tạo đến mức độ nào không những dưới hình thức tri thức mà cả như là những cơ quan thực hành xã hội trực tiếp, những cơ quan trực tiếp của quá trình sống hiện thực”[1].
Theo luận điểm trên của C.Mác, tri thức khoa học đã làm cho tư bản cố định như: nhà xưởng, máy móc được dùng trong sản xuất chuyển hóa đến một mức độ nhất định nào đó sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Nghĩa là, tri thức khoa học được ứng dụng, được vật hóa thành máy móc, thành công cụ sản xuất của con người và được người lao động sử dụng trong quá trình sản xuất. Do đó, nó trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Điều kiện để tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp được C.Mác khẳng định như sau: “Sự phát triển của hệ thống máy móc trên con đường ấy chỉ bắt đầu khi nền đại công nghiệp đã đạt được một trình độ phát triển cao hơn và tất cả các môn khoa học đều được phục vụ tư bản, còn bản thân hệ thống máy móc hiện có thì có những nguồn lực to lớn. Như vậy, phát minh trở thành một nghề đặc biệt và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích”[2].
Các Mác (1818-1883)
Luận điểm trên của C.Mác cho thấy khoa học trở thành lực lượng sản xuất với điều kiện là khoa học phải tồn tại dưới dạng lao động được vật hóa thành máy móc. Điều đó cũng có nghĩa là khoa học tự bản thân nó không thể tạo ra bất kỳ tác động nào mà phải thông qua sự vận dụng và hoạt động thực tiễn của con người thì khoa học mới có thể phát huy được tác dụng. Tuy nhiên, nhiều người lại bỏ qua điều kiện đó và cho rằng luận điểm trên của C.Mác cần được hiểu khoa học là yếu tố độc lập, đứng bên ngoài hai yếu tố vốn có cấu thành của lực lượng sản xuất là tư liệu sản xuất và người lao động.
Giá trị thời đại trong luận điểm của C.Mác
Gần đây, trước sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ hiện đại với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI) qua các sản phẩm “người máy thông mình”, “rô-bốt nhân tạo”, một số nhà kỹ trị phương Tây đã lên tiếng cho rằng rằng luận điểm “khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp” của C.Mác cần được hiểu là những thành tựu của khoa học đã và đang dần thay thế vai trò của con người nên con người, người lao động không còn là yếu tố đóng vai trò quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất nữa. Đây là cách hiểu phiến diện, cố tình bóp méo quan điểm của C.Mác nhằm phủ nhận vai trò quyết định của người lao động với sự phát triển của lực lượng sản xuất, hay sâu xa hơn là phủ nhận vai trò, sứ mênh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Vậy cần phải hiểu luận điểm này của C.Mác như thế nào trong bối cảnh phát triển của khoa học - công nghệ hiện nay?
Có thể khẳng định trong giai đoạn hiện nay, mặc dù “người máy thông mình”, “rô-bốt nhân tạo” đang có xu hướng thay thế dần cả lao động giản đơn và lao động phức tạp nhưng điều đó không có nghĩa là khoa học - công nghệ hiện đại trở thành yếu tố quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất, từ đó người lao động trở thành yếu tố thứ yếu, đứng bên ngoài quá trình sản xuất.
Trong bất cứ thời đại nào, người lao động vẫn là nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Về thực chất, khoa học - công nghệ trước hết là sản phẩm của quá trình nhận thức, sản phẩm của sự phát triển trí tuệ của con người. Có thể nói, do yêu cầu của sản xuất mà con người đã sáng tạo và quyết định khuynh hướng, tốc độ phát triển của khoa học - công nghệ, đồng thời quyết định việc sử dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất theo mục đích của mình. Do đó, dù khoa học - công nghệ có thể tạo ra một cuộc cách mạng vĩ đại trong phát triển lực lượng sản xuất nhưng bản thân nó không bao giờ có thể trở thành một yếu tố độc lập, đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Thực tế cho thấy, kỹ thuật, công nghệ hiện đại với tư cách là phần vật chất trong các yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất dù năng động và cách mạng đến mấy cũng chỉ là sản phẩm do bàn tay và khối óc của con người làm ra và chịu sự điều khiển, giám sát của con người. Do đó, dù trí tuệ nhân tạo dẫu được mệnh danh là tiên tiến đến đâu cũng chỉ là sản phẩm của con người, hoạt động của nó phụ thuộc vào những chương trình mà con người đã lập ra, đã cài đặt vào máy tính điện tử và người máy công nghiệp. Vì vậy, khoa học - công nghệ là của con người, gắn liền với con người, phụ thuộc vào con người và phải thông qua hoạt động của con người mới có thể được vật hóa vào quá trình sản xuất. Nếu không xuất phát từ con người, được tiến hành bởi con người và không hướng về mục đích phục vụ con người, không có quá trình sản xuất nào có đủ lý do để tồn tại và phát triển.
Vì thế, trong bất cứ thời đại nào, kể cả thời đại của khoa học - công nghệ hiện đại, người lao động vẫn là nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất. Điều đó cho thấy, bản thân khoa học sẽ không thể trở thành lực lượng sản xuất nếu không thông qua hoạt động, ý thức của con người. Do đó, có thể nói, chính con người tạo ra khoa học, mang đến cho khoa học sức mạnh vật chất để thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất. Do đó, “Đối với Mác, khoa học là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng”[3].
Như vậy, luận điểm “Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp” của C.Mác không nên hiểu một cách phiến diện, máy móc, bỏ qua lưu ý của C.Mác về điều kiện của nó. Từ đó, cố tình bóp méo để xuyên tạc nội dung hoặc phủ nhận giá trị của luận điểm đó trong giai đoạn hiện nay.
Chiên Lê