Đây là những luận điệu rất nguy hiểm, với ý đồ, mục đích đen tối nhằm hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng của nhân dân ta; hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, việc cung cấp những cơ sở lịch sử phản bác những luận điệu xuyên tạc này chưa bao giờ hết tính thời sự.
1. Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954) giành được thắng lợi, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đập tan kế hoạch Nava, một kế hoạch thể hiện cố gắng quân sự cao nhất, cuối cùng của Pháp, có sự giúp đỡ của Mỹ. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao.
Với những thắng lợi của quân và dân ta trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, trước hết là mặt trận quân sự, đỉnh cao là chiến thắng của Điện Biên Phủ đã làm cho thực dân Pháp tổn thất nặng nề, buộc chúng “không thương lượng hòa bình không được”.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng) diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17-7-1954, khẳng định: “tình thế trong nước phát triển ngày càng có lợi cho ta; địch đang gặp nhiều khó khăn tuy chúng vẫn không ngừng dãy giụa”, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “đã đánh dấu một bước tiến rất lớn của quân và dân ta. Những thắng lợi ấy đã làm cho lực lượng so sánh giữa ta và địch biến chuyển có lợi cho ta nhưng chưa phải biến chuyển căn bản có tính chất chiến lược”.
Hội nghị Giơnevơ diễn ra từ ngày 8-5-1954 đến ngày 21-7-1954. Ảnh tư liệu.
Mặt khác, Đảng ta cũng chỉ rõ: “chúng ta cũng cần nhận rõ do chiến tranh trường kỳ, nhân dân ta đã phải đóng góp sức người sức của cũng nặng. Nếu chiến tranh kéo dài thì có thể sinh ra những hiện tượng mệt mỏi và khó khăn của chúng ta có thể nhiều hơn”. Về tình hình quốc tế, Hội nghị nêu rõ: “Nếu đế quốc Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh Đông Dương thì lực lượng so sánh giữa ta và địch sẽ có thể thay đổi không có lợi cho ta”.
Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước và quốc tế, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương: “dùng phương pháp thương lượng để lập lại hòa bình ở Đông Dương” là một chủ trương đúng, cần thiết.
Những dẫn liệu, phân tích trên cho thấy, việc đàm phán và ký Hiệp định Giơnevơ đã được Đảng cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, căn cứ vào điều kiện cụ thể của cuộc kháng chiến, cũng như so sánh lực lượng giữa ta và Pháp trong cuộc chiến tranh, theo xu hướng chung giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới bằng thương lượng. Do đó, một giải pháp thay thế cho Hiệp định Giơnevơ là không thể có được, dù đó là giải pháp tiếp tục kháng chiến đến giành thắng lợi hoàn toàn hay là tiếp tục thực hiện “vừa đánh, vừa đàm”, chờ cơ hội có lợi nhất cho ta.
2. Sau hai tháng rưỡi đàm phán (từ ngày 8-5-1954 đến ngày 21-7-1954), Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Hiệp định Giơnevơ gồm có ba bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia; bản Tuyên bố cuối cùng và một số văn kiện khác.
Qua nội dung các văn kiện cho thấy, Hiệp định Giơnevơ là văn bản pháp lý quốc tế về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đánh dấu sự thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chấm dứt ách đô hộ kéo dài hàng thế kỷ của thực dân Pháp ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương. Đặc biệt, các nước tham gia Hội nghị công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia là chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ (Điều 12 bản Tuyên bố cuối cùng).
Đối với Việt Nam, Hiệp nghị Giơnevơ được ký kết, từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc hoàn toàn được giải phóng, là cơ sở để xây dựng một nước Việt Nam, một chế độ xã hội tiến bộ, làm cơ sở vững chắc để tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Hiệp định Giơnevơ đã ghi nhận thắng lợi to lớn có tính bước ngoặt của cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do của dân tộc. Nó xác nhận trên phạm vi quốc tế sự thất bại của cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn của một đế quốc hùng mạnh, đánh dấu sự mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên quy mô toàn cần, góp phần quan trọng cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc thuộc.
Cố nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, cuộc đàm phán Giơnevơ năm 1954 có sự tham gia, toan tính, thỏa thuận lợi ích của các nước lớn phản ánh đúng “bàn cờ thế giới” sau năm 1945, nên kết quả của Hội nghị Giơnevơ 1954 về hòa bình ở Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung chưa đáp ứng được tất cả các yêu cầu và mục tiêu của Trung ương Đảng, Chính phủ đề ra lúc ban đầu như phân chia giới tuyến, thời hạn tổng tuyển cử, vấn đề vùng tập kết của các lực lượng kháng chiến Lào Itsala và Khmer Itsarak...
3. Các văn kiện chủ yếu cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ về Hiệp định đình chỉ chiến sự được ký kết và bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị được các bên thỏa thuận ngày 21-7-1954 tạo thành khung pháp lý cho tất cả các bên thực hiện. Trong đó, những điều khoản cơ bản nhất như về quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia (Điều 12); về việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện bằng tổng tuyển cử vào tháng 7-1956 (Điều 7); về giới tuyến quân sự ở vĩ tuyến 17 chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi là một ranh giới về chính trị hay lãnh thổ (Điều 6); không được tham gia liên minh quân sự, không lập căn cứ quân sự nước ngoài (Điều 4); cấm đưa nhân viên quân sự quân đội nước ngoài vào Việt Nam (Điều 4) là căn cứ để chúng ta đấu tranh đòi đối phương phải thực hiện.
Tuân thủ thi hành những điều khoản đã ký kết, Trung ương Đảng đã thành lập Ban Thi hành hiệp định đình chiến Trung ương. Kết quả là, đấu tranh thi hành Hiệp định trên các vấn đề như đình chỉ chiến sự, ngừng bắn, chuyển quân, phân vùng, tập kết,… về cơ bản được giải quyết theo kế hoạch nhưng cuộc đấu tranh thi hành các điều khoản chính trị về bình thường hóa quan hệ hai miền, hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà,… thì đế quốc Mỹ và chính quyền Diệm đã cố tình khước từ, dứt khoát không chịu thi hành, tìm mọi cách chống hiệp thương tổng tuyển cử.
Trên thực tế, ý đồ và tính toán của đế quốc Mỹ không gây bất ngờ đối với chúng ta, bởi lẽ trong Hội nghị Giơnevơ, phái đoàn Mỹ đã tìm mọi cách phá hoại tiến trình lập lại hòa bình ở Đông Dương và khi không phá được Hội nghị, Mỹ đã tổ chức khối quân sự Đông Nam Á (SEATO), nhảy vào miền Nam Việt Nam thẳng tay hất cẳng Pháp, trực tiếp xâm lược nước ta. Mỹ - Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu và đây mới là nguyên nhân gây ra cảnh “đẫm máu và nước mắt” cho đồng bào miền Nam chứ không phải như giọng điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch thường xuyên rêu rao.
Thực hiện chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, mưu đồ của đế quốc Mỹ là tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước của nhân dân ta, thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam Á, lấy Việt Nam làm “bàn đạp” để tấn công hệ thống xã hội chủ nghĩa,… Và như vậy, từ năm 1954, đế quốc Mỹ trở thành kẻ thù, đối tượng trực tiếp của cách mạng Việt Nam.
Ngay từ khi đang bàn Hội nghị Giơnevơ, Mỹ đã tính dựng các con bài để thế chân Pháp tiếp tục cuộc chiến ở Đông Dương. Đây là hình ảnh Ngô Đình Diệm thăm chính thức Hoa Kỳ năm 1957 sau khi Mỹ phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Ảnh tư liệu.
Quan trọng hơn, cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơnevơ đã góp phần làm rõ đúng - sai, chính nghĩa - phi nghĩa: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tha thiết với hòa bình, tôn trọng những điều khoản đã ký kết của Hiệp định, quyết tâm thống nhất; còn ngược lại, đế quốc Mỹ và tay sai của Mỹ cố tình tìm mọi cách phá bỏ Hiệp định nhằm thực hiện những mưu đồ đen tối của chúng, vi phạm nghiêm trọng văn bản pháp lý mang tính quốc tế, chà đạp lên dư luận thế giới và lương tri của con người.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thực hiện khát vọng, tình cảm thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam. Do đó, trước hành động xâm lược của Mỹ nhân dân Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác, phải đối đầu với Mỹ, tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong cuộc đụng đầu không cân sức với đế quốc Mỹ - một cường quốc kinh tế và quân sự hiện đại và lớn nhất thế giới, tuy phải trải qua quá trình chiến đấu lâu dài, “phải hy sinh nhiều của, nhiều người”, cuối cùng dân tộc ta đã giành được chiến thắng, thực hiện trọn vẹn mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, thống nhất đất nước.
Như vậy, việc ký Hiệp định Giơnevơtrước hết thể hiện khát vọng hòa bình, thiện chí muốn kết thúc cuộc chiến bằng giải pháp đàm phán của Việt Nam; đồng thời đó cũng là một quyết định đúng lúc; kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp là phù hợp. Mọi sự xuyên tạc, phủ nhận thành quả về việc ký kết Hiệp định Giơnevơ đều là lạc lõng, cần phải lên án, phản bác.
Sông Hàn