Trong cuộc đảo chính lật đổ chế độ cai trị của nhà Ngô, bên cạnh phần lớn tướng lĩnh đã trở cờ, vẫn có một số tay chân thân tín, do không nắm được tình hình, nhưng chủ yếu đã dính líu quyền lợi với nhà họ Ngô quá sâu, nên công khai phản đối cuộc đảo chính và có kết cục bi thảm, trong số đó có hai anh em Lê Quang Tung và Lê Quang Triệu
Thân thế và sự nghiệp
Lê Quang Trung sinh năm 1919, nguyên là một sĩ quan cao cấp của Quân lực Việt Nam cộng hòa, cấp bậc Đại tá.
Lê Quang Tung xuất thân từ ngành công an quốc gia, sau chuyển sang quân đội, được thụ huấn từ những khóa đầu tiên tại trường Sĩ quan trừ bị do Chính phủ Quốc gia mở ra ở miền Nam Việt Nam.
Vào cuối thập niên 1950, Lê Quang Trung từng giữ chức Tư lệnh lực lượng đặc biệt Việt Nam Cộng hòa kiêm Chỉ huy trưởng Lữ đoàn liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống từ năm 1960, cho đến khi bị sát hại trong cuộc đảo chính năm 1963 nhằm lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm.
Cục tình báo Trung ương Mỹ từng xếp Lê Quang Tung là người có quyền lực thứ ba ở miền Nam Việt Nam, sau Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.
Lê Quang Trung có dáng người thấp, chắc, thường mang kính đen để che giấu ánh mắt và suy nghĩ, nên nhiều người luôn có cảm giác vô cùng bất an khi đối diện, vì không ai biết phía sau cặp kính đen kia là một con người như thế nào, đang nghĩ gì, sắp hành động gì. Đã có không ít người đang cười nói thân mật với Lê Quang Tung, nhưng chỉ ít phút sau đã bị thuộc hạ của ông ta khóa tay, đưa vào phòng kín tra tấn đến tật nguyền hoặc bị thủ tiêu.
Cha mẹ Lê Quang Tung vốn là gia nhân trung thành trong gia đình quan đại thần triều Nguyễn Ngô Đình Khả, bố của Ngô Đình Diệm, vì vậy các anh chị em của Lê Quang Tung đều lần lượt kế thừa nghiệp nô bộc cho gia đình quan lại này. Vì nối tiếp làm nô bộc cho gia đình họ Ngô, nên Lê Quang Tung truyệt đối trung thành với Ngô Đình Diệm. Trước khi rút quân, thực dân Pháp đã để lại cho chính quyền Đảo Đại một cơ quan tình báo mang tên Tổng nha Nghiên huấn. Cuối năm 1956, Ngô Đình Diệm giải tán để thành lập một cơ quan khác có cùng chức năng, đó là Sở Liên lạc trực thuộc Phủ Tổng thống.
Sở Liên lạc này do Mỹ tài trợ ngân quỹ và chịu sự điều khiển dưới danh nghĩa cố vấn của Đại tá tình báo quân đội Rogers. Lê Quang Trung được Ngô Đình Diệm cất nhắc lên làm Giám đốc của Sở này với hàm Trung tá. Con đường hoạn lộ của Tung bắt đầu mở rộng thênh thang.
Đến ngày 15/3/1963, Ngô Đình Diệm lại ra quyết định đổi tên cơ quan hoạt động gián điệp vũ trang này thành Lực lượng đặc biệt, thăng Lê Quang Tung lên hàm Đại tá, thời điểm này lực lượng đặc biệt có tổng quân số hơn 2.000 người. Ngoài ra, Lê Quang Tung còn được Ngô Đình Diệm giao nhiệm vụ chỉ huy Lữ đoàn liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống, còn Lê Quang Triệu, em trai Lê Quang Tung được thăng hàm Thiếu tá, Phó Tư lệnh lực lượng đặc biệt. CIA xếp Lê Quang Tung vào danh sách người có quyền lực thứ ba ở miền Nam, đứng sau Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Lê Quang Tung có toàn quyền quyết định, toàn quyền hành động mà không cần báo cáo trước với Ngô Đình Diệm cũng như Ngô Đình Nhu.
Giai đoạn 1956-1957, Sở Liên lạc của Lê Quang Tung chỉ làm nhiệm vụ thu thập tin tình báo. Ngày 24/6/1957, Mỹ bắt đầu đưa Liên đoàn 1 lực lượng đặc biệt vừa thành lập xong tại Okinawa sang Việt Nam để huấn luyện và cố vấn nghiệp vụ xâm nhập phá hoại cho 58 nhân viên hạt giống của Sở Liên lạc do Lê Quang Tung chỉ huy.
Đến tháng 9/1962, được sự cố vấn của Lucien Conein, Ngô Đình Diệm thành lập một đại đội đặc biệt gồm những nhân viên Sở liên lạc đã kinh qua khóa đào tạo biệt động cũng do Lê Quang Tung chỉ huy.
Năm 1963, nhận thấy hoạt động của các nhân viên Sở Liên lạc trùng với Lực lượng đặc biệt, Lê Quang Tung đề nghị Ngô Đình Diệm sáp nhập hai đơn vị này để thành lập Lực lượng đặc biệt. Lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung chịu sự điều khiển của cố vấn Mỹ và sử dụng ngân khoản của Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ MAAG.
Lê Quang Tung đã được xem như là một trong số sĩ quan quân đội hết lòng tôn thờ và trung thành với anh em Ngô Đình Diệm. Chính vì vậy, Lê Quang Tung bị con nuôi của anh em Ngô Đình Diệm là Tôn Thất Đính ghen ghét. Chính Tôn Thất Đính sau này cũng trở cờ, theo phe đảo chính.
Đại tá Lê Quang Tung (bên phải) (Ảnh tư liệu)
Không vừa lòng chủ Mỹ và cái kết thảm khốc
Trong khủng hoảng Phật giáo năm 1963 tại miền Nam, Ngô Đình Nhu đã tung Lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung trấn áp thô bạo, dã man tín đồ biểu tình, tấn công các cơ sở Phật giáo, đặc biệt là vụ tấn công chùa Xá Lợi ngày 21/8/1963 gây phẫn nộ dư luận miền Nam và quốc tế.
Dó có mẫu thuẫn với một số quan chức Mỹ tại Sài Gòn, một kế hoạch khác do Ngô Đình Nhu soạn thảo giao cho Lê Quang Tung thực hiện là sử dụng lực lượng đặc biệt cải trang tiếp cận Tòa đại sứ Mỹ, phóng hỏa gây rối loạn an ninh, rồi tìm cơ hội ám sát Đại sứ Henry Cabot Lodge cùng một vài nhân vật quan trọng của Tòa đại sứ Mỹ. Kế hoạch này được dự định thực hiện trong tháng 9/1963, nhưng rồi bị bại lộ, buộc Ngô Đình Nhu rút lệnh thực hiện. Các quan chức Mỹ rất phẫn nộ vì toàn bộ hoạt động của Lực lượng đặc biệt được Mỹ tài trợ lại quay trở lại tấn công họ. Mỹ cho rằng họ đã “nuôi ong tay áo” khi viện trợ tài chính cho hoạt động của Lực lượng đặc biệt, vì vậy, ngày 19/10/1963, tướng Paul Harkin, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam chính thức thông báo cho Ngô Đình Diệm biết ngân khoản Hoa Kỳ dành cho Lực lượng đặc biệt bị cắt.
Đồng thời với việc cắt viện trợ, Conein bắt đầu soạn thảo kế hoạch đảo chính Ngô Đình Diệm. Hoa Kỳ chủ trương trong cuộc đảo chính phải giết bằng được Lê Quang Tung vì sợ rằng nếu còn sống, Lê Quang Tung sẽ làm lộ những thông tin tối mật về Lực lượng đặc biệt. Vì vậy, CIA muốn Lê Quang Tung phải chết khi chế độ định Ngô Đình Diệm bị lật đổ.
Để xử lý Lê Quang Tung, đồng thời vô hiệu hóa Lực lượng đặc biệt, Lucien Conein đề nghị các tướng lãnh đảo chính phải thực hiện mật kế “điệu hổ ly sơn”. Thi hành kế hoạch này, ngày 28/10/1963, Trần Thiện Khiêm gửi một bản báo cáo đến Ngô Đình Diệm cho biết lực lượng tình báo phát hiện có một nhóm lực lượng giải phóng quân chính quy xuất hiện ở khu vực Hố Bò, Củ Chi. Với bản báo cáo giả đó, Trần Thiện Khiêm có lý do điều hết lực lượng cơ hữu của Lực lượng đặc biệt thực hiện cuộc hành quân truy lùng. Đồng thời, với lý do bảo vệ Thủ đô, Trần Thiên Khiêm đã điều một lực lượng quân sự có tên Chiến đoàn Vạn Kiếp đóng quân bao quanh khu vực Bắc Sài Gòn, lực lượng này được báo cáo với Diệm là một đơn vị của Sư đoàn 5 bộ binh.
7:00 sáng ngày 01/11/1963, Đại úy Phạm Bá Hoa, Chánh văn phòng của Tướng Trần Thiện Khiêm nhận được hai danh sách liệt kê các nhân vật quan trọng phải mời cho bằng được đến Bộ Tổng tham mưu họp. Những nhân vật trong danh sách này đều thuộc cánh trung thành với gia đình Ngô Đình Diệm sẽ bị giữ tại phòng số 1. Một danh sách khác gồm những người thuộc phe ủng hộ đảo chính lật đổ Tổng thống Diệm, được mời đến dùng cơm trưa tại Câu lạc bộ Bộ Tổng tham mưu lúc 12:00.
Từ sáng sớm ngày 01/11/1963, Tôn Thất Đính gọi điện cho Lê Quang Tung để thăm dò xem Tung có mặt ở Bộ Chỉ huy lực lượng đặc biệt hay không. Khoảng 11 giờ, xác định Lê Quang Tung đang thư giãn ở nhà, Trần Thiện Khiêm đích thân gọi điện mời đến Bộ Tổng tham mưu họp khẩn về vấn đề an ninh quốc gia.
Lê Quang Tung không nghi ngờ gì, đã cùng tài xế đến Bộ Tổng tham mưu trên một chiếc xe du lịch. Đến 1 giờ chiều, hầu hết các tướng, tá đảo chính cùng với những người trung thành nhất của Ngô Đình Diệm đã có mặt đông đủ tại phòng họp số 1 Bộ Tổng tham mưu.
Tướng Dương Văn Minh và Tướng Trần Văn Đôn cùng bước vào phòng họp nói lớn: “Hội đồng tướng lĩnh quyết định lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, ai không đồng ý hợp tác đứng lên !”. Có 5 người đứng bật lên gồm Đại tá Lê Quang Tung, Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, Thiếu tá Nguyễn Đức Xích, Thiếu tá Trần Văn Tư, Đại tá Cao Văn Viên.
Quân đảo chính tại Sài Gòn ngày 01/11/1963 (Ảnh tư liệu)
Lúc đầu, Đại tá Viên đứng lên để phản đối đảo chính, nhưng khi nhìn chỉ thấy có bốn người và mình phản đối đảo chính, đã nhanh trí nói: “Tôi không chống đối đảo chính, nhưng là một quân nhân, tôi không tham gia chính trị, xin được đứng ngoài”. Dứt lời, ông ta ngồi xuống.
Thấy Cao Văn Viên ngồi xuống, Lê Quang Tung quyết liệt phản đối, quát lớn: “Tụi bay đeo lon, mặc áo, thụ hưởng phú quý, lạy lục để được Tổng thống Diệm ban ơn, mà nay lại giở trò bất nhân, bất nghĩa”. Tung chưa dứt lời đã bị Đại úy Nguyễn Văn Nhung kề vai, khóa tay lôi ra khỏi phòng họp. Một nhóm quân cảnh khác cưỡng bức ba người còn lại đi theo Đại úy Nhung.
Thiếu tá Lê Quang Triệu, Phó Tham mưu Hành quân và Tiếp vận Lực lượng đặc biệt, là em ruột của Tung, đang ở căn cứ Long Thành, nghe tin anh mình bị bắt, đã cùng với Trung úy Lê Văn Hành, Chánh văn phòng tức tốc đi thẳng vào Bộ Tổng tham mưu để hỏi thăm tin tức, cũng bị giữ lại. Trung tá Phạm Bá Kỳ, Trưởng phòng 3 của Liên đoàn 77 Lực lượng đặc biệt, nghe tin, đã dẫn một tiểu đội xông vào Bộ Tổng tham mưu, cũng bị tước vũ khí, đẩy vào phòng giam.
Trong khi những nhân vật thân tín của anh em Diệm, Nhu bị bắt, cuộc đảo chính bùng nổ. Đến 10 giờ tối, một nhóm quân cảnh còng tay những người bị giam đưa lên xe vận tải bộ binh chạy thẳng đến khám Chí Hòa. Trong khi đó hai anh em Lê Quang Tung và Lê Quang Triệu bị đẩy vào một chiếc xe cứu thương của quân đội. Chiếc xe chạy về hướng cổng sau của Bộ Tổng tham mưu. Đại úy Nguyễn Văn Nhung được lệnh đi theo chiếc xe này. Khi chiếc xe cứu thương chạy ra khỏi cổng sau của Bộ Tổng tham mưu, đến đoạn đường vắng của một khu nghĩa địa, Nhung ra lệnh cho xe dừng lại rồi dùng báng súng thúc mạnh vào sườn Lê Quang Tung ra lệnh xuống xe. Lê Quang tung thét lớn: “Các anh định làm gì tôi ?”. Đại úy Nhung không nói không rằng, dùng lưỡi lê đâm tới tấp khiến Lê Quang Tung gục chết tại chỗ. Sau đó, Nhung cùng một quân cảnh khác lôi Lê Quang Triệu xuống xe đâm tới tấp cho đến chết, sau đó vùi xác anh em Lê Quang Tung vào một đống cỏ khô.
Sau khi kết thúc đảo chính, thân nhân của Tung và Triệu nghe theo lời kể nhân chứng vào nghĩa trang tìm thi thể để an táng. Tuy nhiên đống cỏ rác bừa bãi không tìm thấy thi thể hai anh em Lê Quang Tung. Người ta cho rằng, có lẽ những con chó hoang đã tha mất thi thể của hai anh em Tung và Triệu.
Sau khi Lê Quang Tung chết, những binh lính của Lực lượng đặc biệt được quân đảo chính sàng lọc kỹ, một số bị được chuyển về các đơn vị chiến đấu, một số bị đưa ra khỏi quân đội, một số tiếp tục được cố vấn Mỹ huấn luyện và tung ra miền Bắc trong cuộc chiến chống phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Lê Minh (Tổng hợp)