Kể từ ngày thành lập, 17/4/1945, cho đến ngày từ chức 6/8/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim đã làm được gì, cho đến nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong giới sử học. Có điều chắc chắn là Chính phủ Trần Trọng Kim không thực sự đóng góp nhiều nếu không muốn nói là trở ngại trên con đường giành độc lập của nhân dân Việt Nam
Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập
Ngày 9/3/1945, Nhật Bản đảo chính thực dân Pháp.
Sáng ngày 10/3/1945, trên đường đi săn bắn về, Hoàng đế Bảo Đại bất thần được một toán quân Nhật đón đường rồi áp giải về kinh thành Huế. Khi nghe tin cuộc đảo chính đã nổ ra, Bảo Đại cực kỳ hoang mang, lo sợ cho ngôi vị và số phận của mình. Tuy nhiên, đại diện ngoại giao Nhật Bản ở Huế Masayuki Yokoyama đã nhanh chóng trấn an Bảo Đại và đề nghị ông ta tuyên bố độc lập và sớm thành lập chính phủ để “hợp tác” với Nhật Bản.
Ngày 11/3/1945, Bảo Đại ký ban ra một đạo Dụ, tuyên cáo việc xoá bỏ hiệp ước ký với Pháp năm 1884 và nền độc lập của Đế quốc Việt Nam, đồng thời cũng cam kết: “... hợp tác toàn tâm toàn ý với Đế quốc Nhật Bản”. Việt Nam đã được trao trả „độc lập“.
Ngày 19/3/1945, Bảo Đại gửi điện tín mời 8 người: Trần Đình Nam, Hồ Tá Khanh, Lưu Văn Lang, Hoàng Trọng Phu, Trần Văn Thông, Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Vũ Văn Hiền (hoặc Trịnh Văn Bính tùy theo sự lựa chọn của Hoàng Xuân Hãn) đứng ra thành lập Chính phủ.
Ngày 30/3/1945, Trần Trọng Kim được người Nhật đón từ Bangkok về Sài Gòn, được Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân Nhật, Trung tướng Kawamura, thông báo tình hình Việt Nam sau cuộc đảo chính và Trần Trọng Kim là một trong số những người được Bảo Đại mời về Huế lập chính phủ.
Ngày 17/4/1945, Trần Trọng Kim đã trình lên Bảo Đại một danh sách dự kiến các thành viên của Nội các. Cố vấn tối cao Nhật Bản tại Huế Masayuki Yokoyama cũng có mặt. Thành phần nhân sự của Nội các Trần Trọng Kim đã được Bảo Đại và Masayuki Yokoyama phê duyệt gồm:
Trần Trọng Kim, |
Giáo sư, Nội các Tổng trưởng |
Trần Đình Nam, |
Y sĩ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ |
Trần Văn Chương, |
Luật sư, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao |
Trịnh Đình Thảo, |
Luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp |
Hoàng Xuân Hãn, |
Thạc sĩ Toán học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghệ thuật |
Vũ Văn Hiền, |
Luật sư, Bộ trưởng Bộ Tài chính |
Phan Anh, |
Luật sư, Bộ trưởng Bộ Thanh niên |
Lưu Văn Lang, |
Kỹ sư, Bộ trưởng Bộ Công chính |
Vũ Ngọc Anh, |
Bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế |
Hồ Tá Khanh, |
Bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Kinh tế |
Nguyễn Hữu Thí, |
Y sĩ, Bộ trưởng bộ Tiếp tế. |
Bảo Đại và Chính phủ Trần Trọng Kim ra mắt ngày 19/4/1945 (Ảnh tư liệu)
Chủ trương và những việc được coi là thành tựu của Chính phủ Trần Trọng Kim
Sau khi thành lập, Nội các Trần Trọng Kim chủ trương hai giải pháp lớn là: phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam và đoàn kết tất cả các lực lượng chính trị hướng đến xây dựng nước Việt Nam độc lập và phát triển.
Nội các Trần Trọng Kim cũng đề ra một số giải pháp cấp thời như thả tù chính trị; tổ chức cứu đói cho nhân dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ; rà soát, bãi bỏ một số loại thuế; tiến hành cải cách giáo dục….
Một trong những vấn đề mà Nội các Trần Trọng Kim quan tâm hàng đầu ngay sau ngày tuyên cáo nhậm chức là xác định biểu tượng chính trị mới của chế độ.
Ngày 12/5/1945, Nội các quyết định đổi tên nước là “Việt Nam đế quốc”, đồng thời quy định quốc kỳ là lá cờ vàng với ba vạch màu đỏ hình quẻ Ly ở giữa (hai vạch đứt, một vạch liền); quốc ca là bài hát “Đăng đàn”.
Một trong những biện pháp nhằm đánh thức lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân của Nội các Trần Trọng Kim là xây dựng đài kỷ niệm ở các nơi đô thị lớn để ghi công các bậc anh hùng tiêu biểu đã quên mình vì đất nước. Ngày 29/5/1945, Nội các Trần Trọng Kim đã ra lệnh bỏ hết các tên đường phố tại các thành phố và thị trấn mang tên các quan chức Pháp và phần tử thân Pháp, thay vào đó là tên các vị anh hùng dân tộc và các danh nhân Việt Nam.
Có lẽ đây là quyết định duy nhất của Nội các được dân chúng ủng hộ rất mạnh mẽ. Cho đến đầu tháng 8/1945, về căn bản, các đường phố mang tên các quan chức thực dân và các biểu tượng gắn với chủ nghĩa thực dân Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ đều đã bị xóa bỏ.
Một nỗ lực khác của Nội các và của cá nhân Trần Trọng Kim là thương lượng với Nhật Bản để thống nhất lãnh thổ, khẳng định chủ quyền quốc gia toàn vẹn. Trước hết là cuộc thương lượng của Nội các Trần Trọng Kim với Nhật Bản nhằm sáp nhập Bắc Kỳ vào Việt Nam đế quốc và thu hồi các thành phố nhượng địa là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Khoảng giữa tháng 7/1945, Tướng Yuichi Tsuchihashi, Tổng tư lệnh quân đội Nhật kiêm Toàn quyền Đông Dương đồng ý trao trả lại ba thành phố nhượng địa cho Việt Nam đế quốc. Nội các Trần Trọng Kim lập tức bổ nhiệm các ông Trần Văn Lai, Vũ Trọng Khánh và Nguyễn Khoa Phong giữ chức Đốc lý (Thị trưởng) của ba thành phố đó.
Trần Trọng Kim cũng đề nghị Nhật Bản bàn giao quyền quản lý Nam Kỳ cho Nội các của ông, nhưng bị từ chối. Nhưng cuối cùng, ngày 7/8/1945, Tướng Yuichi Tsuchihashi đồng ý bàn giao Nam Bộ cho Nội các Trần Trọng Kim.
Ngày 14/8/1945, Nguyễn Văn Sâm được Hoàng đế Bảo Đại bổ nhiệm giữ chức Khâm sai Nam Bộ, lên đường vào Sài Gòn thay mặt Nam triều chính thức nhận lễ bàn giao Nam Bộ từ phía người Nhật.
Báo Điện Tín đăng tải Tuyến bố độc lập của Đế quốc Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Để củng cố sự ủng hộ của các tầng lớp trên trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là trong giới công chức, trí thức, vào giữa tháng 5/1945, Nội các lập ra Tổng hội Công chức Việt Nam ở Hà Nội. Tiếp đó, Tổng hội đã lập ra các chi nhánh ở Trung Kỳ và Nam Kỳ. Bên cạnh đó, một số dội đoàn của trí thức và nhân sĩ cũng được lập ra để làm hậu thuẫn cho Nội các, như Tân Việt Nam hội, Tổng hội Công Thương Việt Nam, Tổng hội Thanh niên ái quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam....
Trên lĩnh vực văn hóa và giáo dục, ngày 8/6/1945, Nội các ra Thông báo quy định chữ Quốc ngữ và tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ chính thức ở các công sở và trường học. Trong nhà trường, tiếng Pháp sẽ tiếp tục được sử dụng và giảng dạy như một ngoại ngữ. Tiếp đó, vào nửa đầu tháng 7/1945, Nội các cũng chuẩn bị để Hoàng đế Bảo Đại ban bố tiếp một số đạo Dụ về cải cách giáo dục, như thành lập Uỷ ban cải cách giáo dục và quy định trang phục của học sinh... Tuy nhiên, ngoài các đạo Dụ nói trên, Nội các Trần Trọng Kim hầu như chưa có hoạt động thực tiễn nào góp phần vào sự thay đổi của nền giáo dục Việt Nam.
Một trong những biện pháp cấp thời mà Nội các Trần Trọng Kim đề ra là ân xá chính trị phạm. Ngày 17/5/1945, Nội các trình để Hoàng đế Bảo Đại ban bố một đạo Dụ về việc đại xá chính trị phạm. Theo đó, ngoại trừ các tù hình sự, tất cả các tù chính trị đều được trả lại tự do ngay lập tức. Tuy nhiên, đạo Dụ của Bảo Đại hoàn toàn không thể thực thi, bởi chính phủ Nam triều vốn chỉ có quyền cai quản một số nhà lao hàng tỉnh ở Trung Kỳ mà thôi. Còn lại tất cả các nhà ngục khác, kể cả Nhà lao Thừa phủ ở Huế trước ngày 9/3/1945 đều do người Pháp quản lý. Sau cuộc đảo chính, quân đội Nhật Bản nắm quyền quản lý vì họ đem tù binh Pháp vào giam chung với các tù nhân người bản xứ. Do vậy mà lệnh ân xá của Bảo Đại chỉ có ít giá trị. Ngoài các chiến sĩ cộng sản tự vượt ngục nhân tình hình xáo trộn sau cuộc đảo chính, chỉ có rất ít tù chính trị được Nội các Trần Trọng Kim ân xá.
Về giảm thuế, Nội các đã thương lượng và thuyết phục được người Nhật đồng ý giảm bớt mức thuế thân cho dân nghèo, bãi bỏ tất cả câc khoản phụ thu. Tuy nhiên, việc giảm thuế này cũng không có ý nghĩa gì lớn, bởi chính sách thuế mới chỉ được áp dụng ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, mà trong thời điểm đó, phần đông dân nghèo đang vật lộn với nạn đói khủng khiếp, vốn đã không còn khả năng nộp thuế nữa. Vì vậy, dù có giảm như thế nào đi nữa thì chính sách thuế đã không còn có hiệu quả gì.
Về cứu đói, Chính phủ đã thành lập Bộ Tiếp tế do Nguyễn Hữu Thí làm Bộ trưởng có nhiệm vụ chuyên lo liệu việc vận chuyển thóc gạo từ Nam Kỳ ra cứu tế dân đói ngoài Bắc Kỳ. Ngay sau lễ nhậm chức, Nguyễn Hữu Thí lập tức được cử vào Nam Kỳ tổ chức thu mua thóc gạo, tập trung tại các bến cảng nhỏ để tránh bị không quân Anh, Mỹ oanh tạc, sau đó trưng dụng thuyền nhỏ men theo ven biển chở ngay ra Trung Kỳ và Bắc Kỳ cứu dân đói.
Đồng thời, Nội các thương lượng với người Nhật bỏ lệnh cưỡng bức thu mua thóc tạ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Nhận thấy lệnh này dù có duy trì cũng không mang lại kết quả gì vì trên thực tế dân chúng ở hai khu vực trên không còn thóc gạo để thu mua nữa, trong khi đó, số người chết đói ngày càng nhiều. Vì vậy, phía Nhật Bản đã đồng ý với đề nghị của Nội các Trần Trọng Kim. Ngày 13/5/1945 lệnh thu mua thóc tạ được bãi bỏ ở Trung Kỳ, tiếp đó, lệnh này bị bãi bỏ ở Bắc Kỳ ngày 7/6/1945.
Tuy nhiên, các nỗ lực cứu tế dân đói của Nội các Trần Trọng Kim mang lại kết quả không đáng kể. Do thiếu phương tiện chuyên chở nên chỉ một lượng rất nhỏ thóc gạo được chuyển ra đến Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Hoàn cảnh chiến tranh lúc đó đã làm cho hệ thống giao thông từ Nam ra Bắc gần như hoàn toàn tê liệt và đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho những nỗ lực cứu tế của Nội các Trần Trọng Kim bị thất bại. Song, nguyên nhân chủ yếu nhất của thất bại này chính là ở chỗ Nội các đã không dám động chạm đến những kho thóc đầy ắp của quân Nhật ngay tại Bắc Kỳ, Trung Kỳ.
Trong hoàn cảnh đó, chỉ có cách giải quyết nạn đói như của Mặt trận Việt Minh là có hiệu quả, và do đó, khẩu hiệu “Phá kho thóc Nhật, giải quyết nạn đói!” do Việt Minh khởi xướng đã đi vào lòng người như tiếng gọi của sự sống, như mệnh lệnh vùng lên lật đổ ách thống trị ngoại bang và lật đổ cả chính phủ thân Nhật.
Không giải quyết được vấn đề cơ bản của dân tộc Việt Nam là giành độc lập dân tộc thực sự, cũng không giải quyết được vấn đề thời sự lúc đó là nạn đói ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, trong khi đó, phong trào Việt Minh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nội bộ Chính phủ Trần Trọng Kim mẫu thuẫn sâu sắc và bất lực trước thời cuộc, ngày 5/8/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim trình Bảo Đại một tờ “phiến” xin từ chức.
Ngày 6/8/1945, Bảo Đại chấp nhận Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức. Vậy là Chính phủ Trần Trọng Kim chấm dứt hoạt động của mình sau hơn 3 tháng tồn tại.
Phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đang sôi sục và không lâu sau đó giành được chính quyền từ tay quân phiệt Nhật Bản.
Bình Thi