Lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể từ lâu đã được UNESCO dành sự quan tâm đặc biệt. Liên quan đến các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có thể, có thể kể đến hai chính sách quan trọng của UNESCO, đó là Chương trình Hệ thống báu vật nhân văn sống (1993) và Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (2003).
"Báu vật nhân văn sống" (tác giả Trần Việt Văn). Ảnh: hanoimoi
Chương trình Hệ thống báu vật nhân văn sống
Năm 1993, tại phiên họp lần thứ 142 của Hội đồng điều hành UNESCO, Ban chấp hành UNESCO đã ban hành Nghị quyết số 142 EX/18&48/1993/UNESCO khuyến nghị về việc thiết lập Hệ thống Báu vật nhân văn sống. Đây là văn bản pháp lý hoàn chỉnh đầu tiên của UNESCO về chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Bản hướng dẫn thiết lập Hệ thống Báu vật nhân văn sống này được sửa chữa, chỉnh sửa bổ sung vào năm 2002.
Về khái niệm “Báu vật nhân văn sống”, UNESCO đã có định nghĩa như sau: “Báu vật nhân văn sống” là những người có kiến thức và kỹ thuật ở cấp độ rất cao, cần thiết cho việc biểu diễn hay sáng tạo các yếu tố của di sản văn hoá phi vật thể mà các quốc gia thành viên (của UNESCO) đã lựa chọn như một bằng chứng cho truyền thống văn hoá sống của mình và cho tinh thần sáng tạo của các nhóm, các cộng đồng và các cá nhân hiện diện trên đất nước mình”[1].
Theo quan điểm của UNESCO, căn cứ vào điều kiện cụ thể mà mỗi quốc gia có thể xây dựng các tiêu chí phù hợp đối với việc tôn vinh những người sáng tạo, thực hành, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Không nên có một khuôn mẫu cứng nhắc được áp dụng cho tất các các quốc gia thành viên trong việc thiết lập hệ thống “Báu vật Nhân văn sống”. Thậm chí, ngay trong phạm vi một nước, với những địa phương có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ cũng có thể có những cách lựa chọn những báu vật nhân văn sống phù hợp.
Những người được công nhận là báu vật nhân văn sống có thể là cá nhân hoặc nhóm người cùng nắm giữ các bí quyết nghề, cùng tham gia trình diễn, … (không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên Việt Nam là một ví dụ). Để xây dựng hệ thống “Báu vật Nhân văn sống”, cần phải thành lập một Hội đồng chuyên gia với các nhiệm vụ quan trọng: điều tra, đánh giá, đề cử các loại hình di sản phi vật thể tiêu biểu, đề cử các cá nhân hay nhóm có khả năng được lựa chọn. Sau khi việc công nhận diễn ra, Hội đồng này có nhiệm vụ theo dõi các “Báu vật Nhân văn sống” đã được công nhận, và có thể đề xuất hủy bỏ sự công nhận này khi nghệ nhân không thực hiện nhiệm vụ của mình hay không đáp ứng được các tiêu chí mà họ từng được công nhận. Các tiêu chí để được đề cử công nhận là “Báu vật Nhân văn sống” đã được UNESCO đề ra gồm có:
- Xuất sắc trong việc áp dụng tri thức và kỹ năng nghề nghiệp.
- Sự tận tụy cống hiến.
- Khả năng phát triển hơn nữa kiến thức và kỹ năng đã có.
- Khả năng truyền dạy kỹ năng và kiến thức cho người học.
Sau khi được công nhận, các nghệ nhân được hưởng một chế độ ưu đãi và tôn vinh của nhà nước nhằm duy trì và phát triển nghệ thuật của mình. Bên cạnh đó, họ có nhiệm vụ đào tạo ra đội ngũ nghệ nhân kế cận, hợp tác để làm tư liệu, thường xuyên biểu diễn để phổ biến nghệ thuật của mình đến với công chúng, và để phát triển hơn nữa tri thức và kỹ năng của mình.
Trên cơ sở hệ thống danh sách “Báu vật nhân văn sống” đã được thiết lập, các quốc gia thành viên sẽ lựa chọn những nghệ nhân tiêu biểu, gắn với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc cần được bảo vệ để trình lên Ban Thư ký của UNESCO. Ban Thư ký sẽ tổng hợp một danh sách các Báu vật nhân văn sống do các nước thành viên đệ trình và nếu phù hợp, coi đó là một danh sách thuộc phạm vi thế giới. Chương trình này nhằm khuyến khích các Quốc gia thành viên chính thức công nhận những người mang truyền thống tài năng và những người thực hành, góp phần truyền kiến thức và kỹ năng của họ cho thế hệ trẻ. Các quốc gia đã lựa chọn những người như vậy trên cơ sở thành tích của họ và sự sẵn sàng truyền đạt kiến thức và kỹ năng của họ cho những người khác. Việc lựa chọn cũng dựa trên giá trị của các truyền thống và biểu hiện liên quan như một bằng chứng về thiên tài sáng tạo của con người, cội nguồn của họ trong truyền thống văn hóa và xã hội, tính cách đại diện của họ cho một cộng đồng nhất định, cũng như nguy cơ biến mất của họ. Từ việc lựa chọn và thiết lập danh sách báu vật nhân văn sống, các quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp nhanh và mạnh để bảo vệ văn hóa truyền thống ở mọi cấp độ với các phương pháp cụ thể gồm: bảo vệ bí quyết, kỹ năng, thực hành và kỹ thuật nhằm duy trì, sáng tạo, thực hành và phát huy văn hóa truyền thống ở các lĩnh vực, thừa nhận và trả thù lao cho những người hiểu biết, nắm bắt thực sự về văn hóa truyền thống - Báu vật nhân văn sống; duy trì việc bảo vệ thông qua Hệ thống Báu vật nhân văn sống; đào tạo thế hệ trẻ về kỹ năng truyền thống; khuyến khích thế hệ trẻ tham gia vào việc nhận chuyển giao, học tập, nghiên cứu nắm bắt các bí kíp, kỹ năng, kỹ thuật truyền thống.
Đi cùng với quyền lợi là nghĩa vụ. Khi được vinh danh là Báu vật nhân văn sống, được hưởng sự ưu đãi nhất định của chính quyền, các nghệ nhân văn hóa phi vật thể phải cam kết là không ngừng trau dồi kỹ năng, kỹ thuật; chuyển giao, truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ, người theo học; cho phép nhà nước tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể mà nghệ nhân đang nắm giữ; giới thiệu, quảng bá di sản ra công chúng. Nếu không thực hiện những cam kết này, danh hiệu có thể bị hủy bỏ[2]. Hưởng ứng chương trình của UNESCO, đã có nhiều nước triển khai thực hiện Hướng dẫn về việc xây dựng Hệ thống Báu vật nhân văn sống ở quốc gia của mình.
Nhìn chung, Hệ thống Báu vật nhân văn sống mà UNESCO khởi xướng là Chương trình có ý nghĩa tích cực trong việc khẳng định vai trò của các chủ thể di sản văn hóa phi vật thể. Đó là một trong các biện pháp để thu hút sự quan tâm của chính quyền, của cộng đồng đối với việc di sản văn hóa phi vật thể cũng như khuyến khích, động việc các nghệ nhân sáng tạo, thực hành, phổ biến giá trị di sản văn hóa phi vật thể đến với cộng đồng và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ. Mặc dù Chương trình “Báu vật nhân văn sống” trong suốt quá trình tồn tại (1992-2003) chưa phải là một danh hiệu mang tính toàn cầu nhưng nó đã thúc đẩy các quốc gia xây dựng các chính sách để phát huy vai trò của các nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể. Thiết nghĩ, đây chính là ý nghĩa lớn nhất mà chương trình này mang lại.
Chương trình báu vật nhân văn sống cùng hàng loạt các Chương trình, Dự án, Tuyên bố khác của UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể như Tuyên bố tại Hội nghị Modiacult (Mexico, 1982), Khuyến nghị về bảo vệ Văn hóa truyền thống và văn hóa dân gian (1989), Báo cáo “Sự đa dạng sáng tạo của chúng ta (1996), chương trình Tuyên dương kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (1997), … là những bước đi quan trọng tạo cơ sở cho việc ra đời Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể năm 2003. Năm 2003, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được Đại hội đồng UNESCO thông qua. Khi Công ước 2003 ra đời, Chương trình Hệ thống Báu vật nhân văn sống cũng chính thức chấm dứt.
Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể
Tại phiên họp thứ 32 của Đại hội đồng Tổ chức UNESCO diễn ra ở Paris (29/9-17/10), Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được thông qua (đây là một trong bảy Công ước về văn hóa UNSCO đã phê chuẩn từ khi thành lập đến nay). Công ước chính thức có hiệu lực từ ngày 20/4/2006 khi có đủ số lượng quốc gia theo quy định tham gia. Tính đến tháng 11/2019, Công ước đã có 178 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia khá sớm, thành viên thứ 22 tham gia Công ước vào tháng 9/2005.
Công ước ra đời là công cụ pháp lý quan trọng và là cơ sở quy định hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia thành viên.
Nhã nhạc cung đình Huế - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: Internet
Mục đích của Công ước là: nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng, nhóm người và cá nhân có liên quan; nâng cao ý thức ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể để từ đó đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cá nhân, nhóm người và cộng đồng; thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế thông qua các chương trình hỗ trợ về chuyên gia, trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của các cá nhân, nhóm người và giữa các quốc gia[3].
Về định nghĩa di sản văn hóa phi vật thể, Điều 2 của Công ước nêu rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể" được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”[4]. Như vậy, “cộng đồng”, “nhóm người”, “các nhóm người” trong một số trường hợp là một phần của di sản văn hóa phi vật thể. Cho nên, mặc dù công ước không đề cập đến các nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, nhưng việc đề cập đến các chủ thể liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể cũng bao hàm ý nghĩa nhấn mạnh đến vai trò của những người thực hành/chủ sở hữu của di sản văn hóa phi vật thể. Chính vì vậy, Công ước dành nhiều nội dung để khuyến cáo các quốc gia thành viên tham gia phải có chính sách đối với đội ngũ này. Điều 15 của Công ước nhấn mạnh: “Trong khuôn khổ các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, mỗi Quốc gia thành viên cần phải nỗ lực để đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân đã sáng tạo, duy trì và chuyển giao loại hình di sản này và cần phải tích cực lôi kéo họ tham gia vào công tác quản lý”[5].
Một trong những thay đổi đáng kể khi Công ước được ban hành đó là việc không tiếp tục duy trì “danh hiệu” Báu vật nhân văn sống, “danh sách” các cá nhân tiêu biểu thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Thay thế cho nó là việc tôn vinh các di sản dưới góc độ được nắm giữ bởi tập thể, cộng đồng. Tuy nhiên, Công ước cũng không bác bỏ vai trò của cá nhân như một nghệ nhân nắm giữ, thực hành quan trọng nhất.
Báu vật nhân văn sống hay nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể là những cách gọi khác nhau để vinh danh những người có tài năng, kỹ năng, kỹ thuật thuần thục trong thực hành, lưu giữ, phổ biến, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Với tư cách là một tổ chức uy tín của Liên Hiệp quốc, hơn 70 năm qua, UNESCO đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của nhân loại. Chính sách của UNESCO đối với những nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể vừa thể hiện tinh thần khoa học, vừa thể hiện tinh thần nhân văn, gia tăng cơ hội cho các giá trị văn hóa truyền thống sống với cộng đồng, sống với thời gian. Từ những gợi mở của UNESCO, Việt Nam cũng như nhiều thành viên khác đã có những chính sách, những chương trình cụ thể để bảo tồn văn hóa dân tộc, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa của nhân loại.
[1] Bảo tồn và Phát huy Di sản Văn hoá Phi vật thể ở Việt Nam (2007), Viện Văn Hoá Thông tin, Hà Nội, trang 398, UNESCO, “Guilines for the Establishment of National “Living Human Treasure” systems (Hướng dẫn Thiết lập Hệ thống “Báu vật nhân văn sống” cấp quốc gia)”.
[2] Phạm Cao Quý (2021): Nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 127.
[3] https://ich.unesco.org/doc/src/00009-VI-PDF.pdf
[4] https://ich.unesco.org/doc/src/00009-VI-PDF.pdf
[5] https://ich.unesco.org/doc/src/00009-VI-PDF.pdf
Lâm Minh Khuê