1. Sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, chính quyền cách mạng đứng trước điều kiện lịch sử đặc thù với những khó khăn, thách thức bởi sự phản kháng mãnh liệt của lực lượng phản cách mạng. V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích Nga buộc phải thực hiện chính sách cộng sản thời chiến.
Để nhanh chóng nắm và chi phối được các hoạt động kinh tế chủ yếu, những biện pháp đặc biệt được thông qua như: quốc hữu hóa, trưng thu lương thực thừa, cùng với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ sản xuất và phân phối, bảo đảm sản xuất phục vụ chiến tranh cách mạng.
V.I.Lênin phát biểu trước đông đảo quần chúng nhân dân sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917. Ảnh: VOV
Chính sách cộng sản thời chiến đã có vai trò quyết định đối với bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững chế độ mới. Tuy nhiên, những khó khăn, mâu thuẫn trong tình hình chính trị, kinh tế, xã hội sau nội chiến ở nước Nga từ năm 1921 đã buộc V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích Nga phải chuyển từ chính sách cộng sản thời chiến sang Chính sách kinh tế mới (NEP). Đó chính là những điều chỉnh, bổ sung, phát triển Chủ nghĩa Mác về bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội xuất phát từ thực tiễn của một nước tiểu nông. V.I.Lênin khẳng định, danh từ “nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô-viết” có nghĩa là Chính quyền xô-viết quyết tâm thực hiện bước chuyển lên chủ nghĩa xã hội, chứ hoàn toàn không có nghĩa là đã thừa nhận chế độ kinh tế hiện nay là chế độ xã hội chủ nghĩa”[1].
Trong điều kiện thực hiện chính sách kinh tế mới, sản xuất được thực hiện bởi các chủ thể kinh tế thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.V.I.Lênin đã chỉ rõ: “danh từ quá độ vận dụng vào kinh tế, nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Những thành phần kinh tế ấy: 1) kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là một phần lớn có tính chất tự nhiên; 2) sản xuất hàng hóa nhỏ (trong đó bao gồm đại đa số nông dân bán lúa mì); 3) chủ nghĩa tư bản tư nhân; 4) chủ nghĩa tư bản nhà nước; 5) chủ nghĩa xã hội”[2].
Từ xác định ví trí, vai trò của từng thành phần kinh tế, V.I.Lênin cho rằng, thành phần kinh tế chủ nghĩa xã hội với tư cách là cơ sở quyết định cho chế độ mới trước hết cần phải tập trung phát triển đại công nghiệp. “Một nền đại công nghiệp ở vào trình độ kỹ thuật hiện đại và có khả năng cải tạo nông nghiệp, đó là điện khí hóa cả nước”[3]và “Không có công xưởng lớn như những xưởng mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra, không có một nền đại công nghiệp tổ chức cao, thì không thể nói đến chủ nghĩa xã hội nói chung được, mà lại càng không thể nói đến chủ nghĩa xã hội đối với một nước nông nghiệp được”[4].
Đồng thời, để củng cố và phát triển các cơ sở sản xuất quốc doanh trong chính sách kinh tế mới cần áp dụng chế độ hạch toán kinh tế. Theo V.I.Lênin, “Việc các xí nghiệp nhà nước áp dụng chế độ gọi là hạch toán kinh tế thì tất nhiên và mật thiết gắn liền với chính sách kinh tế mới”[5].
Việc khôi phục và phát triển các quan hệ hàng hóa - tiền tệ, sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước và các thành phần kinh tế khác là những biện pháp quá độ, những mắt xích trung gian để chuyển sang chủ nghĩa xã hội, là phương thức để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, là những hình thức và phương pháp mới xây dựng chủ nghĩa xã hội thay cho Chính sách cộng sản thời chiến đã tỏ ra không phù hợp với điều kiện đã thay đổi.
NEP đã mang lại những kết quả to lớn về kinh tế của nước Nga và Liên Xô. Ảnh: Internet
Những điều chỉnh nền kinh tế hướng đến việc mở rộng quan hệ hàng hoá - tiền tệ, phát triển thị trường, khôi phục và phát triển các thành phần kinh tế đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội cho việc phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động - điều trọng yếu nhất của bất cứ nền sản xuất nào.
Từ NEP, nền kinh tế Liên Xô đã dần vận hành theo đúng quy luật khách quan và đã có những bước phát triển quan trọng. Liên Xô dần ra khỏi khủng hoảng, trở thành nước có nền nông nghiệp dồi dào, nền công nghiệp phát triển.
2. NEP và việc thực hiện NEP ở nước Nga đầu những năm 20 của thế kỷ XX đã đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay. Đó là sự kết hợp những quy luật chung với những đặc điểm lịch sử - cụ thể của mỗi nước trong từng giai đoạn phát triển lịch sử cụ thể. Những vấn đề lý luận và thực tiễn ấy không chỉ có ý nghĩa cấp bách đối với nước Nga thời điểm đó mà hiện vẫn còn mang tính thời sự đối với việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Trước Đổi mới, trong bối cảnh bị bao vây cô lập, cấm vận đồng thời có thời gian dài phải thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: khôi phục, phát triển kinh tế ở miền Bắc và đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, nên Việt Nam chủ trương thực hiện các biện pháp cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới, vận hành nền kinh tế dựa trên cơ chế kế hoạch hóa tập trung.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, đất nước đứng trước những thử thách cam go. Những khó khăn từ tình hình bên ngoài cùng với sai lầm và bất cập trong vận hành nền kinh tế bởi cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp đã không tạo được động lực phát triển, làm suy yếu nền kinh tế, kìm hãm sản xuất, làm giảm năng suất, chất lượng, hiệu quả, gây rối loạn phân phối lưu thông và làm nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Nhận thức được sự thay đổi của bối cảnh quốc tế và yêu cầu gay gắt của thực tiễn phát triển, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) chủ trương thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và triệt để. Đại hội đã kiểm điểm và đánh giá những sai lầm chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động nóng vội, chủ quan, không tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật".
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986). Ảnh tư liệu
Báo cáo Dự thảo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI nhấn mạnh: “Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; trong cơ chế quản lý kinh tế, lấy kế hoạch làm trung tâm, đồng thời phải sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hóa - tiền tệ và dứt khoát phải xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, phải vận dụng quy luật giá trị trong chính sách giá, tiến tới cơ chế một giá...”[6].
Đến Đại hội lần thứ IX của Đảng (4-2001) lần đầu tiên xác định “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[7]. Đây được khẳng định là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và hình thức phân phối.
Như vậy, từ chỗ kỳ thị kinh tế thị trường đến việc coi nó như một yếu tố mà kế hoạch hóa cần tham chiếu, sau đó coi thị trường là một cơ chế để quản lý và đến nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là bước phát triển quan trọng trong tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những đổi mới tư duy kinh tế đó là tiền đề nhận thức lý luận của tư duy đổi mới hiện nay trên các lĩnh khác về chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh- quốc phòng, đối ngoại. Kết quả của đột phá trong đổi mới tư duy kinh tế đã được thực tiễn khẳng định, kiểm chứng góp phần giải phóng sức sản xuất vốn bị kìm hãm trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước kia. Việt Nam đã và đang hội nhập vào các “sân chơi” lớn, khẳng định vị thế và vai trò tại các diễn đàn khu vực và thế giới.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Phát triển kinh tế dựa trên những thành tựu của tri thức, khoa học công nghệ đang trở thành vấn đề mang tính quy luật và thời đại, vừa tạo ra những cơ hội đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia. Nền kinh tế thị trường hiện đại đòi hỏi phải giải quyết tốt các mối quan hệ nhằm phát huy có hiệu quả các nguồn lực, động lực là cơ sở kinh tế cho sự phát triển đất nước từng bước hiện đại và theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, sự nghiệp Đổi mới không thể dừng lại mà cần tiếp tục với tinh thần mới, đó là sự kế thừa, bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, trong đó không thể không nói tới Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin.
[1]V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2005, Tập 43, tr.248
[2]V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2005, Tập 43, tr.248
[3]V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 44, tr.11
[4]V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2005, Tập 43, tr.366-367
[5]V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 44, tr.419
[6]Đảng cộng sản Việt Nam, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận- thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006), Nxb CTQG, tr. 47, 48
[7]Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H.2001, tr.86
Hoa Trần