Nhận diện quan điểm quy chụp sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là do sai lầm của chủ nghĩa Mác
Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội xảy ra ngay tại Liên Xô - quê hương của Cách mạng Tháng Mười, nơi khai sinh ra nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, nơi được coi thành trì của chủ nghĩa xã hội hiện thực khiến cho các học giả tư sản được dịp lên tiếng phê phán, bác bỏ chủ nghĩa Mác.
Họ cho rằng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là một tất yếu lịch sử vì nó bắt nguồn từ “sự lạc hậu, lỗi thời của bản thân chủ nghĩa Mác - Lênin”; và bởi, “chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”[1]. Họ cũng cho rằng chủ nghĩa xã hội khoa học mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã xây dựng chỉ là một học thuyết “viển vông”, “ảo tưởng” nên áp dụng vào thực tiễn chỉ có thể sinh ra những “quái thai của lịch sử”[2]...
Những luận điệu đó được tung ra khắp nơi trên thế giới với các hình thức, diễn đàn khác nhau nhằm phủ nhận bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Cũng từ đây, ở một số nước phương Tây đã hình thành những trào lưu chống Mác. Ngay từ những thập niên 90 của thế kỷ XX đã bùng nổ các bài viết, các công trình phê phán chủ nghĩa Mác, bác bỏ từng phần hay toàn bộ học thuyết này.
Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến lập trường, quan điểm của những người theo chủ nghĩa Mác. Biểu hiện rõ ràng nhất là sự giảm sút lớn số lượng những người trung thành với học thuyết này trên toàn thế giới. Xu hướng “phi mácxit hóa”, phân rã về tư tưởng, ly khai với học thuyết Mác - Lênin trỗi dậy mạnh tại hàng loạt nước từng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, cũng như trong nội bộ các đảng cộng sản, các đảng xã hội chủ nghĩa và phong trào công nhân quốc tế.
C.Mác (1818-1883)
Nguyên nhân thật sự của sự sụp đổ?
Chúng ta không thể phủ nhận một hiện thực là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu là một bước lùi lịch sử của của phong trào cộng sản và công nhân toàn thế giới. Đó cũng là một tổn thất to lớn của phong trào đấu tranh cho những mục tiêu cao cả và tốt đẹp của nhân loại: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của con người.
Tuy nhiên, sự sụp đó không phải là sự “cáo chung” của chủ nghĩa Mác. Nó cũng không phải là do chủ nghĩa Mác đã lạc hậu, lỗi thời mà đó thực sự là do đã hiểu sai, vận dụng sai những quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô “bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều và xét lại trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng cầm quyền, cùng sự phản bội của một số người lãnh đạo cao nhất ở đó đối với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin”[3].
Năm 2010, sau gần 20 năm Liên Xô sụp đổ, trong cuốn sách nổi tiếng “Bí ẩn diệt vong của Liên Xô - lịch sử những âm mưu và phản bội năm 1945 - 1991”, A.P.Seeviakin đã công bố lời thú nhận của M.X.Goócbachốp vào năm 1991 như sau: “Mục tiêu của toàn bộ cuộc đời tôi là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản. Chính vì để đạt được mục tiêu này, tôi đã sử dụng địa vị của mình trong Đảng và trong Nhà nước. Khi trực tiếp làm quen với phương Tây, tôi đã hiểu rằng tôi không thể từ bỏ mục tiêu chống cộng sản đặt ra. Và để đạt được nó, tôi đã phải thay đổi toàn bộ Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô và Xôviết tối cao cũng như Ban Lãnh đạo ở tất cả các nước Cộng hòa. Tôi đã tìm kiếm những người ủng hộ để hiện thực hóa mục tiêu đó, trong số này đặc biệt có A.Yakoplep, Sevatnatde…”[4].
Như vậy đã rõ, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đâu phải do những sai lầm của chủ nghĩa Mác nên đây cũng không phải là “dấu chấm hết” cho hệ tư tưởng này như lời rêu rao của các thế lực chống cộng. Đó là một sự quy chụp trắng trợn nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác.
Giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác vẫn đang tiếp tục được khẳng định
Gần đây, một số học giả phương Tây cũng đang đánh giá lại nguyên nhân của sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Nhiều người cho rằng “chủ nghĩa xã hội là một tư tưởng hay nhưng là một sự thực hành tồi”[5]. Nhận định này chứng tỏ ngay cả một số học giả phương Tây đã nhận thấy sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô không phải do những sai lầm từ lý luận của chủ nghĩa Mác mà do những người đã vận dụng lý luận ấy một cách máy móc, giáo điều, rơi vào chủ nghĩa xét lại nên ngày càng rời xa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác và cuối cùng đã phản bội mục tiêu, lý tưởng cách mạng.
Trong tình hình hiện nay, chính từ các quốc gia tư bản phương Tây, người ta lại thấy có những tiếng nói về những giá trị của chủ nghĩa Mác, của học thuyết kinh tế Mác, về phong trào “trở về với Mác”, tìm đọc Mác. Đặc biệt, ở những thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 - 2009, trong khủng khoảng nợ công và suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia tư bản phát triển, phong trào “trở về với Mác”, tìm đọc Mác lại trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết.
Những tác phẩm kinh điển của C.Mác và V.I.Lênin vẫn được tìm đọc nhiều nhất, đặc biệt là bộ “Tư bản” của C.Mác vẫn xếp số 1 trên thế giới và được dịch ra 134 ngôn ngữ ở 63 nước[6]. Giải thích cho hiện tượng đó, nhà sử học người Anh là Êrích Hoxbon đã cho rằng: “Việc quay trở lại đọc Mác có nghĩa là thế giới cần phải nghiên cứu học thuyết của ông về chủ nghĩa tư bản, và về vị trí của học thuyết đó trong sự phát triển của xã hội loài người”[7].
Thực tế trên tiếp tục củng cố thêm những tiên đoán của một số học giả phương Tây khi cho rằng thế kỷ XXI vẫn là thế kỷ của chủ nghĩa Mác. Nhà triết học hiện đại Pháp Giắccơ Đêriđa đã khẳng định sức sống của chủ nghĩa Mác ở thế kỷ XXI bằng một luận điểm nổi tiếng: “Sẽ không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của Mác”[8].
Ngay cả Brêdinxki - một người luôn không dấu giếm sự thù ghét C.Mác cũng phải thừa nhận chủ nghĩa Mác, nhất là phép biện chứng luôn là một công cụ sắc bén để nhận thức và cải tạo thế giới: “Khái niệm về phép biện chứng lịch sử xem chừng là phương pháp giá trị nhất để xử lý những mâu thuẫn hiện thực”[9]. Sự thừa nhận này tuy có phần dè dặt nhưng hoàn toàn dễ hiểu bởi không phải dễ dàng gì mà những người luôn có định kiến, thậm chí thù ghét C.Mác lại ghi nhận giá trị của chủ nghĩa Mác nếu bản thân học thuyết ấy không khoa học và các mạng.
Do đó, không thể cố nói bừa rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết “ảo tưởng”, đã “lạc hậu, lỗi thời” khi chính học thuyết này đã tạo nên những hiện thực làm biến đổi thế giới, thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của lịch sử loài người và có sức lôi cuốn cũng như tầm ảnh hưởng sâu rộng toàn nhân loại.
Như vậy, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô không phải bắt nguồn từ những sai lầm của chủ nghĩa Mác. Bất chấp những luận điệu vu khống, xuyên tạc, cho đến nay chủ nghĩa Mác vẫn là thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn trong việc nhận thức và cải tạo thế giới. Do đó, việc Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng là một sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan.
[1]Ban Tuyên giáo Trung ương (2007): Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 48.
[2]Ban Tuyên giáo Trung ương (2007): Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr.47-48.
[3]Nguyễn Ngọc Hồi: “Vì sao Đảng ta vẫn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng”, trong sách: Góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.15.
[4]Tống Thế Gia: “Vì sao Liên Xô sụp đổ”, Báo Thời nay, số 2, ngày 07/01/2010.
[5]Dẫn theo: Nguyễn Phú Hưng, “Không thể xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng”, trong sách: Góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.50.
[6]Theo: Báo Quân đội nhân dân, ngày 19/4/2012, tr.8.
[7]Dẫn theo: Nguyễn Ngọc Hồi, “Vì sao Đảng ta vẫn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng”, trong sách: Góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.17.
[8]Giắccơ Đêriđa (1994): Những bóng ma của Mác, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.16.
[9]Dẫn theo: Lưu Đình Á (1994), Hãy cảnh giác với cuộc chiến tranh không có khói súng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.129.
Chiên Lê