Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra, thể hiện đúng tinh thần “Quốc hội đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, cùng Chính phủ giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra”.
Còn nhớ, kỳ họp bất thường lần thứ 1 được tổ chức vào đầu năm 2022 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới, buộc Quốc hội phải đưa ra các quyết sách kịp thời nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân.
Kết quả, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 43/2022/QH15) ra đời, nói như đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, được xem như một “thượng phương bảo kiếm” trao quyền cho Chính phủ chủ động, linh hoạt, kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó và thích ứng an toàn với Covid-19, đồng thời duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 43 được ban hành “trúng, đúng” thời điểm, nhờ vậy tình hình kinh tế - xã hội đạt được kết quả ấn tượng. Nghị quyết 43 không chỉ quan trọng đối với năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh nhiều lần về ý nghĩa và mục tiêu của kỳ họp bất thường là một hoạt động bình thường và Quốc hội sẵn sàng họp bất thường để đồng hành cùng Chính phủ.
Chúng ta có thể tin tưởng, kết quả của kỳ họp bất thường thứ 1, thứ 2 sẽ giúp có thêm kinh nghiệm, bài học quý để tổ chức những kỳ họp bất thường khác, nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
Tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp bất thường lần thứ 2, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã làm rõ thêm quan điểm của người đứng đầu Quốc hội. Theo đó, khái niệm họp bất thường đã được ấn định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội. Họp bất thường không có nghĩa phải là thảm họa hay vấn đề gì ghê gớm. Một năm họp 2 kỳ là bình thường, ngoài ra là bất thường.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nhấn mạnh, kỳ họp bất thường là vì quốc kế dân sinh, vì sự phát triển của đất nước. Việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà để 6 tháng sau mới giải quyết thì tốc độ phát triển của đất nước sẽ chậm đi ít nhất 6 tháng, chưa kể có độ trễ và về nguyên tắc sẽ còn có thể chậm hơn nữa.
Họp bất thường để xem xét những vấn đề cấp bách song không phải vì thế mà chất lượng bị xem nhẹ. Chia sẻ trước phiên khai mạc kỳ họp, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, tuy là kỳ họp bất thường, chuẩn bị trong bối cảnh rất khẩn trương ngay sau Tết dương lịch và trước Tết nguyên đán, nhưng các nội dung trình cho thấy có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm yêu cầu trình Quốc hội.
Cũng theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, thực tiễn cuộc sống luôn có những thay đổi, biến chuyển nhanh chóng do đó, hoạt động của các cơ quan dân cử cũng cần phải thay đổi, thích ứng kịp thời. Việc tổ chức các kỳ họp Quốc hội thường xuyên, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn là cần thiết nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những điểm đặc biệt ở kỳ họp bất thường lần 2 đó là việc Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, làm cơ sở để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc hiện tại của ngành Y tế.
Đây là dự án luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội nhưng buộc phải để lại do còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau cần có thêm thời gian để xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện.
Quá trình thảo luận tại kỳ họp bất thường lần 2 cũng còn nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn khi cho rằng “lượng chưa đủ để chuyển thành chất” khi chỉ có hơn 1 tháng, sau kỳ họp thứ 4 để nghiên cứu, tiếp thu trình tại kỳ họp bất thường để thông qua là không đủ với nhiều vấn đề then chốt, vấn đề khó trong khi đây là dự án luật rất quan trọng, tác động đến mọi người dân, liên quan nhiều luật và phải thể hiện được sự ưu việt của chế độ.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Luật Khám bênh, chữa bệnh sửa đổi lần này, mặc dù nhiều ý kiến còn băn khoăn khi được thông qua, nhiều vấn đề phải giao cho Chính phủ xem xét, quyết định dưới luật, nhưng nhìn một cách tổng thể, những vấn đề tồn tại trong việc thực hiện các nội dung liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đã được các cơ quan chức năng rà soát kỹ lưỡng và đã đưa ra để tìm giải pháp cụ thể trong luật nhằm giải quyết một cách căn cơ. Về cơ bản, những tồn tại được chỉ ra đều đã được luật đề cập và hướng giải quyết như trong luật; những vấn đề chưa thực sự rõ ràng, tiếp tục được giao cho Chính phủ nghiên cứu, linh hoạt thực hiện, để dần hoàn thiện chính sách, chứ còn nếu đưa vào luật có khi gây khó cho Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương nhận xét: "Nếu chúng ta không sớm xem xét để thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi thì sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều nút thắt của nền kinh tế không thể giải quyết được trong thời gian sớm nhất thì nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngành cũng như công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn là mối đe dọa toàn cầu. Việc thông qua luật thể hiện sự tích cực của Chính phủ, của Bộ Y tế cũng như sự tích cực của các đại biểu Quốc hội".
Không chờ đợi 2 kỳ họp định kỳ trong năm, một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, theo sát đời sống thực tiễn, ý chí nguyện vọng của nhân dân, kịp thời tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế bằng giải pháp lập pháp.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, kỳ họp bất thường là vì quốc kế dân sinh, vì sự phát triển của đất nước.
"Nhiều dự án, nhiều vấn đề hay đề nghị của địa phương, doanh nghiệp rất cần tiến độ thời gian, mà chúng ta chậm cho ý kiến họ nghĩ là có chuyện này chuyện kia, chưa kể làm dự án của họ chậm họ sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh. Do đó chúng ta cần phải linh hoạt,. Kỳ họp bất thường thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng Chính phủ giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra"./.
Thanh Hà-Ngọc Thành/VOV.VN