Trong những ngày gần đây, trên các website, các trang mạng xã hội do cá nhân, tổ chức phản động lập nên đã xuất hiện nhiều bài viết, ý kiến, luận điệu phiến diện, xuyên tạc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta. Trong đó, đặc biệt là luận điệu sai lệch và thâm hiểm như: “Bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng “đạo diễn”, chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”, “Không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử”… Bản chất của luận điệu chống đối “không có dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam” là nhằm phê phán, đi đến loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa Việt Nam theo mô hình chính trị phương Tây, lệ thuộc vào nước ngoài. Chúng yêu cầu “Việt Nam phải thực hiện ngay tam quyền phân lập”, và muốn vậy phải “trưng cầu dân ý có sự giám sát của Liên hợp quốc về Điều 4 Hiến pháp 2013”; phải sửa đổi hệ thống bầu cử, tạo điều kiện cho tất cả mọi người được ứng cử tự do… để thúc đẩy dân chủ.
Đó là sự xuyên tạc, vu khống trắng trợn, hết sức lố bịch. Luận điệu đó chỉ có thể lừa bịp được những người nhẹ dạ chưa hiểu về Việt Nam, chưa có điều kiện nghiên cứu lịch sử bầu cử ở Việt Nam qua hơn 75 năm và tiến trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thực chất của bầu cử ở Việt Nam là hoàn toàn dân chủ, phù hợp với ý nguyện của nhân dân, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, vì rằng:
1. Nhắc lại lịch sử để những kẻ đang cố tình bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rằng, chế độ cộng hòa, Hiến pháp dân chủ, nhà nước pháp quyền, quyền công dân và quyền con người ra đời ở Việt Nam là thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Trên 80 năm thống trị của thực dân Pháp, 30 năm chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong vùng chúng chiếm đóng trên đất Việt Nam, làm gì có bầu cử, ứng cử thật sự? làm gì có Hiến pháp, có quyền công dân và quyền con người? làm gì có tự do ngôn luận, báo chí?… Những động thái chính trị của phương Tây ở Ai Cập, Bắc Phi và nhiều quốc gia Trung Đông khác trong những năm gần đây cho thấy những gì phương Tây đã và đang làm không phải vì dân chủ, nhân quyền đích thực cho nước khác, dân tộc khác, mà vì những lợi ích chính trị - kinh tế mà họ đang theo đuổi.
Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày 16/4/2021, đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua danh sách 205 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở Trung ương. Ảnh: Internet.
2. Khi nói đến bầu cử, ứng cử ở một quốc gia có dân chủ hay không? người ta phải xem xét toàn bộ hệ thống bầu cử, ứng cử. Mỗi quốc gia có pháp luật về bầu cử, ứng cử và cách thức tiến hành khác nhau, tùy thuộc vào chế độ chính trị, truyền thống, văn hóa,... của mỗi quốc gia. Các quốc gia đều xây dựng các quy phạm pháp luật, từ khẳng định nguyên tắc bầu cử, quy định số lượng đại biểu,… đến công bố kết quả bầu cử để điều chỉnh việc tổ chức và trình tự các bước tiến hành bầu cử. Riêng giới thiệu ứng cử viên, hầu hết đều do các đảng phái chính trị thực hiện. Ở Cộng hòa Liên bang Đức, việc giới thiệu ứng cử viên vào Nghị viện là độc quyền của các đảng chính trị. Ở Mỹ, việc lựa chọn ứng cử viên để bầu cử tổng thống, thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ chủ yếu chỉ là sự cạnh tranh giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Việc làm này được thực hiện sau khi tiến hành bầu cử sơ bộ, mà thực chất là cuộc tổng duyệt của các đảng trước khi bầu cử chính thức. Các ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ mới chỉ là điều kiện cần để đảng đó xem xét có tiếp tục đại diện cho mình trong cuộc tổng tuyển cử hay không. Còn đối với ứng cử viên của các đảng phái khác, thì khả năng trúng cử của ứng cử viên tự do rất thấp, bởi họ khó có thể cạnh tranh được với hai đảng này.
Điều đó cho thấy, mỗi quốc gia, dù trình độ dân chủ thế nào, cũng đều có cách thức tổ chức bầu cử khác nhau, có quy định ngặt nghèo để lựa chọn, bầu được người tài lãnh đạo đất nước. Các ứng cử viên hầu hết đều là người thuộc một đảng phái nhất định. Vì vậy, điều hiển nhiên là không thể áp đặt một mô hình bầu cử chung cho mọi quốc gia, và cũng không thể khẳng định rằng mô hình bầu cử của quốc gia này ưu việt, dân chủ hơn mô hình bầu cử của quốc gia khác.
3. Một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Để thực hiện mục tiêu đó, vấn đề cơ bản và quan trọng hàng đầu là thực hiện bầu cử dân chủ. Có như vậy, mới bảo đảm cho nhân dân lựa chọn được những đại biểu xứng đáng, thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Tức là, bầu cử dân chủ là tiền đề để nhân dân thực hiện ý chí của mình - điều cốt lõi trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Để người dân thực hiện ý chí của mình, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước, ngay sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam mới vào tháng 01-1946. Thời điểm đó, mặc dù đất nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn nhưng cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã thu hút tuyệt đại đa số cử tri cả nước tham gia và thành công tốt đẹp. Đó là một cuộc bầu cử thật sự tự do, thật sự dân chủ, là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam.
Với trách nhiệm là người đại biểu của nhân dân, Quốc hội khóa I đã hết lòng vì dân, vì nước, hoàn thành trọng trách nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang trước lịch sử. Từ Quốc hội khóa II đến nay, pháp luật về bầu cử của nước ta ngày càng đổi mới, không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm dân chủ, quyền ứng cử, bầu cử, tham gia quản lý xã hội của người dân ngày một tốt hơn. Qua 14 khóa Quốc hội, chất lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội ngày một tăng lên; tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử đông hơn, trách nhiệm đối với lá phiếu cao hơn. Theo đó, chất lượng đại biểu và hoạt động của Quốc hội ngày càng được nâng cao. Những thành quả của cách mạng Việt Nam hơn 75 năm qua đã khẳng định vai trò to lớn của Quốc hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và có được điều đó cũng là kết quả của bầu cử dân chủ - dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ thực chất, tuyệt nhiên không phải là hình thức, giả hiệu.
4. Việt Nam hiện nay, việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân được tiến hành theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Theo đó, Luật Bầu cử xác định nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam là: “Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” (Điều 1). Quyền bầu cử và quyền ứng cử của công dân được quy định: “Mọi công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân” (Điều 2). Đồng thời, Luật cũng quy định rõ các nội dung và trình tự tiến hành bầu cử, như: cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội; xác định ngày bầu cử; phương thức tổ chức đơn vị bầu cử; khu vực bỏ phiếu; tổ chức phụ trách bầu cử; lập danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử; tổ chức vận động bầu cử; trình tự bỏ phiếu; kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử. Trình tự và nội dung đó được tổ chức thực hiện công khai, dân chủ, với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và nhân dân, chứ không phải là “hình thức”, hoặc mang tính “trình diễn” như luận điệu xuyên tạc của các phần tử chống phá. Chẳng hạn, việc giới thiệu ứng cử và tự ứng cử được quy định cụ thể: các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang có quyền giới thiệu người của mình ra ứng cử và các cá nhân có quyền tự ứng cử. Bởi vậy, trong thực tế, không chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam, mà mọi tổ chức, cá nhân đều thực hiện quyền giới thiệu người ứng cử hoặc tự ứng cử; mọi hành vi cản trở việc đó đều vi phạm pháp luật và bị xử lý theo luật định.
Tiến trình bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ở nước ta tuân thủ một quy trình chặt chẽ, dân chủ, bình đẳng, khách quan, với tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Mỗi bước trong tiến trình đó, các tổ chức và cá nhân có liên quan phải hoàn thành trách nhiệm theo luật định. Người dân trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện của mình, giám sát chặt chẽ mọi quy trình bầu cử. Đồng thời, tại nơi bỏ phiếu, bằng lá phiếu của mình, cử tri sẽ quyết định ai là người xứng đáng để bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Như vậy, những lập luận cho rằng, bầu cử ở Việt Nam là áp đặt, mất dân chủ, đều là xuyên tạc, bịa đặt với dụng ý xấu, hòng phủ nhận bản chất của chế độ ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bằng tinh thần cảnh giác và kiên quyết, chúng ta cần đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, bảo đảm cho Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công tốt đẹp, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước đến năm 2045 trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chinh Trần