Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn, nhất là trên các trang mạng xã hội xuất hiện các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Có nhiều loại ý kiến, quan điểm khác nhau, nhưng tựu chung lại họ thường cho rằng: Ở Việt Nam không có tự do chính trị, tự do kinh tế, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo,v.v… và Đảng Cộng sản Việt Nam đang vi phạm quyền tự do dân chủ, lãnh đạo áp đặt, độc quyền, toàn trị. Từ đó, những luận điểm này cho rằng, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, để bảo đảm dân chủ cần phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Vậy, cần phải nhận diện và đánh giá thực chất của những ý kiến nêu trên như thế nào?
Cần khẳng định rằng, những quan điểm nêu trên không có cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn. Đồng thời, dễ dàng nhận ra đây là quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch với âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Ngoài ra, đây còn là quan điểm sai trái, bóp méo sự thật của một số đối tượng có động cơ không trong sáng, bất mãn chính trị, hoặc là do thiếu hiểu biết về lý luận và thực tiễn dẫn đến suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Vấn đề đặt ra là, trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền có cản trở việc thực hành dân chủ hay không? Và liệu rằng trong thể chế đa đảng sẽ có dân chủ đầy đủ?
Trước hết, cần phải khẳng định, trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền sẽ không cản trở việc thực hành dân chủ. Việc có dân chủ hay không tùy thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền, đảng cầm quyền đại diện cho lợi ích của ai, mục tiêu phấn đầu của đảng cầm quyền là gì? Bên cạnh đó, việc tồn tại một đảng hay đa đảng còn phụ thuộc vào tương quan lực lượng trên vũ đài chính trị, bối cảnh đảng đó xác lập địa vị cầm quyền, phụ thuộc vào truyền thống văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc...
Ở Việt Nam, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong bối cảnh thực dân Pháp xâm lược và thiết lập chế độ cai trị, đã xuất hiện nhiều phong trào yêu nước như: phong trào Cần Vương, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh, Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào đấu tranh của Việt Nam Quốc dân Đảng,… Đó là những phong trào yêu nước tiêu biểu theo những khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng không có một giai cấp, đảng phải nào đủ khả năng để định hướng con đường phát triển của dân tộc nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết đang đặt ra đối với lịch sử Việt Nam.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng về đường lối cứu nước và về lực lượng lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời, gắn với mục tiêu chính trị rất rõ ràng: Đấu tranh giành độc lập dân tộc, sau đó tiến hành xây dựng một chế độ xã hội dân chủ, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chính mục tiêu ấy đã thu hút, tập hợp được đại đa số các tầng lớp nhân dân đi theo và ủng hộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.
Với vai trò, sứ mệnh được lịch sử giao phó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của giai cấp và của dân tộc phát triển đúng hướng, xây dựng một chế độ xã hội dân chủ vì lợi ích và quyền lợi của nhân dân. Trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề ra đường lối và lãnh đạo xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Từ chính thực tiễn đó có thể khẳng định, sự ra đời và lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam là tất yếu khách quan, là sự lựa chọn của lịch sử, chứ không phải là sự áp đặt, độc quyền như một số quan điểm xuyên tạc, thù địch vẫn rêu rao.
Nhìn rộng ra, trong thế giới đương đại, ngoài các quốc gia lựa chọn mục tiêu phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, thì những quốc gia còn lại, mặc dù có thể tổ chức bộ máy chính trị dưới những dạng thức khác nhau nhưng đều lựa chọn mục tiêu phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Vậy, liệu rằng có phải tất cả các quốc gia đó đều bảo đảm thực hành dân chủ đầy đủ hay không?
Với những gì đang diễn ra ở hàng loạt các nước tư bản, trong đó không loại trừ các nước tư bản phát triển nhất, như: tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng và trở nên phổ biến ở khắp các quốc gia, sự phân hoá giàu nghèo ngày càng sâu sắc, tình trạng bạo lực gia tăng, chiến tranh tôn giáo, sắc tộc, những bất ổn về chính trị đã và đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới…, đã cho thấy thế giới tư bản không phải là thế giới của dân chủ, của tự do như một số người vẫn suy nghĩ và tung hô.
Thứ hai, vấn đề đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là vấn đề mới, nó xuất hiện từ rất sớm, khi các nhà triết học Hy Lạp cổ đại bàn đến sự đa nguyên về sự khởi nguyên của thế giới, về sau được các nhà tư tưởng vận dụng trong phân tích về đa nguyên trong chính trị. Đến thời cận đại, khi giai cấp tư sản lên cầm quyền, thì vấn đề đa nguyên, đa đảng được luận bàn một cách phổ biến, nhằm ngăn chặn tình trạng độc quyền, mất dân chủ của các chính trị gia tư sản, để bảo vệ lợi ích của các tầng lớp dân cư trong xã hội.
Tuy nhiên, tư tưởng “đa nguyên luận” không đạt được mục đích của mình là dân chủ hóa xã hội, mà chỉ hình thành nên một số đảng phái trong xã hội nhằm phân chia, tranh giành quyền lực lẫn nhau.
Thực tế cho thấy, không phải cứ đa đảng là đa nguyên chính trị. Hiện nay, ở các nước tư bản, đa đảng nhưng lại nhất nguyên chính trị. Về danh nghĩa, các đảng phái có quyền tự do, bình đẳng trong các cuộc tranh cử để trở thành đảng cầm quyền, nhưng về thực chất chỉ có những đảng lớn được sự ủng hộ, hậu thuẫn của các thế lực tư bản độc quyền mới giành được vai trò chấp chính. Điển hình như ở Mỹ, hiện nay có khoảng trên một trăm đảng cùng hoạt động, nhưng trên thực tế chỉ có hai đảng (Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ) thay nhau nắm giữ quyền lãnh đạo, mà về bản chất đó là một đảng - đảng của giai cấp tư sản với thể chế nhất nguyên chính trị.
Như vậy, một đảng hay đa đảng chỉ là một hình thức tổ chức nhà nước, tổ chức quản lý xã hội, chứ không phải cứ đa đảng là có dân chủ, một đảng là không dân chủ. Một nền dân chủ thực sự chỉ được quyết định bởi bản chất của đảng cầm quyền, đảng đại diện cho lợi ích của ai và đảng đó có nhận được sự ủng hộ của số đông dân chúng đối với sự cầm quyền đó hay không.
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin thường nhắc nhở những người cộng sản rằng, trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền thường dễ mắc căn bệnh kiêu ngạo cộng sản, từ đó dẫn đến độc quyền nếu không được kiểm soát. Nhận thức sâu sắc điều này, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tăng cường tự phê bình và phê bình, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt và hoạt động của mình.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Đảng đã ban hành hai Nghị quyết quan trọng là: Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trong đó giải quyết những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong nội bộ, để xây dựng Đảng thậc sự cách mạng, liêm chính, mang bản chất của giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Chính điều này một lần nữa đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và toàn xã hội, một hiện thực lịch sử khách quan mà không một thế lực nào có thể phủ nhận.
Văn Giang