Nhận diện sự chống phá…
Lâu nay, các quan điểm sai trái, thù địch, các phần tử cơ hội, chống đối thường tung ra các luận điệu xuyên tạc nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, hạ thấp uy tín của Đảng. Để thực hiện mưu đồ đen tối đó, một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch đã và đang tiến hành là xuyên tạc, phủ nhận sự ra đời khách quan của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các tổ chức và cá nhân phản động, chống đối đưa ra luận điệu xuyên tạc và lừa bịp khi cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chưa phản ánh đúng đòi hỏi tất yếu của lịch sử, chưa có những điều kiện “chín muồi”, đặc biệt là giai cấp công nhân Việt Nam ra đời muộn và chưa đủ độ trưởng thành để thành lập đội tiên phong chiến đấu của mình, vì vậy Đảng Cộng sản ra đời là “sản phẩm đẻ non”; bên cạnh đó, chúng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “là sản phẩm ngoại lai, được nhập vào lòng dân tộc”; “là công cụ… của một người hoặc một nhóm các chính trị gia”;…
Trước những luận điệu xuyên tạc đó, một mặt chúng ta phải nhận diện đầy đủ và đúng bản chất, bộ mặt thật của các quan điểm sai trái, mục tiêu cũng như thủ đoạn, phương thức xuyên tạc của chúng. Từ đó, bằng chính sự vận động của lịch sử Việt Nam để minh chứng hùng hồn cho sự xuất hiện khách quan của chính đảng cộng sản, chính đảng đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc.
… và luận cứ đấu tranh phản bác
Lịch sử và hiện tại cho thấy, mỗi dân tộc đều có quyền lựa chọn con đường phát triển của dân tộc mình, đó là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tất cả các quốc gia - dân tộc. Tất nhiên, sự lựa chọn đó một mặt phải dựa trên cơ sở tuân thủ quy luật vận động phát triển của nhân loại, mặt khác phải phù hợp với đặc điểm của dân tộc, yêu cầu khách quan của lịch sử, khát vọng và nhu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Với Việt Nam, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đứng trước những thách thức hết sức nặng nề khi rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp. Dưới ách độ hộ của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của nhân dân ta đã liên tiếp diễn ra theo khuynh hướng tư tưởng phong kiến và dân chủ tư sản nhưng đều lần lượt bị thất bại. Nguyên nhân chính của sự thất bại đó là do thiếu đường lối và một tổ chức lãnh đạo đúng đắn. Trong khi đó, giai cấp công nhân Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX do chưa được trang bị lý luận tiên phong là chủ nghĩa Mác - Lênin nên các cuộc đấu tranh vẫn còn tự phát, chưa trở thành phong trào độc lập. Vì vậy, đầu thế kỷ XX, đất nước ta bị lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước đúng đắn.
Bến cảng Nhà rồng - nơi Bác Hồ rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu.
Trước tình hình đó, ngày 5/6/1911, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua quá trình bôn ba đến hàng loạt các nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu nhiều cuộc cách mạng, nghiên cứu nhiều lý thuyết cách mạng ở trên thế giới và khi bắt gặp ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc đó là con đường cách mạng vô sản, từ đó Người đi đến khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất chính là chủ nghĩa Lênin”. Chính vì vậy, sau khi bắt gặp ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn và trở thành người cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vừa tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin để nâng cao, hoàn thiện tư tưởng cách mạng của mình, vừa tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị những điều kiện cho việc thành lập Đảng cộng sản ở nước ta.
Trên cơ sở nắm rõ nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân cư và trong những năm đầu thế kỷ XX, các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam vẫn còn lẻ tẻ, rời rạc, đang hòa chung vào trong phong trào yêu nước của các giai cấp tầng lớp khác chứ chưa trở thành một phong trào độc lập. Trong khi đó, chủ nghĩa yêu nước là giá trị tinh thần trường tồn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, có vai trò cực kỳ to lớn và là nhân tố chủ đạo quyết định sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc ta. Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược và cai trị nước ta thì các phong trào yêu nước của nhân dân đã diễn ra liên tiếp và sôi nổi. Phong trào yêu nước là yếu tố có trước phong trào công nhân và cả sự ra đời của giai cấp công nhân. Cho nên, trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá trước hết đến những người yêu nước, vào phong trào yêu nước và qua phong trào yêu nước tiếp tục truyền bá vào giai cấp công nhân để giác ngộ giai cấp công nhân.
Ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã làm chuyển biến nhận thức, tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Bằng những hoạt động tích cực của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân, trang bị cho những người yêu nước, những người công nhân Việt Nam một cách nhìn mới về cái đích cần đi tới và về vai trò, trách nhiệm của họ trước vận mệnh của đất nước và dân tộc. Đồng thời, trên cơ sở thấm nhuần lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng bước vạch ra những quan điểm chính trị về đường lối cứu nước đúng đắn cho dân tộc và truyền bá vào trong nước, khai thông sự bế tắc về đường lối chính trị trong phong trào yêu nước ở nước ta đầu thế kỷ XX. Chính vì vậy, vào những năm 20 của thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác - Lênin và những tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến được với những người yêu nước Việt Nam, thâm nhập vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân, thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo khuynh hướng cách mạng vô sản, cụ thể: trong phong trào yêu nước, những người yêu nước và các tổ chức yêu nước dần ngả hẳn theo khuynh hướng tư tưởng vô sản; phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân thì phát triển từ tự phát lên tự giác.
Điều đó cho thấy, lúc này, hệ tư tưởng vô sản đã hoàn toàn chiếm ưu thế trong phong trào cách mạng Việt Nam, điều kiện để thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân đã hoàn toàn chín muồi và sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở nước ta vào cuối năm 1929 đầu năm 1930 chính là sự phản ánh nhu cầu phát triển tất yếu của phong trào cách mạng ở Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, một nước không thể cùng một lúc tồn tại nhiều tổ chức cộng sản mà mục tiêu đấu tranh cơ bản là thống nhất. Vì vậy, từ ngày 6-1 đến 7-2-1930, với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị đại biểu các tổ chức cộng sản. Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các đại biểu dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng đã quyết định nội dung, xu hướng phát triển của xã hội Việt Nam là giành độc lập dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội. Sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản là phù hợp với nội dung và xu thế cách mạng của thời đại mới được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) đáp ứng với yêu cầu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, bảo đảm độc lập tự do thật sự cho dân tộc. Đối với nước ta: "không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thực sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta" .
Như vậy, từ hiện thực lịch sử những thập niên đầu thế kỷ XX, đặc biệt là những năm 20 cho thấy, quá trình vận động của phong trào cách mạng Việt Nam để đi đến thành lập Đảng cộng sản ở Việt Nam đã hòa quyện các yếu tố: chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Điều đó có nghĩa là ngay từ khi thành lập với quy luật tạo dựng Đảng đã làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự là người lãnh đạo, là lãnh tụ chính trị của giai cấp và cả dân tộc. Giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc tập hợp dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Quy luật nêu ra trên đây không chỉ chi phối quá trình thành lập Đảng mà chi phối cả quá trình xây dựng và phát triển của Đảng, trung tâm của toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích của toàn thể dân tộc Việt Nam, phát triển mạnh mẽ phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong mọi thời kỳ cách mạng tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng, tạo thành Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Trong xây dựng Đảng, bản chất giai cấp công nhân của Đảng luôn được đề cao và nhận thức sâu sắc, đồng thời Đảng kế thừa và phát triển những tinh hoa trí tuệ và văn hóa của dân tộc, thật sự là người lãnh đạo của toàn dân tộc, được toàn dân tộc thừa nhận và tin cậy.
Tâm Sáng