Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn chứng những quan điểm bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và đồng thời, Người nhắc lại lời Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Song, cần thấy rằng, trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đã mở rộng và phát triển các quan điểm về giá trị, lẽ phải trong quá trình đấu tranh vì sự tiến bộ của các dân tộc trên thế giới, về quyền của con người thành quyền tự do, độc lập của dân tộc và hơn nữa Tuyên ngôn của Việt Nam còn thể hiện giá trị nhân văn và thời đại của dân tộc ta cũng như tư tưởng của Hồ Chí Minh. Vì vậy, không thể xuyên tạc Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam là sự “sao chép”, “ rập khuôn theo” Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp[1].
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch khi cho rằng Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam là sao chép (!?)
Mục đích của các thế lực thù địchkhi cho rằng “Tuyên ngôn của Việt Nam là sao chép” là nhằm xuyên tạc giá trị, ý nghĩa lịch sử nhân văn và thời đại của Tuyên ngôn, từ đó hòng hạ thấp vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và Nhân dân Việt Nam; gây hoang mang, nghi ngờ, mất lòng tin của các thế hệ nhất là thế hệ trẻ người Việt Nam hiện nay đối với truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc ta trong 78 năm qua, cuối cùng là hướng tới chiến lược muốn lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Để thực hiện âm mưu trên, các thế lực thù địch đã dùng nhiều thủ đoạn, hình thức, phương tiện để thực hiện các luận điệu xuyên tạc khác nhau như:
Một là, các thế lực thù địch đan cài, đảo lộn trật tự câu từ, ngôn ngữ trong văn bản gốc của Tuyên ngôn, cố tình đưa thông tin sai lệch về những nội dung, thông tin và sự kiện liên quan đến Tuyên ngôn độc lập trong các bài viết, các ấn phẩm… làm cho người đọc, người nghe mất phương hướng, không phân biệt được đâu là ý kiến, lý lẽ đúng - sai, dễ bị dẫn dắt theo các chiêu bài mà bọn chúng định hướng trong các lập luận suy diễn.
Hai là, phát tán nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc “Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam là sự sao chép từ tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp, không có giá trị gì” trên các kênh như YouTube, trên các đài phát thanh như VOA, BBC, RFI... Chẳng hạn, ngày 21/7/2020 trên YouTube của một luật sư người Mỹ gốc Việt đã ngang nhiên nói rằng, sở dĩ có đoạn trích bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ là do thiếu tá Archimedes Patti, thành viên biệt đội Con Nai của Mỹ đã cố vấn góp ý cho cụ Hồ trong quá trình soạn thảo Tuyên ngôn độc lập (?!). Thậm chí Y còn mượn lời người khác cho rằng cụ Hồ “đạo văn”. Đây là sự bịa đặt lịch sử trắng trợn nhằm bôi nhọ vai trò lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như phủ nhận công lao của Người trong việc “chắp bút” huy động trí tuệ khai sinh ra Tuyên ngôn của nước Việt Nam[2].
Ba là, nhân dịp ngày Quốc khánh của Việt Nam hàng năm, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc hoặc lợi dụng sự sơ hở trong các bài viết, bài phát biểu, ý kiến… của chúng ta để chắp nối, “tầm chương trích cú” xuyên tạc sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của dân tộc ta, kêu gọi xuống đường biểu tình…
Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, năm 1776
Cơ sở để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
Thứ nhất, cả hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và Pháp đều ghi dấu ấn tích cực và tiến bộ trong sự phát triển tư tưởng chính trị, nhân văn của nhân loại. Điều đáng tiếc là, sau khi giai cấp tư sản ở Mỹ và Pháp giành được quyền lãnh đạo, họ đã đi ngược lại những giá trị văn hóa, nhân văn do chính họ đã từng tuyên bố khi tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam và nhiều dân tộc khác trên thế giới.
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn chứng quan điểm trong Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp là thể hiện tư tưởng văn hóa và nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam và của Người rằng chúng ta không chống lại nhân dân Pháp, Mỹ nói chung, cũng như chúng ta không chống lại, hay định kiến chính trị với các giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại mà nước Pháp và Mỹ khẳng định trong Tuyên ngôn của họ. Ngược lại, đất nước và con người Việt Nam trân trọng và tiếp thu những giá trị văn hóa, chính trị nhân văn, tiến bộ mà nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ đã tạo ra trong lịch sử đấu tranh cho sự tiến bộ của nhân dân và dân tộc họ.
Thứ hai, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn Tuyên ngôn của nước Mỹ và Tuyên ngôn của cách mạng Pháp là muốn cho toàn thể nhân loại thấy rằng, nhân dân Việt Nam đấu tranh chống xâm lược, giương cao ngọn cờ đấu tranh chống chế độ phong kiến là để giành độc lập, tự do, để thực hiện chế độ xã hội dân chủ và tiến bộ cho dân tộc mình cũng giống như nước Mỹ và nước Pháp đã từng trải qua là quyền chính đáng, thiêng liêng, không ai có thể xâm phạm. Đó là mẫu hình đầu tiên và cũng là ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa nhỏ yếu thoát khỏi ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới mà cách mạng Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Thứ ba, khi nghiên cứu hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp, cần thấy rằng cả hai bản Tuyên ngôn đã đề cao và khẳng định quyền con người: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”[3]. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy rộng ra và khẳng định: “câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[4]. Chính sự suy rộng ra này đã thể hiện điểm khác biệt, tư tưởng lớn, một luận điểm quan trọng thể hiện sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đặt nền móng khai sinh ra Tuyên ngôn độc lập cho nước Việt Nam. Đây là một nội dung rất căn bản, có ý nghĩa không chỉ đối với dân tộc ta mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với thời đại. Từ đó tới nay, các nước trên thế giới đã và đang liên tục đấu tranh để giành độc lập, giành quyền dân tộc cơ bản của mình. Đó chính là sự đóng góp của Hồ Chí Minh về lý luận và thực tiễn cho lịch sử đấu tranh vì sự tiến bộ của nhân loại.
Đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với nội dung và giá trị của Tuyên ngôn độc lập
Để đấu tranh bác bỏnhững luận điệu xuyên tạc về Tuyên ngôn độc lập của các thế lực thù địch,cần thực hiện tốt một số công việc sau:
Một là, tiếp tục chủ động tuyên truyền về điều kiện, hoàn cảnh ra đời cũng như những nội dung,quan điểm trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 trên cơ sở khoa học, cách mạng và gắn chặt với sự phát triển các nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, mở rộng giá trị từ hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp.
Hai là, tích cực lan tỏa tinh thần và giá trị của Tuyên ngôn độc lập. Khi nhân dân, cán bộ, đảng viên nhận thức toàn diện, đầy đủ, đúng đắn giá trị và ý nghĩa của Tuyên ngôn sẽ tự giác “miễn dịch” với các thủ đoạn luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Mặt khác, trên cơ sở đó, các tầng lớp nhân dân sẽ chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu phản động, thù địch xuyên tạc lịch sử, đòi xét lại lịch sử, cố tình làm méo mó, sai lệch giá trị, ý nghĩa của Tuyên ngôn độc lập.
Ba là, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương trong việc định hướng kịp thời, nhanh chóng, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật, đúng chuẩn mực văn hóa và đạo đức đối với dư luận để bảo vệ giá trị thiêng liêng của Tuyên ngôn, qua đó cũng là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
[1]Lê Quý Trịnh, Nguyễn Đình Tương (2018): Không thể xuyên tạc giá trị của “Tuyên ngôn độc lập”, Cổng thông tin điện tử Tạp chí Quốc phòng toàn dân, truy cập ngày 19/8/2023, tại:http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/khong-the-xuyen-tac-gia-tri-cua-tuyen-ngon-doc-lap/12343.html.
[2]Nguyễn Tuấn Anh (2022): Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc, bóp méo và xét lại lịch sử của các thế lực thù địch,Trang Thông tin điện tử của UBWTTQVN tỉnh Bình Định, truy cập ngày 13/8/2023, Tại: https://ubmttqvn.binhdinh.gov.vn/news/xay-dung-dang-chinh-quyen/canh-giac-voi-luan-dieu-xuyen-tac-bop-meo-va-xet-lai-lich-su-cua-cac-the-luc-thu-dich-935.html/
[3][4]Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 4, tr.1.
Ngọc Bách