Công cuộc giải phóng phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam không phải là phong trào hình thức mà đã được đưa vào Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, được luật hóa và quan trọng hơn nữa đã được triển khai thành công trong thực tiễn với nhiều thành tựu quan trọng được quốc tế ghi nhận, là minh chứng rõ ràng, khách quan nhất khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương, chính sách và pháp luật của Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội gặp mặt các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV, ngày 24/5/2022. Ảnh: Internet.
Thứ nhất, thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ là chủ trương nhất quán, nhân văn của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong suốt hơn 90 năm từ khi thành lập cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện quan điểm nhất quán, đúng đắn về thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Điều này được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng.
Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (năm 1930) đã xác định rõ ràng nhiều vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam trong đó đã chỉ rõ: “về xã hội,… nam nữ bình quyền”. Điều này đã cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam rất coi trọng vấn đề bình đẳng giới. Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ, coi việc “thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới”. Lần đầu tiên, Đảng ta xác định chỉ tiêu cụ thể gồm: “bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên,… đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ...”.
Tiếp tục phát triển quan điểm của Đảng về phụ nữ và công tác phụ nữ trong bối cảnh mới, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII một lần nữa nhấn mạnh: “… Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ... Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới…”.
Thứ hai, hệ thống luật pháp, chính sách về thúc đẩy bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện.
Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 khẳng định: “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9), đã thể hiện sự quan tâm, coi trọng của Nhà nước ta đối với vấn đề thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ. Sau đó, trong các lần sửa đổi Hiến pháp, quyền và nghĩa vụ của phụ nữ được xác định ngày càng rõ ràng hơn. Đến bản Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất cụ thể về các quyền của phụ nữ trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của các bản Hiến pháp trước, bao gồm: Quyền chính trị, Quyền dân sự, Quyền về kinh tế, lao động và việc làm, Quyền về văn hóa, giáo dục, xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các đại diện nữ lãnh đạo quản lý, trí thức và văn nghệ sỹ tiêu biểu nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/2022). Ảnh: TTXVN.
Nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền của phụ nữ cũng như để phù hợp với các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết (Công ước CEDAW[1], Mục tiêu thiên niên kỷ) và xu hướng hiến định của khu vực và quốc tế, trong nhiều năm qua, hàng loạt văn bản pháp luật đã được Chính phủ ban hành, sửa đổi, điển hình là: Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ Luật Lao động, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; đặc biệt Việt Nam là một trong số ít các quốc gia xây dựng Luật Bình đẳng giới, thông qua đó Việt Nam đã tạo bước chuyển biến căn bản đối với việc xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử về giới, góp phần tạo cơ hội bình đẳng cho cả nam giới và nữ giới trong mọi phương diện để tiến tới bình đẳng giới thực chất.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn 2021-2030, điều này thể hiện sự chỉ đạo nhất quán, sự quan tâm, coi trọng của Đảng, Nhà nước về việc “thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”[2].
Thứ ba, các thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực.
Trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Quốc hội Việt Nam khóa XV, tỷ lệ nữ đại biểu chiếm 30,26% (151/499), cao hơn tỷ lệ chung của thế giới. Tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện và cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 lần lượt là 29%, 29,08% và 28,98%. Có 6 nhân sự lãnh đạo các cơ quan Nhà nước là nữ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, có 18 đại biểu nữ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; trong nhiệm kỳ 2020-2025, có 9 đồng chí nữ giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương…
Trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong giáo dục: Tỷ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi 15 - 60 đạt 97,33%; tỷ lệ nữ là người dân tộc thiểu số biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 đạt 92,58%, độ tuổi 15-35 là 99,3%[3]. Nữ giới có nhiều đóng góp to lớn, chiếm tỷ lệ khá cao trong các chủ thể giáo dục: chiếm khoảng 70% giáo viên bậc phổ thông; chiếm gần 50% giảng viên đại học, cao đẳng. 90% phòng giáo dục có nữ tham gia ban lãnh đạo; 90% cơ sở giáo dục đại học có nữ tham gia Hội đồng trường/Ban Giám hiệu/Ban Giám đốc[4]. Đội ngũ nữ trí thức ngày càng đông đảo, tỷ lệ nữ có học vị thạc sĩ đạt 44,2%, có học vị tiến sĩ đạt 28%; có 753 người được phong chức danh giáo sư, phó giáo sư; làm chủ nhiệm 334/1.361 đề tài khoa học cấp quốc gia[5].
Về sự tham gia và cơ hội trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã thu hẹp khoảng cách chênh lệch về vấn đề này, với mức thu nhập của nữ giới bằng 81,9% thu nhập của nam, nằm trong số 11 quốc gia hàng đầu về chỉ số này. Ngoài ra, phụ nữ Việt Nam cũng được tạo điều kiện tham gia tích cực vào lực lượng lao động và chiếm tỷ lệ cao trong số các chuyên gia có tay nghề cao (52,6%), tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 17,38%,…
Những con số biết nói trên đây một lần nữa khẳng định những luận điệu của các thế lực thù địch về vấn đề bình đẳng giới của Việt Nam là hoàn toàn sai lệch, thiển cận.
Bùi Thị Hồng Hà