“Thích Minh Tuệ” trở thành từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong tuần lễ Phật đản vừa qua, được nhắc đến bởi hàng triệu tài khoản tiktok, youtube, facebook, zalo, instagram… tạo nên một hiện tượng mạng xã hội, tạm gọi là “hiện tượng Thích Minh Tuệ”. Lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ”, các phần tử thiếu thiện chí, các thế lực phản động, thù địch đã đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, chia rẽ tôn giáo, chống phá Nhà nước Việt Nam trên không gian mạng. Bài viết tập trung nhận diện và đấu tranh chống các hoạt động lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” nhằm chia rẽ tôn giáo và chống phá nhà nước Việt Nam.
Thích Minh Tuệ và những người hiếu kỳ
Kể từ đầu tháng 5 vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền nhanh chóng những video clip, hình ảnh về một người đàn ông trung niên trong bộ y phục gần giống y phục của tu sỹ Phật giáo nam tông, đầu trần, chân đất, ôm lõi nồi cơm điện để khất thực. Tập trung xung quanh nhân vật này là đám đông có lúc tới cả nghìn người, bao gồm đoàn người khoác trên người y phục của tu sỹ Phật giáo Nam tông hoặc bắt chước y phục của người đàn ông này, phật tử đại chúng, người dân hiếu kỳ và hàng chục người cầm máy ảnh, máy quay, điện thoại để livestream, tạo thành cảnh tượng ồn ào, nhốn nháo, cản trở giao thông trên nhiều con đường, tuyến phố. Quần chúng gọi người đàn ông này là “sư Thích Minh Tuệ”, “thầy Thích Minh Tuệ”, “đại đức Thích Minh Tuệ”. Tuy nhiên, trong Thông báo số 151/HĐTS -VP1 ngày 16/5/2024 của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định “người đàn ông này không phải là tu sỹ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Cùng ngày, công văn số 795/TGCP-PG của Ban Tôn giáo Chính phủ gửi các Ban/Phòng tôn giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác quản lý nhà nước liên quan đến Phật giáo trên địa bàn cũng cho biết “ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sỹ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Người này tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh[1], đã từng tu tập tại một ngôi chùa, đã quy y và được đặt pháp danh Thích Minh Tuệ[2]. Nhưng vì Thích Minh Tuệ đã rời khỏi ngôi chùa đó sau một thời gian ngắn tu tập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam không quản lý nhân sự này.
Theo thông tin từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và chia sẻ của bản thân Thích Minh Tuệ trên các video clip lan truyền trên mạng internet, vị này tin theo Phật giáo, thực hành phương pháp tu tập “hạnh đầu đà” hay còn gọi là pháp tu khổ hạnh. Trong hơn 6 năm qua, Thích Minh Tuệ đã rời khỏi gia đình, rời khỏi ngôi chùa ông đã xuống tóc đi tu, bộ hành khắp đất nước, đi khất thực, mỗi ngày chỉ ăn 1 bữa, mặc y phục tự khâu vá từ những mảnh vải vụn, không nhận của bố thí nhiều hơn nhu cầu tối thiểu, không nhận tiền bạc hay vật chất có giá trị, ngủ bất cứ đâu, thiền định ở nghĩa địa,v.v… Đây là nội dung của pháp tu “hạnh đầu đà” đã từng phổ biến ở Ấn Độ trước, trong và sau thời Đức Phật Thích Ca. Chính Đức Phật cũng đã từng thực hành pháp tu này trước khi Ngài giác ngộ, được đại đệ tử Ca Diếp của Đức Phật kiên trì thực hiện suốt đời và cũng là pháp tu được không ít tu sỹ Phật giáo ở trong và ngoài nước hiện nay theo đuổi. Thích Minh Tuệ không phải là người duy nhất tu tập pháp tu “hạnh đầu đà” song đến thời điểm này ông là người được biết đến một cách rộng rãi và nhanh chóng trên mạng internet như một “viral” (hiệu ứng lan truyền thông tin nhanh chóng như một loại virút).
Nhận diện các biểu hiện lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” nhằm chia rẽ tôn giáo, chống phá nhà nước Việt Nam
Một là, bằng thủ đoạn tôn vinh, ca ngợi Thích Minh Tuệ như một vị chân tu hiếm có trên đất nước Việt Nam đồng thời cho rằng đội ngũ hàng nghìn tăng, ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều là những kẻ giả tu, thế lực thù địch muốn chia rẽ nội bộ Phật giáo, gây mâu thuẫn giữa người không theo tôn giáo và tín đồ của các tôn giáo khác với chức sắc, nhà tu hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng lập luận rằng sư sãi Phật giáo chân chính phải biết buông bỏ mọi vật chất của thế gian, cắt ái, ly gia, tu hành khổ hạnh trong khi đó đa số nhà sư của Phật giáo Việt Nam đang hưởng lạc trong các chùa to, cổng kín. Thích Minh Tuệ không nhận cúng dường bằng tiền bạc, vật chất có giá trị, khất thực đủ ăn một bữa ăn mỗi ngày, còn sư sãi Phật giáo Việt Nam làm đủ mọi cách để “moi tiền” cúng dường của phật tử (!). Qua lập luận đó, thế lực thù địch kích động phật tử tại gia tẩy chay Giáo hội, không đến chùa chiền, không cúng dường, không làm từ thiện dưới sự kêu gọi của giáo hội và của các vị tăng, ni; hạ thấp uy tín và vai trò của Giáo hội Phật giáo và lực lượng tu sỹ Phật giáo trong đời sống xã hội. Mục đích của chúng không chỉ chia rẽ nội bộ Phật giáo mà gây mâu thuẫn, thái độ định kiến của toàn xã hội với tôn giáo này.
Hai là, lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” nhằm xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng cho rằng giáo hội Phật giáo Việt Nam là giáo hội quốc doanh, do nhà nước lập ra và quản lý nên sư sãi trực thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam là “sư nhà nước”, còn Thích Minh Tuệ là “sư nhân dân”. Chúng lập luận rằng, trong nhà nước Việt Nam, giáo hội Phật giáo Việt Nam được đặc quyền, đặc lợi so với các tôn giáo khác, “sư nhà nước” được nuông chiều, được tự do hành đạo trong khi những nhà sư tự do, “sư nhân dân” không dưới quyền quản lý của Giáo hội như Thích Minh Tuệ bị kiểm soát, cấm cản, đàn áp, không có quyền tự do tôn giáo (!).
Ba là, lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” nhằm cáo buộc nhà nước Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo. Chúng cho rằng việc Ban Tôn giáo Chính phủ ra văn bản số 795-TGCP-PG ngày 16/5/2024 đề nghị các Ban/Phòng tôn giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước liên quan đến Phật giáo, phòng ngừa hoạt động lợi dụng hiện tượng Thích Minh Tuệ trên địa bàn là một hành động vi phạm quyền tự do tôn giáo. Sử dụng livestream, các video clip trên mạng có hình ảnh lực lượng công an nhân dân thực hiện nghĩa vụ đảm bảo trật tự giao thông, an ninh tại nơi Thích Minh Tuệ xuất hiện cùng đám đông quần chúng, chúng rêu rao rằng công an đến ngăn cản nhà sư thực hiện quyền tự do tôn giáo, nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo (!).
Bốn là, lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” bôi nhọ Đảng và Nhà nước Việt Nam. Khi thủ đoạn xuyên tạc chính sách tự do tôn giáo không thành, Thích Minh Tuệ được tự do hành đạo theo pháp tu đã chọn, tiếp tục bộ hành đến nhiều địa phương, được quần chúng đón chào ngày càng đông đảo, không gặp bất kỳ cản trở nào từ phía chính quyền, còn được lực lượng chức năng bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình bộ hành hành đạo thì thế lực phản động lại quay sang vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ”. Chúng lập luận rằng, sở dĩ chính quyền Việt Nam “để yên” cho Thích Minh Tuệ được tự do tôn giáo, “để mặc” thông tin về Thích Minh Tuệ nổi bật trên mạng xã hội nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề phức tạp về kinh tế, chính trị, xã hội trong nước trong thời gian này (!).
Luận cứ đấu tranh chống hoạt động lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” nhằm chia rẽ tôn giáo, chống phá nhà nước Việt Nam
Thứ nhất, Phật giáo có hàng ngàn pháp tu nhằm đạt cảnh giới giải thoát, trong đó tu “hạnh đầu đà” chỉ là một pháp tu. Trên con đường tu tập, phật tử lựa chọn pháp tu phù hợp nhất với bản thân. Ông Lê Anh Tú đã quy y tại chùa, được đặt pháp danh Thích Minh Tuệ, hẳn là đã được truyền dạy một số pháp tu. Song, như ông chia sẻ, sau một thời gian ngắn tu tập, ông đã lựa chọn pháp tu “hạnh đầu đà”, rời khỏi chùa, phát nguyện bộ hành trọn đời, sống nay đây mai đó, từ chối mọi tiện nghi. Đây là pháp tu không phổ biến ở Việt Nam. Vậy mà, những kẻ thiếu thiện chí, thù địch với nhà nước, nhân dân Việt Nam lại coi đây là pháp tu duy nhất đúng với tu sỹ Phật giáo. Hiểu biết mới nông cạn làm sao! Chúng lớn tiếng phê phán các nhà sư thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam tu hành trong các “chùa to, cổng kín” mà chẳng biết gì về truyền thống Phật giáo Việt Nam. Phần lớn sư sãi dù thuộc hệ phái Bắc tông hay Nam tông hay Khất sỹ thì đều gắn bó chặt chẽ với ngôi chùa. Chùa không chỉ là nơi tu tập của tu sỹ mà còn là trung tâm văn hóa - xã hội của cộng đồng. Chính vì thế, phật tử rất coi trọng ngôi chùa và xem việc cúng dường để sư sãi chăm sóc cho ngôi chùa và thực hiện các hoạt động xã hội tại chùa vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của bản thân.
Thứ hai, nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tự do, bình đẳng tôn giáo. Điều này được thể hiện thống nhất từ chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam đến chính sách, pháp luật của Nhà nước và việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Đảng khẳng định: các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật…Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Hiến pháp Nhà nước Việt Nam sửa đổi năm 2013 quy định: mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Luật tín ngưỡng, tôn giáo nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Cá nhân vi phạm vào điều này tùy theo mức độ, tính chất sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong thực thi chính sách này, nhà nước đảm bảo mọi người đều có quyền tự do lựa chọn tôn giáo và thực hành niềm tin tôn giáo, được đối xử như nhau trước pháp luật. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuy là một tổ chức tôn giáo lớn với hàng chục triệu tăng ni, phật tử song cũng không có đặc quyền, đặc lợi gì so với giáo hội các tôn giáo khác, có khi chỉ vài nghìn tín đồ. Tu sỹ Phật giáo trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay không đều phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Cá nhân dù theo Phật giáo hay không, do tổ chức giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý hay hoạt động tôn giáo tự do đều phải có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau với tư cách công dân và đều phải tuân theo quy định của pháp luật. Luận điệu cho rằng chính phủ Việt Nam lo sợ ảnh hưởng của Thích Minh Tuệ đến công chúng, kiểm soát, hạn chế hoạt động tu tập và ép ông ấy ổn định chỗ tu là một sự bịa đặt trắng trợn. Nếu Thích Minh Tuệ không được tự do tu tập, phải ẩn tu, từ bỏ cuộc hành trình đi bộ xuyên Việt trọn đời như thông tin trên mạng xã hội vài ngày nay thì chính là bởi sự quấy rầy của các tiktoker, youtuber và bởi sự nồng nhiệt thái quá, sự hiếu kỳ của quần chúng và cả những hậu quả về sức khỏe, tính mạng của người dân, trật tự, an toàn xã hội ở những nơi ông ấy bộ hành. Nhận thức rõ điều này cũng như quyền và nghĩa vụ của công dân, từ ngày 3/6/2024, Thích Minh Tuệ đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.
Lực lượng chức năng vất vả đảm bảo trật tự giao thông, an toàn xã hội ở Huế nơi Thích Minh Tuệ đi bộ hành qua
Nạn nhân sốc nhiệt ở Huế do đi theo Thích Minh Tuệ trong cái nắng 40 độ
Thứ ba, không có chuyện lực lượng công an ngăn cản Thích Minh Tuệ tu hành, đàn áp tôn giáo. Từ sau văn bản của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo liên quan đến Phật giáo, trong các video clip đã xuất hiện lực lượng an ninh bên cạnh đám đông phật tử và người dân hiếu kỳ, nhóm sáng tạo nội dung trên các mạng xã hội. Lực lượng an ninh có mặt ở những nơi này không phải để kiểm soát, hạn chế các hành vi tôn giáo mà nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ người dân và bảo vệ chính cá nhân Thích Minh Tuệ khỏi sự quá khích, nồng nhiệt thái quá của đám đông, ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi lôi kéo, xúi giục của các thế lực thiếu thiện chí, thù địch.
Thứ tư, luận điệu cho rằng chính quyền Việt Nam lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” để đánh lạc hướng dư luận xã hội càng cho thấy sự ngoan cố của lực lượng phản động, thù địch đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây là một bằng chứng khẳng định rằng cho dù chính quyền có giải quyết vấn đề Thích Minh Tuệ theo cách nào đi chăng nữa, thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật về chính sách tự do, bình đẳng tôn giáo của Việt Nam.
Tóm lại, lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc và chống phá nhà nước Việt Nam là thủ đoạn thường xuyên của các thế lực phản động, thù địch. “Hiện tượng Thích Minh Tuệ” là một cơ hội tốt mà các thế lực thù địch không thể bỏ qua. Từ sự kiện này cho thấy, trên môi trường mạng internet, bất kỳ lúc nào cũng có thể xuất hiện “viral” liên quan đến tôn giáo. Do vậy, nhà nước và các cơ quan chức năng cần chủ động nắm bắt những sự kiện liên quan đến tôn giáo có khả năng phát triển thành hiện tượng mạng xã hội, có biện pháp phòng ngừa và đấu tranh kịp thời với những biểu hiện lợi dụng các hiện tượng mạng liên quan đến tôn giáo nhằm chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Quần chúng cần đề cao cảnh giác để vừa bảo đảm tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng theo pháp luật của công dân, đồng thời không để bị “dẫn dắt” bởi các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch.
[1] Ban Tôn giáo chính phủ, Công văn số 795/TGCP-PG1 ngày 16/5/2024 về Công tác quản lý nhà nước liên quan đến Phật giáo trên địa bàn
[2] Báo người lao động, tại trang: https://nld.com.vn/, cập nhật ngày 17/5/2024.
Huyền Vũ